'Đau đầu' việc thu phí bản quyền tại khách sạn

(PLO) - Việc đếm ti vi thu phí bản quyền khiến các chủ khách sạn không khỏi “choáng váng” và bức xúc. Họ cho rằng đây là việc làm… “tận thu” của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Tuy số tiền một phòng không lớn nhưng nhân với số lượng hàng nghìn, hàng chục nghìn phòng thì số tiền ấy không hề nhỏ.
'Đau đầu' việc thu phí bản quyền tại khách sạn

Chính vì “nhập nhèm” cách tính, không ít các chủ khách sạn đang…trì hoãn đóng tiền bản quyền. Trước vấn đề này, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức gặp gỡ báo chí về những thắc mắc quanh việc VCPMC yêu cầu thu tiền âm nhạc trong các khách sạn tại Đà Nẵng.

“Tận thu” và cách tính “nhập nhèm”?

Hàng trăm khách sạn tại Đà Nẵng bất ngờ nhận được công văn của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc. Sở Du lịch Đà Nẵng cũng gửi công văn đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố đề nghị các cơ sở có sử dụng âm nhạc (thông qua các hình thức sử dụng âm nhạc bao gồm nhạc nền thông qua bản ghi âm, ghi hình và nhạc sống tại sảnh lễ tân, nhà hàng, karaoke, phòng ngủ của khách, dịch vụ hội nghị hội thảo...) liên hệ với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại Đà Nẵng để được hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ trả tiền tác quyền.

Đính kèm công văn của Sở Du lịch Đà Nẵng là bảng mức nhuận bút sử dụng tác phẩm âm nhạc. Trong đó, có quy định mức thu cụ thể đối với nhà hàng, cà phê, quầy rượu, phòng hội nghị, sảnh lễ tân, phòng karaoke… Đáng chú ý, trong đó có cả quy định mức nhuận bút cho phòng ngủ/phòng khách ở các cơ sở lưu trú có sử dụng ti vi là 25.000 đồng/phòng/năm. Việc đếm ti vi thu phí bản quyền khiến các chủ khách sạn không khỏi “choáng váng” và bức xúc. Họ cho rằng đây là việc làm… “tận thu” của VCPMC.

Anh Nguyễn Văn Hùng - chủ khách sạn M. (Đà Nẵng) bức xúc: “Dường như, VCPMC đang triển khai thu tiền tác quyền kiểu “một mình một chợ”. Điều này khiến nhiều cơ sở kinh doanh phản ứng bởi thiếu rõ ràng và pháp luật sở hữu trí tuệ chưa cụ thể được các nghĩa vụ trả phí tác quyền. Chúng tôi không đồng tình với cách thu phí tác quyền với trường hợp sử dụng các chương trình tivi trong kinh doanh vì phía truyền hình đã đóng rồi”.

Một chủ khách sạn 3 sao tại Đà Nẵng cho rằng, mức thu là 25.000 đồng/phòng/năm không có cơ sở tính toán hợp lý, rất trừu tượng, mù mờ. Tuy số tiền một phòng không lớn nhưng nhân với số lượng hàng nghìn, hàng chục nghìn phòng thì số tiền ấy không hề nhỏ. Chính vì “nhập nhèm” cách tính, không ít các chủ khách sạn đang…trì hoãn đóng tiền bản quyền.

Thu phí bản quyền các tivi có sử dụng vào mục đích kinh doanh

Trước vấn đề này, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức gặp gỡ báo chí về những thắc mắc quanh việc VCPMC yêu cầu thu tiền âm nhạc trong các khách sạn tại Đà Nẵng.

Tại đây, ông Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC khẳng định, VCPMC là con đẻ của chính sách pháp luật nhà nước về vấn đề quyền tác giả nói riêng và bản quyền âm nhạc nói chung. Cách thu tiền bản quyền âm nhạc của VCPMC dựa trên cơ sở pháp luật Việt Nam, tham khảo các tổ chức quốc tế và căn cứ tình hình thực tế ở các địa phương.

Lý giải về việc tại sao lại thu tiền phí tác quyền ti vi tại các khách sạn, ông Phó Đức Phương phân tích: “Tác giả có 5 loại quyền cơ bản là quyền biểu diễn, quyền sao chép, quyền được kiểm soát khi sử dụng tác phẩm của mình kể cả trong lĩnh vực phát sóng vô tuyến truyền hình hay sóng vệ tinh và quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng, quyền được nhập khẩu, phân phối sản phẩm đến nước ngoài.... Các quyền này độc lập và không chồng chéo lên nhau. Khi các đài truyền hình sử dụng tác phẩm âm nhạc thì các tác giả được hưởng quyền trong lĩnh vực phát sóng. Còn với các khách sạn có dùng tivi sử dụng các tác phẩm âm nhạc thì đó là quyền truyền đạt đến công chúng và quyền biểu diễn trước công chúng. Vậy nên thu tiền phí bản quyền ti vi tại các khách sạn là điều đương nhiên”.

Ông Nguyễn Hoàng Giang - Giám đốc chi nhánh phía Bắc VCPMC, giải thích rõ hơn đơn vị này chỉ thu phí âm nhạc từ các tivi có sử dụng vào mục đích kinh doanh chứ không thu của người dân bình thường khi xem tivi. Đối phó với một số chủ kinh doanh khách sạn đang trì hoãn hoặc trốn tránh, không trả tác quyền, ông Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh: “Nếu xảy ra việc đó Trung tâm sẽ phân tích, vận động thuyết phục cho chủ kinh doanh hiểu, còn nếu vẫn không hiểu thì báo sự việc lên Thanh tra Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch. Thanh tra Bộ sẽ có cách xử lý theo đúng pháp luật hiện hành”.

Dừng thu phí bản quyền âm nhạc tại phòng ngủ khách sạn

Đây là kết quả của cuộc làm việc giữa Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) sáng 26/5 về việc chi nhánh phía Nam của VCPMC ban hành văn bản đề nghị các khách sạn tại thành phố Đà Nẵng thực hiện nghĩa vụ trả tiền quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh.

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả khẳng định việc thực hiện bảo vệ quyền tác giả âm nhạc của VCPMC đúng với quy định pháp luật hiện hành về quyền tác giả, quyền liên quan và thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, Cục Bản quyền tác giả đề nghị VCPMC phải thực hiện đúng quy trình và có lộ trình phù hợp với từng hình thức khai thác, sử dụng tác phẩm. Theo đó, VCPMC chỉ được phép đưa ra biểu mức tiền quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc của thành viên mình khi được khai thác, sử dụng tại khách sạn. Cục Bản quyền tác giả yêu cầu dừng ngay việc tổ chức thực hiện thu tiền quyền tác giả tại các phòng nghỉ khách sạn.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc VCPMC xác nhận việc Trung tâm sẽ tạm dừng thu phí bản quyền âm nhạc tại phòng nghỉ trong các khách sạn để xây dựng cơ sở giải thích cho kỹ lưỡng. Tuy nhiên, nhạc phát ở sảnh, quán bar, sàn diễn trong khách sạn vẫn thu như bình thường.

Đọc thêm