Đề xuất loạt giải pháp “trị” tình trạng trốn đóng BHXH

(PLO) - Số tiền mà doanh nghiệp trốn đóng mỗi năm khiến Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) mất khoảng 56 nghìn tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Minh – Thứ trưởng Bộ Tài chính kiêm Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, hàng loạt giải pháp đưa ra trong Dự thảo Luật BHXH có thể hạn chế được tình trạng trốn đóng BHXH. 
Mức tính BHXH sẽ được điều chỉnh để công bằng giữa người lao động ở các khu vực doanh nghiệp
Mức tính BHXH sẽ được điều chỉnh để công bằng giữa người lao động ở các khu vực doanh nghiệp
Có 8 nguyên ngân được xác định khiến Quỹ BHXH đang mất cân đối, trong đó có việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH còn chậm, đặc biệt là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH xảy ra khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ). Một số quy định trong chế độ BHXH hiện hành không còn phù hợp với thực tế, bộc lộ những hạn chế, bất cập. Hoạt động đầu tư tăng trưởng Quỹ BHXH hiệu quả chưa cao... 
Tháo “trần” tuổi BHXH tự nguyện để thu hút người tham gia
Theo thống kê từ BHXH Việt Nam, BHXH tự nguyện mặc dù có đối tượng thuộc diện tham gia rộng, tuy nhiên, thực tế thì số người tham gia chỉ chiếm khoảng 0,3% số đối tượng thuộc diện tham gia. 
Tình trạng nêu trên được đánh giá là do một số quy định chính sách chưa thực hấp dẫn, chưa có cơ chế để khuyến khích người lao động, công tác tuyên truyền để mở rộng đối tượng chưa được quan tâm đúng mức. Đơn cử, mức đóng BHXH tự nguyện hiện khá cao so với đại bộ phận người dân ở khu vực nông thôn và lao động tự do – vốn có thu nhập hàng tháng thấp và không ổn định. 
Nhóm đối tượng người lao động từ 45 tuổi trở lên đối với nam và từ 40 tuổi trở lên đối với nữ không thể tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu, do họ không thể đóng góp BHXH tự nguyện đủ 20 năm theo phương thức hàng tháng hoặc hàng quý hoặc 6 tháng một lần mà Luật BHXH quy định.
“Vì thế, chúng tôi kiến nghị sửa đổi pháp luật để mở rộng đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia để khuyến khích những người từ 45 tuổi trở lên đối với nam, từ 40 tuổi trở lên đối với nữ tham gia BHXH. Đồng thời quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng đặc biệt tham gia BHXH tự nguyện”, đại diện BHXH Việt Nam nói.
Tăng mức phạt chậm đóng, kiến nghị xử lý hình sự
Tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH xảy ra còn khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ), làm ảnh hưởng đến nguồn thu Quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động. 
Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là do Luật BHXH hiện hành quy định lãi chậm đóng bằng mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH trong năm, trong khi đó mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH thường thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay của các ngân hàng. Mặt khác, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH theo quy định còn thấp. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp cố tình nợ đóng, chậm đóng BHXH và chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng tiền đóng BHXH.
Ông Điều Bá Được (Ban Thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam) cho hay, để tăng tính cưỡng chế và hiệu quả của công tác thu hồi nợ đọng, đồng thời có tính giáo dục cao, Dự thảo sửa đổi Luật BHXH đưa ra quy định lãi suất chậm nộp phải cao gấp 2 lần lãi suất tiền gửi liên ngân hàng. “Tuy nhiên, Dự thảo cũng chưa quy định rõ lãi suất liên ngân hàng tính tại thời điểm nào nên cũng sẽ khó khăn trong tổ chức thực hiện”, ông Được cho biết.
 “Ngoài ra, hành vi trốn đóng BHXH của doanh nghiệp có thể coi là hành vi chiếm đoạt tài sản, vì đó là số tiền của người lao động mà doanh nghiệp chỉ nộp hộ lên cơ quan chức năng. Nếu muốn “định vị” rõ ràng hơn, có thể bổ sung hành vi trốn đóng BHXH vào Luật Hình sự” – Luật sư Nguyễn Mạnh Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định.
Tiền lương bình quân làm căn cứ tính lương hưu của người lao động trong khu vực nhà nước chỉ tính bình quân trên một số năm cuối (là giai đoạn người lao động có mức lương cao nhất) chưa bình đẳng với người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân. Quy định này đang được xem xét sửa đổi theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu. Cụ thể, từ năm 2016 trở đi mỗi năm tăng thêm 1 năm cho đến khi 20 năm đóng BHXH tương ứng với 45%. Tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, đồng thời bỏ quy định bù bằng mức lương tối thiểu chung đối với trường hợp mức lương hưu (BHXH bắt buộc) thấp hơn mức lương tối thiểu chung.

Đọc thêm