Doanh nghiệp “phát ốm” vì một đoạn sông bị hai lần thu phí

(PLO) - Từ chuyện thu phí hai lần trên một dòng sông đến những vụ tai nạn thương tâm đã gây nên bức xúc không chỉ cho doanh nghiệp (DN) mà cả dư luận địa phương.
Thu phí hai lần trên một dòng sông, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp cho đến những vụ tai nạn thương tâm đã tạo nên một bức tranh tối trong quản lý giao thông thủy
Thu phí hai lần trên một dòng sông, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp cho đến những vụ tai nạn thương tâm đã tạo nên một bức tranh tối trong quản lý giao thông thủy

Phải chăng những quyết sách chia quyền quản lý cho địa phương đã không đạt hiệu quả, để rồi từ đó thiếu sự thống nhất, đồng bộ, vô hình trung tạo nên “lỗ hổng” trong hoạt động  quản lý cảng, bến thủy nội địa…

Doanh nghiệp “méo mặt” chuyện hai lần đóng phí

Thời gian gần đây, nhiều DN vận tải đường thủy hoạt động trên địa bàn Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng kêu than chuyện trên một dòng sông mà hai bờ đều có các đơn vị Cảng vụ đường thủy nội địa (ĐTNĐ), chỉ khác nhau một bên là của trung ương, một bên là của địa phương.

Khi phương tiện vào cảng bên bờ phải thì làm thủ tục nộp phí tại Cảng vụ Trung ương, sau đó quay sang bờ trái lại phải làm thủ tục và nộp thêm 1 lần phí nữa cho Cảng vụ địa phương, trong khi khoảng cách di chuyển chưa đến 80m. Điều này làm tăng chi phí, mất thời gian và gây khó khăn cho DN.

Thực tế trên tuyến sông Đá Bạch, bờ trái thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh, bờ phải thuộc TP Hải Phòng, từ trước ngày 1/8/2014, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam quản lý phương tiện ra, vào cảng, bến xếp dỡ hàng hóa trên tuyến sông, các phương tiện hoạt động tại đây chỉ phải làm thủ tục và nộp 1 lần phí, lệ phí. Nhưng từ 1/8/2014 đến nay, sự xuất hiện Cảng vụ ĐTNĐ của Sở GTVT Quảng Ninh đã khiến DN hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến sông này phải làm 2 lần thủ tục và nộp 2 lần phí cảng vụ.

Trước vấn đề này, ông Bùi Văn Minh – Giám đốc Cty Cổ phần Vận tải Bình Minh (Doanh nghiệp vận tải thủy nội địa hoạt động chuyên tuyến sông Đá Bạch) cho hay: “Việc chồng lấn công tác quản lý nhà nước này đang khiến các DN mất rất nhiều thời gian và chi phí”.

Cùng chung bức xúc trên, ông Phạm Ngọc Tuấn – Giám đốc Cty TNHH Tuấn Cường bày tỏ: “Trước đây, Cảng vụ ĐTNĐ của Trung ương thực hiện các thủ tục nhanh chóng và bảo đảm an toàn đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động vận tải thủy của chúng tôi. Nhưng từ khi một số cảng, bến của Trung ương được bàn giao cho địa phương quản lý thì chúng tôi chưa thấy có được sự hài lòng nào mà lại phải nộp thêm cả phí cho cảng vụ của địa phương”.

Trên tuyến sông Mạo Khê, Cty TNHH Tiến Trung là DN vận tải đường thủy có tàu và sà lan thường xuyên ra vào Cảng nhà máy xi măng Hoàng Thạch và các cảng bến khách trên sông này để lấy xi măng, clinker. Với khoảng cách các cảng bến rất gần mà phương tiện lại phải làm thủ tục, nộp phí và chịu sự quản lý của nhiều cơ quan cảng vụ, ông Phạm Ngọc Dũng – Giám đốc Công ty cho rằng, việc phân cấp quản lý “chồng chéo” này đang “làm khó” DN.

“Dù đã hoạt động có thâm niên nhưng hiện nay chúng tôi đang gặp phải sự thiếu thống nhất về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc điều động tàu ra vào cảng, bến khi thủy triều xuống, luồng cạn đang gây mất an toàn giao thông đường thủy và làm thiệt hại không nhỏ cho DN”, ông Dũng nói.

Nhiều doanh nghiệp vô cùng bức xúc trước tình trạng o ép, thu phí hai lần giữa các cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh
Nhiều doanh nghiệp vô cùng bức xúc trước tình trạng o ép, thu phí hai lần giữa các cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh

Hệ lụy từ chồng chéo, buông lỏng quản lý

Việc quản lý chồng chéo, thiếu sự đồng nhất không chỉ gây phiền hà, rắc rối cho DN mà còn tạo ra những “lỗ hổng” trong công tác bảo đảm trật tự  an toàn giao thông thủy, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Thực hiện Quyết định 2861/QĐ-BGTVT ngày 30/7/2014, Cục ĐTNĐ đã bàn giao 30 cảng, bến thủy nội địa dùng xuất than trên địa bàn Quảng Ninh cho Cảng vụ địa phương quản lý. Tuy nhiên, ngày 23/10/2015, Sở GTVT Quảng Ninh ban hành Quyết định 4230/QĐ-SGTVT giao Cảng vụ ĐTNĐ tỉnh Quảng Ninh (trực thuộc Sở) thực hiện quản lý nhà nước tại 37 cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn.

