Hối thúc việc khai thác đại trà luồng tàu 4.000 tỷ

(PLO) - Tổng công ty Tân Cảng đã thực hiện hải trình Hải Phòng - Đà Nẵng - Sài Gòn - Cần Thơ qua luồng sông Hậu với tần suất 1 chuyến/tuần; một số đơn vị vận tải khác cũng đang nghiên cứu phương án vận tải qua con đường hàng hải này, nhưng chưa nhiều và đại trà.
Tàu container đi trên kênh Tắt để vào sông Hậu
Tàu container đi trên kênh Tắt để vào sông Hậu

Chờ kết luận của Hội đồng nghiệm thu

Công trình luồng tàu có giá trị đầu tư gần 4.000 tỷ đồng (giai đoạn 1) nói trên đã bắt đầu đón những chuyến tàu đầu tiên với tải trọng từ gần 1 - 2 vạn tấn ngoài  biển qua luồng tàu sông Hậu để đi tới cảng Cái Cui (Cần Thơ).

Tuy nhiên, chủ đầu tư  - Bộ GTVT vẫn hối thúc các bên liên quan sớm làm thủ tục bàn giao để đưa công trình giao thông trọng điểm này vào khai thác một cách đại trà ngay trong cuối năm nay, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

“Đầu tháng 12/2016, Hội đồng nghiệm thu của Bộ GTVT đã đi kiểm tra thực tế công trình. Về mặt trình tự, sau khi Hội đồng có văn bản cuối cùng, thì đại diện chủ đầu tư sẽ bàn giao cho Cục Hàng hải và Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ quản lý, khai thác... Đó là về thủ tục, còn trên thực tế, thì một số tàu hàng, tàu container trọng tải lớn đã qua luồng an toàn cách đây mấy tháng.”, Trưởng phòng Quản lý dự án 2 (PMU Hàng hải) Nguyễn Tất Nhâm nói.

Được biết, trước đó - tháng 7/2016, tuyến luồng này đã đón chuyến tàu Đông Thiên Phú Diamond tải trọng hơn 4.000 tấn; tiếp đó - cuối tháng 10/2016, tàu Tân Cảng Pioneer - tàu đầu tiên chở hàng trăm container có tải trọng gần 1 vạn tấn đã lưu thông từ biển qua kênh Quan Chánh Bố vào sông Hậu để tới cảng Cái Cui. Và mới đây nhất - cuối tháng 11/2016, tàu Vinalines Unity tải trọng 2 vạn tấn chở hàng nhẹ cũng đã nhiều lần đi vào luồng tàu sông Hậu.

Theo PMU hàng hải, hiện tại, Tổng công ty Tân Cảng đã thực hiện hải trình Hải Phòng - Đà Nẵng - Sài Gòn - Cần Thơ qua luồng sông Hậu với tần suất 1 chuyến/tuần; một số đơn vị vận tải khác cũng đang nghiên cứu phương án vận tải qua con đường hàng hải này...

Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh và Bộ GTVT thị sát Dự án luồng sông Hậu
Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh và Bộ GTVT thị sát Dự án luồng sông Hậu

Hỗ trợ 4 xã đảo bị chia cắt vì tuyến luồng

Mới đây, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng hải phối hợp với PMU Hàng hải làm việc và giải trình với Đoàn Kiểm toán Nhà nước về các nội dung liên quan trong thời gian Cục này quản lý và thực hiện dự án.

“Từ tháng 12/2014 trở về trước, Cục Hàng hải là đơn vị quản lý dự án này, với các công việc như thiết kế, khảo sát, tổ chức đấu thầu... Ban quản lý dự án Hàng hải tiếp quả dự án nói trên từ tháng 1/2015 đến nay, với phần việc chính là quản lý thi công trên công trường”, Trưởng phòng Quản lý dự án 2, PMU Hàng hải cho biết thêm.

Liên quan dự án này, chủ đầu tư yêu cầu các bên liên quan cần khẩn trương rà soát, tính toán lại khối lượng công việc đã thực hiện của Tư vấn Portcoast theo từng giai đoạn đối với các gói thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát của dự án, xử lý dứt điểm các nội dung vướng mắc, tồn tại và quyết toán các gói thầu này theo đúng quy định.

Đối với Gói thầu số 6A, phải tổ chức kiểm tra, rà soát khối lượng thảm đá kè bảo vệ bờ (bao gồm cả phần khối lượng đã thi công và phần khối lượng phải thi công) của gói thầu theo tiến độ hợp đồng từ khi khởi công đến thời điểm bị dừng giãn làm cơ sở thanh, quyết toán.

Về phía PMU Hàng hải phối hợp với Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo tổng kết quá trình thi công giai đoạn 1 và đề xuất phương án thực hiện tiếp bằng nguồn vốn dư của dự án (hơn 1.500 tỷ đồng) để báo cáo Quốc hội, Chính phủ xin chủ trương triển khai tiếp giai đoạn 2.

Cần lưu ý, các cơ quan chức năng phải hoàn thiện báo cáo rà soát về hiện trạng giao thông, những tồn tại khó khăn của 4 xã đảo thuộc huyện Duyên Hải (Trà Vinh) bị chia cắt bởi quá trình thi công tuyến luồng này, báo cáo UBND tỉnh Trà Vinh làm cơ sở báo cáo Chính phủ xin đầu tư, hỗ trợ.

Đáp ứng cho tàu có mớn nước đến 8m

“Quy mô Dự án luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu với luồng cho tàu mớn nước đến 8,0 m, trọng tải 10.000 tấn (đầy tải) - 20.000 tấn (giảm tải). Đáp ứng thông qua lượng hàng tổng hợp 21,0 - 22,0 triệu tấn/năm và lượng hàng container 450.000 - 500.000 TEU/năm cho giai đoạn đến năm 2020 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.”

Đọc thêm