Cuộc đua quyết liệt vào thị trường hấp dẫn

(PLO) - Mỹ là thị trường khả quan nhất cho xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2016 với nhu cầu được dự báo là sẽ tăng mạnh và tiếp tục có cầu ổn định đối với hàng hóa của Việt Nam.
Mỹ được kỳ vọng là thị trường hàng đầu trong xuất khẩu thủy sản năm 2016
Mỹ được kỳ vọng là thị trường hàng đầu trong xuất khẩu thủy sản năm 2016
Lợi thế từ TPP
Theo Cục Chế biến nông - lâm - thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), năm 2016 xuất khẩu nông - lâm - thủy sản dự báo sẽ có nhiều triển vọng do nhu cầu thị trường tăng và cơ hội được hưởng ưu đãi lớn về thuế, sức cạnh tranh tăng từ các hiệp định thương mại tự do vừa kết thúc đàm phán.
Trong các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, Mỹ được nhận định là khả quan nhất với nhu cầu thị trường nội địa của nước này được dự báo sẽ tăng mạnh và tiếp tục có cầu ổn định đối với hàng hóa của Việt Nam.  Việc tận dụng những ưu đãi từ TPP cũng sẽ là lợi thế cho nông sản Việt trong thời gian tới.

Cục này nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, các mặt hàng như gỗ và sản phẩm của gỗ, hàng thủy sản là những mặt hàng chủ lực, đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Ngoài ra, Mỹ luôn là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu các mặt hàng nông sản khác như: hạt điều, hạt tiêu, cà phê, sản phẩm mây, tre, cói thảm, cao su, chè và rau quả Việt Nam. 

Thống kê cho thấy, nếu như giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2015 đạt 6,57 tỷ USD thì Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19,9% tổng giá trị xuất khẩu. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ năm 2015 đạt 6,9 tỷ USD, Mỹ cũng là 1 trong 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với thị trường có giá trị tăng tới 18,1%.  

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, sự hấp dẫn của thị trường Mỹ cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường này rất quyết liệt, đặc biệt những đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam là Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia, những nước tương đồng với Việt Nam về các mặt hàng xuất khẩu. 
Bên cạnh đó, những rào cản về kỹ thuật và thương mại cũng là khó khăn không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam gần đây như: thuế chống bán phá giá tăng cao đối với cá tra, các yêu cầu của Chương trình thanh tra cá da trơn theo Farmbill 2014 có hiệu lực từ tháng 3/2016. 
Vai trò của Liên Bộ
Để khai thác tối đa hiệu quả từ thị trường Mỹ, Bộ NN&PTNT đưa ra một số định hướng trong xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tại thị trường này. Theo đó, tiếp tục duy trì xúc tiến thương mại xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản đáp ứng yêu cầu chất lượng, có giá trị gia tăng cao tại thị trường Mỹ như: thủy sản, gỗ, hạt điều, hạt tiêu và chè. 
Bên cạnh đó, sẽ tập trung hỗ trợ, đàm phán nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tránh tình trạng gián đoạn thương mại cá da trơn hoặc giảm thiểu tác động xấu gây khó khăn, giảm thị phần cá tra của Việt Nam tại Mỹ. Năm 2016, Bộ NN&PTNT cũng có kế hoạch tổ chức hoạt động đàm phán tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với cá tra (đã thực hiện vào tháng 02/2016) và hoạt động kết nối doanh nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm chè tại Mỹ (dự kiến quý II/2016).
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, xét về thực lực của Việt Nam cũng như tiềm năng xuất khẩu của ngành nông nghiệp, có thể nhận thấy chúng ta chưa khai thác hết được lợi thế của ngành cũng như lợi thế do quá trình hội nhập đem lại. Chính vì thế mà kim ngạch xuất khẩu vẫn còn chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp, giá xuất khẩu không ổn định, thường xuyên biến động, các mặt hàng xuất khẩu còn nghèo nàn, chưa đa dạng.
Để chủ động thích ứng với những biến động của kinh tế quốc tế, đảm bảo hội nhập đem lại hiệu quả thiết thực, có chiều sâu và sẵn sàng ứng phó với những vấn đề phát sinh trong thương mại nông - lâm - thủy sản, để đẩy mạnh công tác thị trường nước ngoài, xúc tiến thương mại, Cục Chế biến nông - lâm - thủy sản và nghề muối đề nghị Bộ Công Thương (hệ thống Thương vụ tại nước ngoài) cần phối hợp cùng Bộ NN&PTNT trong việc cung cấp kịp thời thông tin, dự báo thị trường, cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng nông - lâm - thủy sản xuất khẩu, phối hợp giải quyết các vướng mắc, tranh chấp thương mại. 
Bên cạnh đó cần cung cấp các thông tin, chương trình hỗ trợ của nước sở tại cho các doanh nghiệp ngành nông nghiệp. Ngoài ra, Liên Bộ cũng cần phối hợp chặt chẽ để tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm nông - lâm - thủy sản tại thị trường nước ngoài. 

Năm 2015, khi hầu hết các thị trường xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trọng điểm đều suy giảm kim ngạch xuất khẩu thì Trung Quốc lại là thị trường có sự tăng trưởng đáng kể (tăng 18,75% so với cùng kỳ năm 2014). 

Trong đó phải kể đến mặt hàng rau quả tăng tới 174,7%, đạt kim ngạch xuất khẩu 1,195 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng giá trị xuất khẩu rau quả sang các thị trường. Theo Bộ NN&PTNT, năm 2016 kinh tế Trung Quốc dự báo tiếp tục giảm tốc độ tăng trưởng. 

Tuy nhiên, dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ không chịu tác động lớn từ chuyển dịch kinh tế của Trung Quốc nhưng lại tiềm ẩn nhiều yếu tố không bền vững do tác động của quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực xung quanh vấn đề biển Đông.

Đọc thêm