Ngay sau đó, từ ngày 10/11/2015, trong khi đi kiểm tra cảng, bến và làm thủ tục cho phương tiện vào, rời cảng thuộc địa bàn quản lý, cán bộ của Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I đã gặp một số cảng vụ viên của Cảng vụ ĐTNĐ Quảng Ninh xuống tàu yêu cầu thuyền trưởng phải làm thủ tục vào, rời cảng theo quy định “mới”.

Việc ban hành Quyết định của Sở GTVT Quảng Ninh và việc triển khai quyết định của Cảng vụ ĐTNĐ Quảng Ninh trái với khoản 3 Điều 26 Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 của Bộ GTVT về quản lý cảng, bến thủy nội địa và khoản 3 Điều 4 Thông tư số 34/2010/TT-BGTVT ngày 8/11/2010 của Bộ GTVT quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ ĐTNĐ, đó là thẩm quyền giao cho địa phương quản lý cảng, bến thuộc Bộ trưởng GTVT. Bởi vậy, sự việc bị “tuýt còi” và UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định thu hồi văn bản trái thẩm quyền của Sở GTVT Quảng Ninh.

Nghiêm trọng hơn, việc buông lỏng quản lý còn gây ra những vụ tai nạn giao thông nội thủy nghiêm trọng, gây thiệt hại cả kinh tế và con người. Có thể kể đến, vụ tai nạn ngày 16/6 trên sông Chanh, thuộc khu 6, phường Quảng Yên, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Tàu vận tải mang biển số HD 1658, trọng tải 1.000 tấn đi từ thị trấn Minh Đức, TP Hải Phòng ra đảo Hòn Nét, tỉnh Quảng Ninh va chạm với phương tiện thủy do ông Vũ Đình Chính, Giám đốc Cty TNHH Đóng tàu Thắng Hậu điều khiển khiến ông Chính mất tích; 4 thuyền viên bị thương. Gần đây nhất, ngày 7/7, tại Quảng Ninh lại xảy ra vụ tai nạn đường thủy khi tàu sà lan chở than đã đâm va thuyền mủng làm 1 ngư dân mất tích tại khu vực Cảng Khe Dây, TP Cẩm Phả.

Bao giờ mới tháo gỡ bất cập?

Để giải quyết những kiến nghị của DN và thống nhất quản lý nhà nước về cảng bến, phương tiện thủy nội địa ra vào cảng bến thủy nội địa đối với các địa bàn có các tuyến sông thuộc địa giới hành chính của các địa phương khác nhau trên phạm vi cả nước nói chung và khu vực Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng nói riêng, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã có văn bản kiến nghị với Bộ trưởng GTVT và đưa ra các giải pháp cơ bản.

Theo đó, đối với cảng, bến xếp dỡ hàng hóa trên các tuyến sông do Trung ương quản lý qua địa giới hành chính 2 tỉnh trở lên thống nhất giao cho Cảng vụ Trung ương quản lý. Cụ thể, các cảng, bến TNĐ trên các tuyến sông Đá Bạch, Mạo Khê giao về cho Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam quản lý.

Đối với các DN, chủ phương tiện khi phát hiện các cảng vụ thực thi trách nhiệm không đúng các quy định, gây khó khăn, cản trở hoạt động của DN, các DN có thể phản ánh về Cục ĐTNĐ hoặc Sở GTVT để chỉ đạo, giải quyết kịp thời.

Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ GTVT cũng đã có Văn bản số 9628/BGTVT-VT do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký, chỉ đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam rà soát phân cấp công tác quản lý nhà nước tại các cảng, bến thủy nội địa, đề xuất lãnh đạo Bộ quyết định điều chỉnh để tránh tình trạng trên cùng một đoạn sông có nhiều đơn vị quản lý đan xen như hiện nay. Đồng thời, Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 59/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 về quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại cảng, bến thủy nội địa theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí cho DN.

Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các DN vận tải nội thủy vẫn lo lắng khi phải đợi chờ các cơ quan chức năng xử lý những bất cập này. “Dù là địa phương hay Trung ương thì cũng chỉ nên có 1 đơn vị thực hiện công tác quản lý nhà nước. Điều quan trọng nhất là sự gọn nhẹ, chuyên nghiệp trong chuyên môn, nghiệp vụ nhằm tạo hiệu quả tối ưu trong thủ tục hành chính, đặc biệt là đảm bảo trật tự an toàn đường thủy”, ông Trần Danh Long – Giám đốc Cty TNHH Thương mại và Vận tải Long Thuận nói. 

Đọc thêm