Thích kinh tế thị trường nhưng vẫn muốn Nhà nước can thiệp(!?)

(PLO) - Cứ 5 người cho rằng nền kinh tế Việt Nam cơ bản là nền kinh tế thị trường thì cũng gần tới 4 người cho rằng Việt Nam về cơ bản là nền kinh tế nhà nước. Tình trạng “lưỡng thể” trong nền kinh tế còn thể hiện có đến 89% số người được hỏi cho rằng mô hình kinh tế thị trường ưu việt hơn nhưng cũng có đến 75% số người được hỏi vẫn mong muốn Nhà nước nên can thiệp giá hàng hóa thiết yếu…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Kết quả khảo sát “Cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt Nam năm 2014” (CAMS) vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hôm qua (23/7).
Nền kinh tế “lưỡng thể”
Phát hiện thú vị nhất của khảo sát này, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, thành viên nhóm khảo sát, chính là tình trạng “lưỡng thể” của nền kinh tế. Nếu như năm 2011, khảo sát CAMS cho kết quả 25% người được hỏi cho rằng nền kinh tế Việt Nam hiện nay về cơ bản là nền kinh tế thị trường (KTTT) và 22% cho rằng về cơ bản là nền kinh tế nhà nước (KTNN) thì tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng 49% và 36% vào năm 2014. Hay nói cách khác, cứ 5 người cho rằng nền kinh tế Việt Nam cơ bản là nền KTTT thì cũng gần tới 4 người cho rằng Việt Nam về cơ bản là nền KTNN. 
“Kết quả này cho thấy ở Việt Nam, trên thực tế hệ thống KTNN và KTTT vẫn vận hành song song, chưa rạch ròi. Nền KTTT chưa hình thành đầy đủ trong khi nền KTNN còn ảnh hưởng rất lớn. Dù các nhóm đều thừa nhận và ủng hộ KTTT cũng như xã hội hóa, song cảm nhận thực tế lại cho thấy sự nhập nhằng và “mơ hồ” về bản chất thực sự của nền kinh tế khá rõ nét…”- Báo cáo nhận định. 
Về tốc độ cải cách kinh tế, chỉ có 29% người được khảo sát cho rằng tốc độ chuyển đổi sang nền KTTT của Việt Nam trong 5 năm qua là nhanh, trong khi có tới 36% cho biết tốc độ này còn chậm. Điều này cho thấy quá trình chuyển đổi sang nền KTTT vẫn tiếp tục song tốc độ thực tế chậm so với kỳ vọng. 
Đặc biệt, có đến 89% số người được khảo sát cho rằng mô hình KTTT là ưu việt, tỷ lệ này đặc biệt cao ở nhóm đối tượng khảo sát là Đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế (97%), nhóm cơ quan báo chí (92%) trong khi nhóm nghiên cứu giảng dạy, cơ quan Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan Quốc hội đạt tỷ lệ thấp hơn mức trung bình (85 - 86%). 
Khảo sát cũng cho thấy đa số những người ủng hộ nền KTTT vẫn muốn có “bàn tay” can thiệp của Nhà nước để bình ổn giá của những hàng hóa thiết yếu. Tỷ lệ này năm 2014 là 75%, tăng 7% so với năm 2011. 
Theo ông Đoàn Hồng Quang, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, thành viên nhóm khảo sát, để lý giải xác đáng mâu thuẫn trên cần những nghiên cứu sâu hơn, tuy nhiên điều này có thể phần nào thấy rằng, việc vận hành KTTT ở Việt Nam chưa thực sự tạo niềm tin và đem lại hiệu quả tích cực cho xã hội, như tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy giảm giá, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ và do vậy lại càng khiến người dân có tâm lý mong chờ “bàn tay” can thiệp của Nhà nước. 
