“Dân” ngân hàng vẫn như... “cá nằm trên thớt”

(PLO) - Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm  CLB Pháp chế ngân hàng, mặc dù Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đã có nhiều thay đổi quan trọng song vẫn chưa phân biệt được đâu là tội hình sự, đâu là vi phạm hành chính, anh em ngân hàng vẫn lo nơm nớp giống như “cá nằm trên thớt”…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Vấn đề thời sự nói trên vừa được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức lấy ý kiến các hội viên.
“Sửa luật, Bầu Kiên vô tội”
Theo Luật sư (LS) Đức, có đến hơn 70% tội phạm kinh tế liên quan đến ngân hàng. Với tội “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165 BLHS 1999), rất nhiều trường hợp cán bộ nhân viên ngân hàng bị khởi tố nhưng 3 ngày sau ngân hàng đã thu hồi được tài sản, không còn hậu quả nhưng vẫn có tội, vẫn bị đưa ra xét xử. Theo LS Đức, khi đã khắc phục hậu quả cần phải loại bỏ, miễn hình phạt đối với người vi phạm. LS Đức cũng bày tỏ sự hoan nghênh tinh thần đổi mới của Dự thảo, trong đó bỏ nhiều tội danh không còn phù hợp.
Trường hợp VPBank siết nợ ở Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội) cũng được Luật sư Đức dẫn ra khi phân tích điều 157 của Dự thảo, trong đó quy định về tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Theo ông, nếu quy định như Dự thảo thì ngân hàng “không đỡ nổi” khi con nợ kiện ngân hàng, do vậy Ban soạn thảo cần nghiên cứu sửa đổi câu chữ để các ngân hàng có thể thực hiện được việc thu hồi tài sản bảo đảm là nhà ở.
Với những tội danh còn giữ lại trong Dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng cần bỏ tội đầu cơ, tội lập quỹ trái phép chỉ nên áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, tội cho vay lãi nặng chỉ là hình sự khi có dấu hiệu lừa đảo, ép buộc, còn lãi suất cho vay bao nhiêu là thỏa thuận dân sự giữa người cho vay và người vay…
“Quy định của pháp luật” là quy định nào?
Thu hút ý kiến nhiều nhất là Điều 210 “Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”. Theo Tổng Thư ký VNBA Trần Hồng Hạnh, khung hình phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 7 năm là khoảng cách khá xa, dễ dẫn đến rủi ro, tham nhũng. 
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hương, Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, mức phạt tiền như vậy là quá thấp, không tương xứng với mức phạt trong Nghị định 96 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngân hàng. Bà Hương cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc mức phạt này so với các tội danh khác. Xung quanh quy định trên cũng còn nhiều vấn đề gây tranh cãi.
Theo LS Đức, nhiều điều khoản không rõ ràng và tiếng là bỏ Điều 165 (BLHS 1999) “Tội cố ý làm trái” nhưng thực chất Điều 165 lại “ẩn” trong quy định “thòng” “hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật...”.
Một cuộc tranh luận nóng giữa các cán bộ pháp chế ngân hàng về “quy định của pháp luật” là quy định nào bởi trong cùng một điều khoản, lúc thì “theo quy định”, lúc thì “quy định pháp luật”, lúc lại “quy định của pháp luật trong hoạt động ngân hàng”(!?). Theo ông Đỗ Thanh Nghị, cán bộ pháp chế Ngân hàng BIDV, chính Ban soạn thảo cũng còn lúng túng khi không biết theo quy định nào. Còn  bà Nguyễn Thị Hương (Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước) đề nghị cần quy định thống nhất “theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng”. 
Đồng tình quan điểm trên, bà Phùng Bích Vân, cán bộ pháp chế Ngân hàng NCB đề nghị không nên theo quy định của ngân hàng bởi thực tế mỗi ngân hàng lại có quy định riêng, ví dụ quy định cho vay, ngân hàng có đến 3.000 quy định cho vay, bản thân cán bộ nhân viên cũng không cập nhật được, và nhiều khi những quy định không khả thi, nhân viên áp dụng linh hoạt thì bị buộc vào tội cố ý.
Phản hồi vấn đề này, đại diện Ban soạn thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật về các vấn đề chung, Bộ Tư pháp Trần Văn Đạt lưu ý, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vi phạm pháp luật tính từ Thông tư đối với bộ, cơ quan ngang bộ. Tuy nhiên, Tổng Thư ký VNBA Trần Hồng Hành lại băn khoăn nếu cơ quan hành pháp lại dẫn chiếu quy định của Ngân hàng Nhà nước, trong đó quy định các ngân hàng phải ban hành quy chế riêng để căn cứ vào quy chế ngân hàng  buộc tội ngân hàng... 
Bà Hạnh cũng cho rằng, ranh giới giữa vi phạm hành chính và tội phạm hình sự trong Dự thảo cũng chưa rõ ràng, ví dụ cũng là vi phạm nhưng thiệt hại bao nhiêu thì mới là hình sự. Theo đó, bà Hạnh đề nghị Dự thảo cần xây dựng nguyên tắc xác định tội phạm hình sự trước khi quy định cụ thể nội dung...
LS Đức thì  thẳng thắn đề nghị Quốc hội chưa thông qua Dự án Bộ luật này vì đây là vấn đề lớn liên quan đến sinh mạng chính trị của con người trong khi nhiều vấn đề vẫn chưa được làm rõ…
Theo ông Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật về các vấn đề chung, Bộ Tư pháp, đây là lần xây dựng BLHS thay thế hoàn toàn BLHS 1999. Theo kế hoạch, trong tháng 10 này, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua. Ngoài những điểm mới chung như: Trách nhiệm hình sự của pháp nhân, hình phạt tử hình, quy đổi tiền - tù… liên quan đến tội phạm kinh tế, nhất là liên quan đến lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm (Mục B, Chương 18), ông Đạt cho biết Dự thảo lần này bỏ một số tội danh như: Tội kinh doanh trái phép, tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng… 

Đọc thêm