Năm 2017: Thí điểm hoàn thuế điện tử và quản lý hoàn thuế theo phương pháp rủi ro

(PLO) - Tổng cục Thuế cho biết, năm nay sẽ triển khai thí điểm hoàn thuế điện tử tại 13 tỉnh, thành và thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí và chỉ số phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT tại 6 tỉnh, thành…
Năm 2017: Thí điểm hoàn thuế điện tử và quản lý hoàn thuế theo phương pháp rủi ro

Trong quý I/2017, Tổng cục Thuế (TCT) sẽ triển khai thí điểm hoàn thuế điện tử tại 13 tỉnh, thànhtheo kế hoạch đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Sau thời gian thí điểm, sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá và hoàn thiện quy trình để triển khai rộng trên toàn quốc, đảm bảo mục tiêu cuối năm 2017, 95% hồ sơ hoàn thuế điện tử.

Cùng với việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoàn thuế, TCT sẽ chủ động xây dựng đồng bộ hệ thống báo cáo, cập nhật thông tin từ các cục thuế để đảm bảo có các giải pháp, cơ chế hoàn thuế phù hợp nhằm quản lý điều hành ngân sách nhà nước chủ động, hiệu quả.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN theo Nghị quyết 19 của Chính phủ, năm nay ngành Thuế sẽ thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí và chỉ số phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT (gọi tắt là BTCHT) và lựa chọn DN có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế GTGT. Việc thí điểm này sẽ thực hiện tại 6 tỉnh, thành bắt đầu từ tháng 4/2017.Sau khi thí điểm, TCT sẽ đánh giá, hoàn thiện BTCHT để triển khai trên toàn quốc.

Theo BTCHT cho DN, 80% hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau; 20% hồ sơ có rủi ro cao thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau (tiền kiểm); ít nhất 20% hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau (hậu kiểm) được thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế.

Cùng với việc thực hiện thí điểm BTCHT, TCTsẽ sửa đổi, ban hành quy trình hoàn thuế GTGT thay thế Quy trình 905 đang thực hiện để phù hợp với yêu cầu quản lý thuế mới, gắn công tác quản lý hoàn thuế GTGT với ứng dụng công nghệ thông tin và dựa trên cơ sở dữ liệu quản lý thuế của ngành. Quy trình mới quy định rõ trình tự giải quyết, thẩm quyền giải quyết, các bước công việc và trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình giải quyết hoàn thuế GTGT, với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan thuế cấp trên đối với cơ quan thuế cấp dưới, sự giám sát tự động của ứng dụng công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, TCT cũng tiến hành rà soát, sửa đổi quy trình thanh tra, kiểm tra làm rõ các yêu cầu đối với kiểm tra hoàn thuế bao gồm tiền kiểm và thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế; làm rõ phương thức lập kế hoạch, thực hiện kiểm tra, thanh tra tại DN và các bước sau kiểm tra, thanh tra đối với hoàn thuế GTGT. Từ đó, nâng cao trách nhiệm giám sát công tác kiểm tra, thanh tra hoàn thuế của cơ quan thuế cấp trên đối với cơ quan thuế cấp dưới.

Trong năm 2017, TCT cũng sẽ tiếp tục nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng quy trình hoàn thuế, quy trình kiểm tra, thanh tra liên quan đến trước và sau hoàn thuế theo hướng chặt chẽ, có tính kiểm soát tự động và dựa trên cơ sở dữ liệu thông tin về quản lý thuế của ngành như: Nâng cấp tiêu chí thực hiện giám sát hoàn thuế tự động trên hệ thống ứng dụng quản lý tập trung của ngành Thuế nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ trong quản lý và yêu cầu nghiệp vụ; hoàn thiện cơ sở dữ liệu, và hồ sơ quản lý đối với DN hoàn trọng điểm, đưa thông tin vào hệ thống quản lý tập trung (TMS) của ngành thuế để phục vụ cho công tác hoàn thuế GTGT. 

5 mục tiêu công tác hoàn thuế GTGT năm 2017

- Hoàn thuế GTGT trong phạm vi dự toán được giao (105 ngàn tỷ đồng, bao gồm chi cho các quyết định hoàn thuế năm 2016);  90% hồ sơ hoàn thuế được giải quyết đúng thời hạn quy định; Thực hiện hoàn thuế điện tử trên toàn quốc, cuối năm 2017 đạt tỷ lệ 95% hồ sơ hoàn thuế được tiếp nhận và trả kết quả bằng phương thức điện tử; Tỷ lệ hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau đạt ít nhất 80%; thí điểm BTCHT tại 6 cục thuế;- Tỷ lệ thanh tra kiểm tra sau hoàn thuế đối với các hồ sơ thuộc diện hậu kiểm đạt ít nhất 20%; thí điểm Bộ tiêu chí và chỉ số lựa chọn DN có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế GTGT tại 6 cục thuế.

Đọc thêm