Thâm nhập thị trường Trung Quốc: Vì sao doanh nghiệp ngại đi “cổng chính“?

(PLO) - Trung Quốc là một thị trường lớn và đầy tiềm năng nhưng hệ thống thuế quan, các quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch... đang là những cản trở đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam trong việc tìm ra phương cách để chiếm lĩnh thị trường rộng lớn này.   
Hết tháng 7/2016, tổng kim ngạch thương mại song phương  Việt – Trung đạt 52.26 tỷ USD
Hết tháng 7/2016, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt – Trung đạt 52.26 tỷ USD

Thị trường ngàn tỷ USD

Chỉ số kinh tế Trung Quốc năm 2015 cho thấy nhu cầu nhập khẩu của nước này đối với hàng hóa từ bên ngoài là cực lớn, lên tới 1.680 tỷ USD. Theo Văn phòng Xúc tiến thương mại (XTM) Việt Nam tại Trùng Khánh, thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. 

Theo đó, nước này có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh như: Hàng nông lâm sản gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, chè, rau quả nhiệt đới; hàng thủy sản tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá da trơn đông lạnh và cá da trơn phi lê đông lạnh…

Ông Đào Việt Anh - Trưởng đại diện Văn phòng XTTM tại Trùng Khánh cho biết: “Đặc trưng của thị trường Trung Quốc là văn hóa tiêu dùng và nhu cầu đối với các sản phẩm nông, thủy sản rất đa dạng. 32 tỉnh/thành của nước bạn đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể”. 

Cũng theo vị này, mỗi địa phương của Trung Quốc với dân số lớn có thể coi là một thị trường riêng lẻ như Sơn Đông (90,5 triệu người), Hà Nam (90,4 triệu người), Quảng Đông (104,3 triệu người), Tứ Xuyên (80,4 triệu người)…Thu nhập bình quân đầu người trên GDP ngày càng cao như Quảng Đông 10.764 USD, Giang Tô 10.305 USD, Sơn Đông 9314 USD, Chiết Giang 6340 USD...

Trưởng đại diện Văn phòng XTTM tại Trùng Khánh cũng đánh giá việc Trung Quốc cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 95% số dòng thuế vào năm 2011, số dòng thuế nhạy cảm còn lại, Trung Quốc cam kết cắt giảm về 5% đến 50% vào cuối lộ trình là năm 2018  - là những thuận lợi cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. 

“Thuế suất trung bình của biểu thuế Trung Quốc hiện đang dành cho ASEAN trong đó có Việt Nam giai đoạn 2015 - 2017 là 0,73% và năm 2018 là 0,56 %. Ngoài ra, chính sách khuyến khích nhập khẩu của Trung Quốc cũng là những chỉ dấu tốt đẹp cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội lớn để tiến sâu vào thị trường rộng lớn này. Hơn nữa, hợp tác thương mại sẽ tiếp tục là một trong những nội dung hợp tác chủ đạo giữa 2 nước trong thời gian tới. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2017”, ông Anh nhấn mạnh.  

Ngại đi “cổng chính”!

Theo tìm hiểu, năm 2015, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam -Trung Quốc đạt 66,6 tỷ USD, nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 17,1 tỷ USD, trong đó đáng lưu ý nhập khẩu của Việt Nam đối với hàng hóa từ phía Trung Quốc lại lên tới con số 49,5 tỷ USD - cán cân thương mại bị lệch khá lớn, nhập siêu của Việt Nam cán mốc 32,4 tỷ USD. 

Năm nay, theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, tính đến hết tháng 7/2016, tổng kim ngạch thương mại song phương 2 nước cũng đã đạt tới con số 52.26 tỷ USD, trong đó Trung Quốc tiếp tục ở thế “thượng phong” khi xuất khẩu sang Việt Nam đạt 33,52 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Việt Nam chỉ đạt 18,74 tỷ USD, xuất siêu của Trung Quốc lên tới 14,78 tỷ USD. 

Các chỉ số nói trên cho thấy, phía Trung Quốc đang tận dụng khá tốt thị trường của Việt Nam, trong khi ngược lại các nhà xuất khẩu Việt Nam thì chưa tìm ra phương cách hữu hiệu để chiếm lĩnh thị trường to lớn này. Chính sách thuế quan, quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch đang được cho là nguyên nhân cản trở các nhà xuất khẩu Việt Nam xâm nhập sâu vào thị trường nước này. 

Theo Trưởng đại diện Văn phòng XTTM tại Trùng Khánh, hàng hóa Việt Nam đúng là khi xuất sang Trung Quốc được hưởng thuế suất ưu đãi trong khuôn khổ Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN (CAFTA). Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang áp dụng thuế suất VAT từ 13% - 17%, điều này vô hình trung làm giảm mức độ cạnh tranh về giá cả sản phẩm nhập khẩu khi tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. 

Ông Lê Thanh Hòa - Phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật, cũng xác nhận Trung Quốc đã ban hành Luật An toàn thực phẩm mới, với quy định tất cả các sản phẩm thực phẩm khi xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải có chứng thư đi kèm do cơ quan chủ quản nước xuất khẩu cấp.  

Các quy định về thuế quan, quy định nghiêm ngặt về kiểm dịch đang khiến cho doanh nghiệp Việt tương đối “ngán ngẩm” khi lựa chọn xuất khẩu hàng hóa qua đường chính ngạch. Vì thế, phần lớn các mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện nay được xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, dù biết tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Tìm hiểu của PV cho thấy, hiện chưa có số liệu cụ thể được công bố rộng rãi về thương mại tiểu ngạch giữa Việt Nam và các nước giáp biên giới, nhưng số liệu Hải quan của Trung Quốc cho thấy, trong 2015 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này sang Việt Nam là 95,8 tỷ USD, còn số liệu Hải quan Việt Nam công bố là 66,6 tỷ USD, tức thấp hơn số liệu của Trung Quốc tới 29,2 tỷ USD. 

Đường tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều rủi ro

“Các quy định về thuế quan, quy định nghiêm ngặt về kiểm dịch đang khiến cho doanh nghiệp Việt tương đối “ngán ngẩm” khi lựa chọn xuất khẩu hàng hóa qua đường chính ngạch. Vì thế, phần lớn các mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện nay được xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, dù biết nó tiềm ẩn nhiều rủi ro”. 

Đọc thêm