Mô hình nào cho “siêu” Tổng công ty?

(PLVN) - Tại Hội thảo mới đây về mô hình tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc “siêu” Tổng công ty này cần thay “áo mới”, nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp. 
Mô hình nào cho “siêu” Tổng công ty?

15 năm kinh doanh vốn nhà nước

Ông Phạm Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp CMSC, đánh giá, sau 15 năm thành lập, SCIC đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và đáng ghi nhận.

Cụ thể, SCIC đã tiếp nhận 1.073 DN với tổng mức giá trị vốn nhà nước (NN) là 30.154 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng số vốn NN tại các DN. Ngoài ra, từ khi thành lập đến nay, SCIC đã thoái vốn NN tại 1.013 DN với tổng giá trị vốn NN khoảng 11.516 tỷ đồng, thu về cho NN 48.047 tỷ đồng. Thực hiện chức năng đầu tư, kinh doanh vốn NN, SCIC đã đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực có hiệu quả với tổng vốn đầu tư đã giải ngân đạt 28.000 tỷ đồng tính tới thời điểm 31/12/2019. 

Tuy nhiên, đại diện CMSC nhận định, hoạt động kinh doanh của SCIC còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc liên quan việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu tại DN thuộc các Bộ, ngành, địa phương. Đáng chú ý, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn NN tại các DN tiếp nhận còn chậm so với yêu cầu.

Ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc SCIC, nhớ lại, SCIC được thành lập trong bối cảnh Đảng và Chính phủ chủ trương đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của các DNNN; tách bạch chức năng quản lý NN và chức năng đại diện chủ sở hữu của NN tại DN; chuyển đổi phương thức quản lý vốn NN từ mệnh lệnh hành chính sang đầu tư kinh doanh vốn. Theo đó, NN đóng vai trò là cổ đông - nhà đầu tư (NĐT), hoạt động theo Luật DN và bình đẳng với các DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong vai trò là tổ chức kinh tế của Chính phủ, SCIC thực hiện hai chức năng chính bao gồm đại diện chủ sở hữu vốn NN tại các DN và đầu tư kinh doanh vốn NN. 

“Để đạt được những kết quả quan trọng trong 15 năm qua, SCIC đã tích cực, chủ động làm việc với các Bộ, ban, ngành và địa phương để đôn đốc việc chuyển giao DN theo quy định; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình bàn giao DN; phối hợp và tham mưu để Bộ Tài chính ban hành, bổ sung, sửa đổi các thông tư hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn NN tại các DN về SCIC...” - lãnh đạo SCIC chia sẻ.

Chưa thể hiện vai trò như kỳ vọng!

Cũng theo đại diện SCIC, hoạt động đầu tư của SCIC đã được triển khai từng bước, theo hướng thận trọng, gắn với thị trường, đảm bảo định hướng của Chính phủ, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn NN đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và đã đạt hiệu quả tích cực, giúp bảo toàn giá trị và tăng trưởng vốn NN.

“Tuy nhiên, xét theo vị thế và tầm ảnh hưởng đem lại, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, thông qua hoạt động đầu tư đã triển khai trong thời gian qua, SCIC vẫn chưa thực sự thể hiện rõ vai trò nhà đầu tư Chính phủ như kỳ vọng...” - ông Lai thừa nhận và cho biết, hoạt động của SCIC còn gặp nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là vướng mắc về cơ chế, các khuôn khổ quy định. Đặc biệt, quyền chủ động trong triển khai hoạt động kinh doanh của SCIC còn hạn chế. 

Cụ thể, theo cơ chế hiện hành được áp dụng đối với DNNN, các Tập đoàn, Tổng công ty, trong đó có SCIC, chưa hoàn toàn nắm toàn quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của DNNN so với khu vực khác. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế phù hợp để đánh giá hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư tính trên toàn bộ danh mục vốn đầu tư/vốn quản lý/vốn chủ sở hữu được giao của SCIC. 

Theo đại diện SCIC, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số phát triển mạnh mẽ thì kỳ vọng và nhiệm vụ của SCIC càng nặng nề hơn. “Với vai trò NĐT vốn NN, SCIC cần tối ưu hóa hiệu quả vốn đầu tư để tạo nền tảng cho phát triển, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư để đi tắt đón đầu cuộc cách mạng công nghệ này...” - ông Lai nhấn mạnh.

Khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương thành lập một tổ chức kinh tế đặc biệt của Chính phủ, hoạt động dưới mô hình Tổng công ty nhà nước, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng các khoản đầu tư của SCIC chủ yếu diễn ra tại các DN hiện hữu, chưa có các khoản đầu tư vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu hay những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Bên cạnh đó, SCIC được kỳ vọng sẽ phải là nòng cốt dẫn dắt, sát cánh cùng các Tập đoàn kinh tế NN chuyên ngành tham gia đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng của đất nước. PGS.TS. Hoàng Văn Hải, Viện Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: “SCIC cần phải trở thành NĐT chuyên nghiệp, đầu tư toàn cầu chứ không chỉ đầu tư trong nước như hiện nay...”.

Đồng tình với việc cần tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của SCIC, sửa đổi các khung pháp lý để giúp SCIC thực hiện tốt hơn vai trò NĐT của Chính phủ, song cụ thể mô hình nào, tiếp tục với mô hình DN như hiện nay hay chuyển sang Quỹ đầu tư cũng chưa được đề cập đến.

Trước đó, chia sẻ với báo chí, Tổng giám đốc SCIC Nguyễn Chí Thành cho biết, SCIC sẽ Báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Chiến lược Phát triển SCIC giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn 2035. Đồng thời chủ động triển khai xây dựng báo cáo Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động SCIC thành Quỹ Đầu tư Chính phủ...

Đọc thêm