Nhìn lại sai phạm khi CPH Cảng Quy Nhơn: Bài 1 - Cảng biển “ăn nên làm ra” bậc nhất miền Trung

(PLO) - Chiều 17/9, Thanh tra Chính phủ (TTCP) chính thức công bố kết luận thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định pháp luật trong quá trình thực hiện cổ phần hóa (CPH) Cảng Quy Nhơn, việc thực hiện thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần (CTCP) Cảng Quy Nhơn. 
Một góc Cảng Quy Nhơn
Một góc Cảng Quy Nhơn

Theo Thanh tra Chính phủ, Bộ GTVT cho phép Vinalines chuyển nhượng 75,01% cổ phần thuộc sở hữu nhà nước theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép là trái thẩm quyền, vi phạm quy định pháp luật, nên phải thu hồi về sở hữu nhà nước. 

Cửa ngõ ra Biển Đông của Nam Trung bộ, Tây Nguyên

Cảng Quy Nhơn là cửa ngõ ra Biển Đông của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông. Tại kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, có một chi tiết đáng chú ý là: Khi đề xuất chuyển nhượng hết 49% vốn nhà nước tại CTCP Cảng Quy Nhơn, Văn phòng Chính phủ có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bổ sung, giải trình những nội dung quan trọng mà Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt ra về kinh tế - an ninh - quốc phòng hiện tại và lâu dài cần phải được làm rõ khi đề nghị Thủ tướng cho bán hết 49% vốn nhà nước. 

Cảng Quy Nhơn (Bình Định) nằm trong vùng quản lý hàng hải của Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, có vị trí tại 13°44’33”N - 109°14’E; Điểm lấy hoa tiêu: 13°44’33”N - 109°15’00”E. Đây là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm Cảng biển Nam Trung bộ, nằm trong Vịnh Quy Nhơn, có Bán đảo Phương Mai che chắn, kín gió, rất thuận lợi cho tàu neo đậu và xếp dỡ hàng quanh năm. 

Cảng nằm sát với tuyến đường hàng hải quốc tế nên rất thuận tiện cho tàu biển nước ngoài ra/vào. Là vị trí trung tâm của các nước trong vùng Đông Nam Á và Đông Á, có trên 10 tuyến đường biển nối với các cảng quốc tế như: Manila, Singapore, Hong Kong, Cao Hùng (Đài Loan), Băng Cốc (Thái Lan), Tokyo (Nhật Bản), Vladivostok (Nga),...

Về kết nối, cảng Quy Nhơn nằm ở trung tâm TP Quy Nhơn - tỉnh Bình Định (đô thị loại I), tại vị trí điểm đầu của quốc lộ 19, nối liền quốc lộ 1A và quốc lộ 14 bằng đường bộ tiêu chuẩn đường cấp I, cấp II, quy mô 4 – 6 làn xe. Cách cửa khẩu Đức Cơ  của Việt Nam - Campuchia khoảng 260km và cách cửa khẩu Bờ Y của Việt Nam - Lào khoảng 310km. Cách Ga đường sắt Diêu Trì (Bắc-Nam) khoảng 15km và Ga Hàng không Phù Cát khoảng 30km.

Cảng Quy Nhơn sở hữu hệ thống kho bãi có tổng diện tích mặt bằng 306.568m2. Cảng có cơ sở hạ tầng và trang thiết bị đủ điều kiện tiếp nhận, xếp dỡ các mặt hàng tổng hợp, hàng container và hàng siêu trường, siêu trọng. Luồng vào Cảng có chiều dài 6,3km, rộng 110m, độ sâu -11.0m (độ sâu nhỏ nhất tính đến mực nước số “0 hải đồ”), Chênh lệch bình quân: 2m. Mớn nước cao nhất tàu ra vào: -13.8 m. Cỡ tàu lớn nhất tiếp nhận được: Cỡ tàu đến 30.000DWT với tần suất bình thường và cỡ tàu đến 50.000DWT giảm tải.

Thực tế, vì vị trí địa kinh tế này và Cảng Quy Nhơn là cảng biển “ăn nên làm ra” nhất trong số các cảng biển khu vực miền Trung nên ai cũng muốn “thâu tóm”. Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 của CTCP Cảng Quy Nhơn, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 49,510 tỷ đồng, tăng 14,25 so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước khi cổ phần hóa (CPH), Cảng Quy Nhơn là đơn vị đạt được nhiều thành tích và được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1995), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1991), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2009), Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2005), và Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2000) là một trong những niềm tự hào của ngành Hàng hải Việt Nam.

