Khí chất người lính làm nên công ty của ông chủ “lò gạch”

(PLO) - Trở về quê sau những năm tháng chiến tranh ác liệt, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Sáu (SN 1960, ngụ thôn Xuyên Tây 1, TT. Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) khao khát làm giàu trên mảnh đất nơi mình sinh ra. Dù nhiều lần gặp thất bại nhưng với phẩm chất người lính cụ Hồ, ông Sáu đã vươn lên thoát nghèo và trở thành một giám đốc thành đạt.
Ông Nguyễn Ngọc Sáu và công ty gạch của mình
Ông Nguyễn Ngọc Sáu và công ty gạch của mình

Thoát nghèo nhờ bản lĩnh người lính

Nhấp ngụm trà ông Sáu kể, bản thân ông sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, tháng 10/1978, ông lên đường nhập ngũ. 

“Năm đó tôi và anh trai đi bộ đội cùng lúc. Vào chiến trường không bao lâu thì nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, thế nhưng gác lại chuyện học hành, tôi cùng các đồng đội hành quân sang biên giới Tây Nam chiến đấu”- ông Sáu hồi tưởng. 

Bị thương ở vai và đầu khi chiến đấu tại đồi Không Tên, nhiều mảnh đạn nằm trong cơ thể ông đã được lấy ra nhưng giờ vẫn còn một mảnh nằm trong sọ. “Hiện trong đầu vẫn còn 1 mảnh đạn, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương lại đau nhức”- ông Sáu nói.

Tháng 4/1981, ông Sáu trở về quê hương thì đã là thương binh 3/4. Đến năm 1985, ông theo học tại trường Trung cấp Thương mại Trung ương 2 tại Đà Nẵng, rồi lập gia đình. 

Là thương binh nên khó khăn vây bủa cuộc sống gia đình ông. Cũng chính lúc ấy, bản lĩnh, quyết tâm của người lính trong ông thể hiện rõ hơn lúc nào hết. Với suy nghĩ “thương binh tàn nhưng không phế”, khó khăn không khiến ông chùn bước mà vươn lên mạnh mẽ hơn. Tâm trí ông lúc nào cũng đau đáu với suy nghĩ làm thế nào để vượt khó, làm giàu chính đáng. Ban đầu ông lập cơ sở sản xuất gia công hàng mộc trang trí nội thất. Kinh tế gia đình ông dần dần ổn định, rồi khá giả.

Tuy nhiên, đến năm 2006, ông bỏ ngang làm mộc, bất ngờ mở công ty gạch tuynel Gia Phú tại Cụm công nghiệp Tây An (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên) do ông làm giám đốc. 

"Thời điểm đó tôi thấy nghề mộc bắt đầu gặp khó, nhà nước có chủ trương đóng cửa rừng, hạn chế khai thác gỗ nên muốn tìm một hướng đi mới. Trong một lần tình cờ gặp người bạn cũ, tôi bàn với bạn góp vốn mở công ty sản xuất gạch. Cả thảy hết 8 tỉ đồng, chúng tôi vay thêm ngân hàng được 6 tỉ" - ông Sáu nhớ lại.

Từ một kẻ tay ngang, chuyên môn nghề nghiệp không có, những năm đầu, công ty ông Sáu lâm vào cảnh hết sức khó khăn, có lúc đứng bên bờ vực phá sản bởi sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Người bạn cùng góp vốn đột ngột qua đời, khó khăn càng vây lấy ông. Thế là ông cắp cặp đi khắp nơi tham quan, tìm hiểu, học hỏi quy trình sản xuất, nghiên cứu đưa khoa học công nghệ vào dây chuyền sản xuất nên chất lượng sản phẩm ngày một nâng cao.

Công ty gạch của ông Sáu đã tạo công ăn việc làm cho 37 người thân của các thương binh
Công ty gạch của ông Sáu đã tạo công ăn việc làm cho 37 người thân của các thương binh

Khi uy tín và chất lượng đã được khẳng định, sản phẩm của công ty ông Sáu làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, các đại lý trực tiếp đến nơi thu mua mà không cần đi tiếp thị như trước đây. 

