Quyết định đầy khó khăn nhưng dũng cảm của Thủ tướng

(PLO) - Báo Pháp luật Việt Nam từng có bài cảnh báo về Dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận). Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu dừng đề xuất dự án thép gây tranh cãi và hoang mang này. Nội dung trên đưa ra trong thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án thép Cà Ná được tổ chức mới đây với các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ cùng UBND tỉnh Ninh Thuận về Dự án thép Cà Ná.
Quyết định đầy khó khăn nhưng dũng cảm của Thủ tướng

Theo đó, các vấn đề được Thủ tướng yêu cầu trước hết là cần tính toán kỹ lưỡng nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới. Trên cơ sở đó rà soát quy hoạch các nhà máy thép, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường để xác định quy mô, công suất, thời điểm hợp lý mới phát triển dự án.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải đánh giá kỹ vấn đề môi trường, công nghệ và thiết bị của dự án. Đặc biệt nghiên cứu đánh giá tác động môi trường đảm bảo dự án an toàn, không để xảy ra sự cố như Formosa. Đồng thời xác định tổng mức vốn đầu tư tổng thể, trong đó có tính đến các hạng mục như cảng nước sâu, đường sắt, đường bộ cũng như xác định rõ nguồn nguyên liệu cho dự án.

Theo Thủ tướng, do đây là dự án luyện thép được đề xuất sau khi sự cố Nhà máy thép Formosa diễn ra, nên rất nhạy cảm.

Chúng ta hoan nghênh quyết định đầy khó khăn nhưng dũng cảm và cám ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Hình như chúng ta đang đùa một cách nguy hiểm với chính môi trường sống của chúng ta nếu nhìn sự việc này, sự việc khác. Xin nêu thêm câu chuyện ở Nhà máy Giấy Lee&Man (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).

Từ khi Nhà máy này vận hành thử nghiệm đã khiến nhiều hộ dân xung quanh sống trong cảnh khổ sở do ô nhiễm từ tiếng ồn, bụi và mùi hôi. Vụ việc diễn ra bức xúc đến nỗi ông Trần Phong - Cục trưởng Cục Môi trường miền Nam (Bộ TN&MT) đã đến địa phương để đối thoại với người dân xung quanh dự án.

Dường như để làm “yên lòng” dự luận, ông Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh này cho biết: Hậu Giang sẽ triển khai nuôi cá ngay gần ống xả thải của Nhà máy Giấy Lee&Man. Đây là một giải pháp giám sát hiệu quả đối với nước thải của Nhà máy. Đặc biệt, cá nuôi sẽ không bán ra ngoài mà chỉ để cán bộ Hậu Giang ăn…(Chắc là khi cá sống được gia đình vị Giám đốc này sẽ ăn đầu tiên?)

Trước thông tin này, nhiều chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long - cảnh báo: Cá nuôi có thể không chết vì chất độc chưa đạt ngưỡng, nhưng độc chất có thể tích lũy trong cá. Người ăn thì không chết ngay, nhưng ảnh hưởng sức khỏe lâu dài và khi ăn nhiều, tích lũy một thời gian dài đến “đủ đô” thì mới có chuyện.

Thậm chí, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng đây là một trò đùa và phản khoa học.

Không hiểu sao người lớn chúng ta thích đùa?

Đọc thêm