Những cái tên “lạ mà quen” thâu tóm Cảng Quy Nhơn

Cuối tháng 2/2017, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thanh tra quá trình cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn. Tháng 11/2017, ông Trần Duy Tùng, sinh năm 1985 (con trai ông Trần Bắc Hà- cựu chủ tịch Ngân hàng BIDV) từ chức lãnh đạo Cảng Quy Nhơn. Trước đó, dư luận xôn xao với thông tin CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành nhanh chóng thâu tóm tới hơn 86% vốn của Cảng Quy Nhơn với giá “bèo bọt”.

Cảng Quy Nhơn là cảng biển trọng điểm khu vực miền Trung. Bởi vậy việc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không mấy liên quan có thể dễ dàng mua khối lượng lớn cổ phần nhà nước tại đây không khỏi gây băn khoăn về cái tên Khoáng sản Hợp Thành. 

Hợp Thành là doanh nghiệp hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực khai khoáng, luyện thép, bất động sản, xây lắp... Năm 2002, ông Lê Hồng Thái thành lập Công ty TNHH Hợp Thành tại thành phố Thái Bình, chuyên sản xuất xơ sợi polyester. Đi lên từ sản phẩm có nguồn gốc dầu mỏ, giai đoạn phát triển nhanh chóng của Hợp Thành cũng gắn liền với các đối tác trong ngành này.

Cuối tháng 9/2010, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) Trịnh Xuân Thanh ký tờ trình bầu bổ sung ông Lê Hồng Thái làm Uỷ viên HĐQT của PVC. Ông Thái là đại diện do nhóm cổ đông Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và CTCP Chứng khoán Thăng Long đề cử. Trước đó, ông Lê Hồng Thái đã có 2 năm làm Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Xây lắp Dầu khí Imico (PVC-IMICO) - đơn vị thành viên của PVC. Đây là thời kỳ mà Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT, Vũ Đức Thuận làm Tổng Giám đốc đã để thua lỗ, thất thoát gần 3.300 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành - nhà đầu tư chiến lược sở hữu Cảng Quy Nhơn được ông Lê Hồng Thái thành lập năm 2007 và nhanh chóng phát triển trở thành một tập đoàn đa ngành với quy mô rất lớn.

Sau 6 năm hoạt động, vào thời điểm bắt đầu thâu tóm Cảng Quy Nhơn (năm 2013), Hợp Thành có tổng tài sản 2.733,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 460 tỷ đồng, nắm trong tay một loạt công ty con như Công ty Gang thép Hà Tĩnh, Công ty Sắt Vũ Quang, Công ty Hoá Cốc Hà Tĩnh, Công ty Khoáng sản Vạn Lợi Quảng Ngãi, Công ty sản xuất Sô Đa Chu Lai, Công ty Khoáng sản Miền Trung...

Cũng trong khoảng thời gian này, Hợp Thành đầu tư mạnh vào mảng bất động sản với dự án 69 Nguyễn Du, rồi dự án xây dựng tòa nhà văn phòng Mitec, dự án khách sạn SeaDragon tại Quảng Ninh, dự án HH3–Khu đô thị Nam An Khánh, tòa nhà văn phòng số 2 Lê Văn Lương... Năm 2011, Hợp Thành là 1 trong 5 chủ đầu tư thứ cấp mua 46,8 ha tại dự án Vincom Village với giá trị 770 triệu USD (Hợp Thành mua 30 triệu USD).

Sau đó, doanh nghiệp này tiếp tục gây chú ý bằng việc mua 24,27% cổ phần cảng Vinalines Đình Vũ hay thương vụ “sang tay” Khách sạn Deawoo đình đám. Tuy nhiên, Hợp Thành cũng “đình đám” với nhiều dự án quy mô từ trăm tỷ đến nghìn tỷ “đắp chiếu”, bị đình chỉ hoạt động hoặc bị thu hồi, kể cả trong Nam, ngoài Bắc.

Điều ai cũng băn khoăn là tại sao Hợp Thành không hề có kinh nghiệm gì trong quản lý và khai thác cảng biển lại dễ dàng “thâu tóm” được Cảng Quy Nhơn?

(còn tiếp)

Đọc thêm