Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2015): Đừng sợ hãi, hãy dám làm!

(PLO) - Đó là nhắn nhủ của TS.Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khi trao đổi với Pháp luật Việt Nam về tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với doanh nhân Việt Nam.
Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương
Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng
Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương 
TPP là cuộc chơi 
“cùng thắng”
Khi gia nhập TPP, tại sao những ngành được hưởng lợi nhiều nhất lại nằm trong số những ngành có hàm lượng lao động cao như dệt may, da giày, đồ gỗ, thưa ông?
- Trong 12 nước tham gia TPP, Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển ở mức thấp nhất. Trong hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề cần nhắc đến là lợi thế so sánh. Khi các ngành kinh tế cần hàm lượng công nghệ cao mình chưa thể cạnh tranh được thì những sản phẩm như dệt may, da giày, đồ gỗ là những lợi thế của Việt Nam.
Ngoài ra, những ngành tận dụng được điều kiện tự nhiên thuận lợi ở Việt Nam như thủy sản, cây trồng cũng là những ngành có nhiều cơ hội. TPP có mức độ tự do hàng hóa cao, nên các nhóm ngành về phân phối, bán lẻ, dịch vụ giải trí cũng được hưởng lợi. Một số ngành mới như “kinh tế xanh”, thương mại điện tử, công nghệ thông tin cũng là những ngành có tiềm năng phát triển.
Vậy những ngành nào có thể bị ảnh hưởng, thưa ông?
- Hội nhập kinh tế bao giờ cũng có tính hai mặt: tiêu cực và tích cực. Việc gia nhập TPP được nhiều hơn mất. Nhưng ngoài những ngành được hưởng lợi, có những ngành có thể gặp bất lợi hoặc tiêu cực như chăn nuôi, thép, ô tô… 
Như vậy theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì?
- Cuộc chơi TPP xét tổng thể là cuộc chơi “cùng thắng”, các nước cùng được hưởng lợi. Nhưng nếu không biết tận dụng, phát triển thì mình chỉ được hưởng 20%, 80% còn lại đối tác hưởng. 
Những ngành chịu tác động tiêu cực phải chuyển đổi, tìm cách thức, ngõ ngách mới để phát triển, phải làm sao để khả năng cạnh tranh tốt hơn. Những tiêu cực, đánh đổi này cũng chính là chi phí, tốn kém cho quá trình hội nhập. Mình phải chấp nhận cả những khía cạnh không mong muốn, nhưng đó là một phần của cuộc chơi. 
Có một điều mà ít người nói, hội nhập tức là phải tự đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thay đổi cách thức hành xử của bộ máy nhà nước. Quá trình này mình cũng phải trả phí để mình lớn mạnh hơn, cạnh tranh hơn.  
Thách thức không phải để sợ hãi 
Nhưng không ít doanh nghiệp không khỏi lo lắng rằng gia nhập TPP thì hàng ngoại ồ ạt nhập vào sẽ chiếm hết thị phần, dần “bóp chết” hàng nội. Ông có ý kiến gì về nỗi lo này của doanh nghiệp? 
- Chúng ta nói lên những khó khăn, thách thức không phải để sợ hãi. Hội nhập có cơ hội lớn, tất nhiên có cả rủi ro. Thế nhưng, muốn phát triển thì phải trải qua những khó khăn đó. Tôi đưa ra một ví dụ: Năm 2000 chúng ta ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA). Lúc ấy doanh nghiệp lo, Chính phủ lo. Trong nhiều cái lo, có một cái lo là hoàn thiện thể chế, bởi nghĩ Hoa Kỳ là thị trường rất cao cấp, luật pháp rất chặt chẽ, mọi thứ đòi hỏi rất cao thì doanh nghiệp mình làm sao cạnh tranh nổi. Đấy là cái lo chính đáng. Nhưng chỉ sau một vài năm ký kết BTA, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Sau 15 năm, xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa kỳ tăng gấp 30 lần. 
Qua đây tôi muốn nói, có khó khăn, thách thức nhưng mình vẫn có thể làm được, thậm chí làm tốt. Nhiều doanh nghiệp có cảm giác sợ hãi là điều dễ hiểu, nhưng tôi cho đấy cũng là cái tốt, là động lực để phấn đấu. Cái được lợi nhất của gia nhập TPP là doanh nghiệp tự nâng cao năng lực của chính mình. Tôi muốn nói với các bạn doanh nghiệp rằng đừng sợ hãi, phải bình tĩnh, dám làm.
Về phía người tiêu dùng, việc gia nhập TPP sẽ đem lại điều gì, thưa ông?
- Người tiêu dùng sẽ được tiếp cận các mặt hàng đa dạng hơn, chất lượng tốt hơn, giá cạnh tranh, không độc quyền. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng có rủi ro. Nếu các mặt hàng không được kiểm soát tốt, họ có thể tuồn cả những thứ độc hại vào. Cho nên đòi hỏi trách nhiệm rất cao của các bộ, ngành hữu trách để bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng. 
Người tiêu dùng rất quan tâm đến giá xăng dầu, điện. Liệu gia nhập TPP, giá hai mặt hàng này có chịu tác động và người dân được hưởng lợi gì không, thưa ông?
- Gia nhập TPP, xét về lý thuyết thì xăng dầu và điện không ảnh hưởng trực tiếp nhưng sẽ có tác động gián tiếp. Như việc độc quyền sẽ bị hạn chế, tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào những phân khúc khác nhau. Bởi trong chương về mua sắm Chính phủ, Hiệp định TPP chỉ ra rằng các doanh nghiệp nước ngoài cũng được tham gia. Tôi cho rằng đây sẽ là bước đệm để cải cách doanh nghiệp nhà nước có tính độc quyền. Đằng sau đấy là văn hóa giải trình của hai ngành này cũng sẽ được nâng cao.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Doanh nhân là lực lượng đi đầu trong đổi mới
Nói về việc đàm phàn TPP kết thúc ngay trước thềm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, TS. Thanh cho biết: Doanh nhân là những người tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, đồng thời sản xuất ra của cải vật chất phục vụ xã hội. Họ là lực lượng tạo ra sự năng động, phát triển của xã hội. Theo nghĩa ấy, doanh nhân chính là lực lượng tiên phong, xung kích, đi đầu trong đổi mới và phát triển đất nước. Trong quá trình thực tiễn, khi vấp phải những rào cản về cơ chế, doanh nhân cũng chính là những người đề xuất để cải thiện chất lượng chính sách.

Đọc thêm