Đến nay công ty ông Sáu sản xuất hơn 7 triệu viên gạch/năm, thu về khoảng 7 tỉ đồng, trừ thuế khoảng 600-700 triệu đồng và các chi phí sản xuất, trả lương cho công nhân, công ty ông Sáu lãi hơn 1 tỉ đồng/năm. Nhờ vào công ty gạch, vợ chồng ông Sáu nuôi 3 con ăn học thành tài. 

Nặng tình với đồng đội

Trở về từ cuộc chiến với thân thể không lành lặn, hơn ai hết, ông Sáu hiểu hết nỗi khó khăn của những thương binh và gia đình họ. 

"Tôi luôn tâm niệm phải cố gắng để làm sao có thể giúp đỡ đồng đội mình vượt qua khó khăn trong cuộc sống mới" - ông bộc bạch. Đó cũng là lý do trong 47 công nhân ở công ty có đến 37 người là thân nhân của các thương binh, cựu quân nhân. Nhìn cách ông Sáu trò chuyện với công nhân của mình, chúng tôi cảm nhận công ty cũng như một mái nhà chung, họ dành cho vị giám đốc của mình nhiều tình cảm trìu mến như người cha, người chú trong gia đình. 

Chị Nguyễn Thị Tố Tâm (SN 1966, vợ cựu chiến binh) cho biết, chị làm cho công ty ông Sáu đã được 6 năm. “Ở đây giám đốc luôn tạo điều kiện để giảm bớt sức lao động cho người làm. Ở quê, làm công nhân nhưng theo giờ hành chính, thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng, nhờ vậy cuộc sống kinh tế ổn định và có tiền nuôi con ăn học” - chị Tâm chia sẻ.

Không những thế, từ khi trở về từ cuộc chiến, ông Sáu cùng những đồng đội còn sống (Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 96 Quảng Nam, Sư đoàn 309, Quân đoàn 4) lặng lẽ tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ hy sinh ở biên giới Tây Nam, từng là đồng đội của ông về lại đất mẹ. 

Là thương binh, ông không đủ sức khỏe trực tiếp tìm kiếm hài cốt được an táng ở nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh phía Nam, nên ông nhận nhiệm vụ hậu cần, từ việc liên hệ với các địa phương về hồ sơ thủ tục đến chuẩn bị nghi thức đón hài cốt đồng đội về lại quê hương. 

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, ông cùng đồng đội đã quy tập được 34 bộ hài cốt liệt sĩ từ nhiều nơi đưa về quê hương. Riêng năm 2017, Ban liên lạc đã đưa được hơn 120 bộ hài cốt liệt sĩ hồi hương.

 Khi nói về đồng đội còn ở đâu đó trên chiến trường năm xưa, ông Sáu bật khóc: "Chiến đấu ở chiến trường khốc liệt mà được trở về là may mắn và diễm phúc lắm rồi, vết thương trên thân thể không là gì so với những hy sinh, mất mát của đồng đội. Chúng tôi luôn cố gắng để đồng đội của mình được đưa về quê, gia đình; thân nhân của họ cảm thấy ấm lòng, bớt tủi thân hơn…"

Nhiều năm qua, ông Sáu đã thường xuyên hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần cho đồng đội, các gia đình thương binh, liệt sĩ khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Với những việc làm ý nghĩa ấy, năm 2011, ông Sáu được Trung ương Hội Cựu chiến binh tặng bằng khen cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo; được mời ra Hà Nội báo cáo thành tích. Năm 2017, ông Sáu được vinh danh là thương binh tiêu biểu, nhận bằng khen của UBND tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, ông còn nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen, chứng nhận của xã, huyện trong công tác mặt trận, nhân đạo…

Đọc thêm