Khối tư nhân sẽ gia nhập nhóm “đầu tàu” kinh tế?

(PLO) - Hôm qua (12/4), Bảng xếp hạng (BXH) 500 doanh nghiệp (DN) triển vọng xuất sắc nhất Việt Nam (Best Prospect 500-BP500) chính thức được công bố cùng với sự vinh danh các DN. Đây là các DN có tiềm năng và triển vọng trở thành các DN lớn, gia nhập đội ngũ các DN “đầu tàu” của nền kinh tế Việt Nam. Đáng chú ý, trong số đó có rất nhiều DN tư nhân…
Cty CP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng đứng đầu danh sách doanh nghiệp tư nhân triển vọng nhất
Cty CP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng đứng đầu danh sách doanh nghiệp tư nhân triển vọng nhất

Sự kiện do Vietnam Report và Báo VietnamNet phối hợp tổ chức. Các DN PB500 được lựa chọn từ Cơ sở dữ liệu Top 2.000 DN lớn nhất Việt Nam. Một số thống kê đáng chú ý rút ra từ BXH BP 500 và từ kết quả điều tra các DN BP500 do Vietnam Report tiến hành trong tháng 1/2016:

Top 10 BXH BP500  năm 2016 gồm: Cty CP Xây lắp Thành An 96; Cty CP XNK Thủy sản miền Trung; Cty CP Foodtech; Cty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Cty CP Xăng dầu dầu khí Thanh Hóa; Cty CP Vật tư và Thiết bị toàn bộ; Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội; TCty Sông Thu; Cty CP Cơ điện Trần Phú; Cty CP Than Sông Hồng.

Với các DN tư nhân, top 10 BXH BP500 gồm: Cty CP Cơ khí xây dựng Đại Dũng; Cty CP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn; Cty CP Thủy sản An Phú; Cty Xây dựng Lê Phan (TNHH); Cty CP Thức ăn chăn nuôi Pháp - Việt; Cty CP Thực phẩm GN; Cty CP Tập đoàn Thái Tuấn; Cty CP Kim Tín; Cty TNHH Thủy sản Quang Minh; Cty TNHH Nhựa Đạt Hòa.

Doanh nghiệp tư nhân áp đảo

Nếu trên sân chơi của các DN lớn – BXH 500 DN lớn nhất Việt Nam (VNR500), doanh thu từ khối DN nhà nước chiếm tỷ trọng khá cao (57%) thì ở BXH BP500 nổi lên lại là khối DN tư nhân trong nước với tỷ trọng doanh thu chiếm 54,4%. Trong khi đó, doanh thu từ khối DN nhà nước chỉ chiếm 39,2%, từ khối FDI chỉ chiếm 6,4%.

Không phải những ngành, lĩnh vực DN nhà nước chiếm ưu thế như dầu khí, ngân hàng,  điện… thường có các DN đứng top đầu trong BXH VNR500, trong BXH BP500 thì ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng – Bất động sản là ngành có tỷ trọng doanh thu cao nhất, đồng thời cũng là ngành có tổng lợi nhuận sau thuế cao nhất BXH. Đây là những ngành DN tư nhân chiếm ưu thế.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, để tăng trưởng kinh tế Việt Nam bền vững thì phải dựa vào khu vực DN trong nước, trong đó khối DN tư nhân giữ vai trò quan trọng nhất. Nếu kịch bản cổ phần hóa DN nhà nước diễn ra đúng lộ trình, các DN nhà nước hoạt động không hiệu quả được tái cơ cấu hợp lý, số lượng cũng như chất lượng của các DN tư nhân trong nước được cải thiện thì khối DN tư nhân trong nước sẽ ngày càng mạnh, triển vọng trở thành các DN lớn về doanh thu, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của kinh tế nước nhà. 

“Cần lưu ý rằng phần đông DN tư nhân trong nước hiện nay là các DN vừa và nhỏ vẫn đang gặp phải trở ngại về vốn, công nghệ và nhân lực. Khi Hiệp định TPP có hiệu lực thi hành, sẽ có nhiều thương hiệu cũng như DN FDI tên tuổi gia nhập thị trường Việt Nam, cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn, đòi hỏi các DN phải thay đổi chiến lược của mình để nắm bắt cơ hội hội nhập quốc tế. Trong tương lai không xa, hi vọng rằng Việt Nam sẽ có được những DN tư nhân lớn không thua gì Samsung hay Toyota…”,  các chuyên gia Vietnam Report nhận định.

Cản trở lớn nhất: Quản trị doanh nghiệp

Kết quả khảo sát các DN BP500 cho thấy, 3 ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh của DN BP500 trong năm 2016 lần lượt là: Tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận trong các thị trường hiện tại (chiếm 89,8%); cắt giảm chi phí (chiếm 69,4%) và giới thiệu sản phẩm/dịch vụ mới (chiếm 59,3%). 

Chỉ có khoảng 50% DN triển vọng xem việc mở rộng đầu tư kinh doanh sang lĩnh vực mới là ưu tiên trong chiến lược kinh doanh của mình. Ưu tiên này cũng chỉ đứng thứ 5 trong số 8 ưu tiên được đưa ra cho thấy, các DN đã thực sự nhận ra được giá trị cốt lõi của mình và thận trọng hơn khi đưa ra quyết định đầu tư sang một lĩnh vực mới – một lựa chọn tương đối mạo hiểm đối với bất kỳ DN nào.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát cho thấy quản trị DN là yếu tố gây trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng của DN trong 3 năm qua (2002 - 2015) khi có tới gần 44% số DN phản hồi lựa chọn phương án này. “Như vậy, mặc dù được coi là động lực của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế triển vọng trở thành những DN hàng đầu của kinh tế Việt Nam thời kỳ hội nhập nhưng những DN triển vọng nói riêng cũng như các DN Việt Nam nói chung hiện nay đều gặp phải rào cản nhất định trong vấn đề quản trị DN…”- Báo cáo lưu ý.

Những cản trở tiếp theo được các DN chỉ ra là: Tuyển dụng và giữ nhân sự (42.10%); thiếu thông tin về xu hướng thị trường và đối thủ cạnh tranh (40,40%); năng lực cạnh tranh (38,60%); quản lý tỷ lệ nợ (22,70%); quản lý dòng tiền (10,50%).

Kết quả khảo sát cũng cho thấy tầm quan trọng của việc quản trị DN trong chiến lược phát triển chủ đạo của các DN. Có tới gần 80% số DN tham gia khảo sát cho rằng việc cải thiện chất lượng đội ngũ quản lý là ưu tiên của mình trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng. Đứng từ góc độ nhìn nhận của cộng đồng các DN Việt Nam, thách thức lớn nhất đối với hơn 48% số DN tham gia khảo sát liên quan đến vấn đề xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Hai thách thức tiếp theo có tỷ lệ lựa chọn ngang bằng nhau ở mức 43,1% là các vấn đề liên quan đến quy định, văn bản chính sách của Chính phủ, thuế phí và hải quan cũng như sự trỗi dậy của các đối thủ cùng ngành…

Đọc thêm