“Điểm nghẽn” cản trở sản xuất lớn

(PLO) - Muốn tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, xây dựng một nền sản xuất hàng hóa tập trung, trước tiên ngành nông nghiệp phải giải được bài toán “tích tụ đất đai” thì mới có cơ may hấp dẫn được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực lắm rủi ro này.
Nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống nên DN chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp.
Nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống nên DN chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp.

99% doanh nghiệp đang “quay lưng”

Nếu nhìn vào con số thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, ngành nông nghiệp hiện vẫn chưa trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn dù cơ hội vẫn còn nhiều so với các lĩnh vực khác. Cho đến nay, mới có khoảng 3.643 doanh nghiệp (DN), đầu tư vào nông nghiệp trong gần nửa triệu DN đầu tư vào các khu vực nền kinh tế, chiếm khoảng 1%. Thậm chí, trong hơn 3 ngàn DN đó, có tới  90% là DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, số DN lớn mang tính đầu tàu cực kỳ ít.

Sau 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành, Bộ NN&PTNT phải thừa nhận, ngành nông nghiệp vẫn tồn tại nhiều yếu kém cần khắc phục như sức cạnh tranh chưa cao, chuỗi giá trị ngắn. Bộ này xác định việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, trong đó thu hút và phát triển DN trong lĩnh vực nông nghiệp là giải pháp đột phá trong giai đoạn tiếp theo.

Theo tìm hiểu của PLVN, Nghị định 210 về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được Chính phủ ban hành cuối năm 2013 được coi hành lang pháp lý hiệu quả cho DN có thể dễ dàng đầu tư vào lĩnh vực đầy tiềm năng này, nhưng cũng sau hơn 2 năm thực hiện người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng phải thốt lên “cơ chế này chưa đi vào cuộc sống được”.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Nghị định 210 áp dụng trên mọi vùng miền nhưng điều kiện phát triển mọi vùng miền khác nhau, chính sách chưa phân định được. Ngoài ra, áp dụng chính sách hỗ trợ sau đầu tư theo Nghị định 210, mức tối đa chỉ 2,5 tỷ đồng. Trong khi đầu tư nông nghiệp rủi ro lớn, một số ngành hàng yêu cầu vốn lớn, địa phương hiện nay Trung ương còn phải điều tiết về ngân sách thì bản thân địa phương gặp khó trong kinh phí.

Bên cạnh đó, một số hình thức tín dụng hay trong vấn đề tiếp cận đất đai còn đang bất cập cũng là những tồn tại khiến chính sách này chưa thể đi vào cuộc sống. 

“Điểm nghẽn” cản trở sản xuất lớn

Một thống kê cho thấy, trong lĩnh vực trồng trọt có 13 triệu hộ nông dân, nhưng bình quân mỗi hộ chỉ có 0,3 ha đất. Đất đai phân bổ manh mún, việc tích tụ đất đai đang là “điểm nghẽn” cản trở sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn. 

Bộ trưởng Cường cũng thừa nhận, những khó khăn đang kìm hãm DN đầu tư thì có nhiều, trong đó điển hình là nút thắt đất đai. Tất cả DN đầu tư muốn sản xuất phải có đất. Đất nông nghiệp, năm 1993 đã thực hiện giao đất cho nông dân ổn định lâu dài, nay nhu cầu cần tập trung, để giải quyết cho DN, nhiều tỉnh đã sáng tạo cách làm. 

Lấy ví dụ tại tỉnh Hà Nam, trên cơ sở giao quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân, những nơi nông dân cảm thấy làm hiệu quả không bằng dồn vào một tổ chức làm tốt hơn thì trên cơ sở dân tự nguyện, tỉnh đại diện giao lại đất cho DN. Quyền sử dụng đất vẫn của nông dân, chuyển quyền sử dụng trong giới hạn thời gian nhất định.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết thêm, tại tỉnh Nam Định, một số DN mạnh dạn tiếp nhận quyền sử dụng đất qua việc chuyển nhượng của người dân. Tuy nhiên vấn đề này bị giới hạn bởi hạn điền. Hiện nay, quy định hạn điền cho phép DN tiếp nhận chuyển nhượng chỉ giới hạn 20-50 ha. Tuy nhiên, DN tổ chức làm tốt vẫn tích tụ được diện tích nhất định.

“Vừa qua, sau khi đã giao đất DN ổn định lâu dài cho nông dân, chúng ta đã có những cơ chế, chính sách để hướng dẫn việc chuyển nhượng đất đai, góp phần từng bước tích tụ ruộng đất, tuy nhiên điểm lại thì cũng có những chế tài hướng dẫn cụ thể vấn đề này để giúp cho quá trình tập trung đất đai theo đúng luật định tạo điều kiện cho DN có quỹ đất đầu tư tổ chức sản xuất hàng hóa” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. 

Được biết, mới đây, một trong hai vấn đề nổi cộm của ngành nông nghiệp được Ban Kinh tế Trung ương tập trung tháo gỡ là vấn đề tích tụ đất để DN có điều kiện sản xuất lớn. Ban Kinh tế Trung ương đang giao Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng bộ, ngành liên quan tiếp tục bàn thảo sâu để sớm có chính sách phù hợp khai thông “điểm nghẽn” này. 

Đọc thêm