Kết quả khảo sát cũng cho thấy trong những công cụ chủ yếu mà nhà nước sử dụng để ổn định thị trường và giá cả, thì cả vai trò của doanh nghiệp nhà nước lẫn các chương trình bình ổn giá lại đều bị người dân đánh giá thấp về hiệu quả. 50% số người tham gia khảo sát cho rằng giá cả hàng hóa thiết yếu được quyết định bởi thị trường, số còn lại cho biết phần lớn giá cả các nhóm mặt hàng này được điều chỉnh bởi các quy định của Nhà nước. 
Tuy nhiên, chỉ có 47% đánh giá chương trình này hiệu quả. Đa số người tham gia không đánh giá cao mức độ đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước lớn vào nền kinh tế. Trung bình chỉ có 19% nhận định là tích cực hoặc rất tích cực. Tỷ lệ đánh giá tiêu cực ở mức 29%. 
Đặc biệt, kết quả khảo sát cũng cho thấy, người dân dường như chưa hài lòng nhiều đối với tình hình hiện tại và sự thay đổi trong thời gian vừa qua. Tỷ lệ hài lòng với tình hình kinh tế hiện nay của đất nước đã giảm xuống mức rất thấp (chỉ 19%). Dù quá nửa số người tham gia điều tra vẫn có niềm tin ở tương lai của con em, song tỷ lệ niềm tin trong CAMS 2014 đã giảm so với CAMS 2011; đồng thời một số lớn người dân (47%) cũng bày tỏ sự bức xúc trước khoảng cách giàu-nghèo tăng lên ở Việt Nam…
Gỡ “nút thắt”
Gần 30 năm Việt Nam chuyển đổi sang nền KTTT song mô hình nền kinh tế vẫn “pha trộn” giữa KTTT và KTNN. Nói như Chủ tịch VCCI - TS Vũ Tiến Lộc, quá trình chuyển sang nền KTTT là quá trình từ “sâu hóa bướm”, “đẹp lung linh nhưng cũng đầy quằn quại, đau đớn…”. 
Vấn đề được các chuyên gia đưa ra là nút thắt của nền kinh tế chuyển đổi nằm ở đâu và gỡ như thế nào?
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế TW, nút thắt chính là việc hoàn thiện thể chế và nhận thức. Trong khi hoàn thiện thể chế là việc khó thì việc nhận thức một số vấn đề của nội hàm nền KTTT định hướng XHCN lại chưa được nhất quán. Theo ông, nút thắt đầu tiên cần gỡ là xây dựng thể chế, cùng với đó là việc triển khai thực hiện, đưa thể chế vào cuộc sống, cần phải có đội ngũ thực sự vì dân, vì DN. 
“Sự khác biệt giữa những người xây dựng và thực thi chính sách có sự khác biệt. Làm thế nào thu hẹp khoảng cách? Cần phải nâng cao nhận thức về KTTT, định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời nâng cao nhận thức tư duy KTTT. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, tạo luật chơi, sân chơi, thể chế và tạo điều kiện để KTTT phát triển thuận lợi, ngăn ngừa sự méo mó của thị trường…”- TS Hùng phát biểu.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW cho biết, ông cảm nhận rằng Nhà nước cũng chưa thật theo cơ chế thị trường, đôi khi can thiệp theo hướng phản thị trường mà chương trình bình ổn giá là một ví dụ. TS Cung cho rằng, cần phải thiết lập một thể chế thị trường để thị trường vận hành, sau đó mới tính đến việc can thiệp của Nhà nước vào những chỗ nào. Theo ông, có 2 yếu tố vi mô mà thể chế KTTT cần đặc biệt quan tâm là sở hữu và cạnh tranh công bằng, bình đẳng. 
“Chúng ta đã cởi mở trong việc gia nhập thị trường. Song việc bảo đảm cho thị trường vận hành và cạnh tranh công bằng chưa được hoàn thiện. Có những tài sản chúng ta vẫn giữ vai trò Nhà nước là chủ đạo mà chưa dứt khoát trong việc chuyển đổi sở hữu. Gọi là thị trường, song lại nằm ở vai trò của Nhà nước. Đây là việc Nhà nước cần làm…”- TS Cung phát biểu.
Mặc dù thuận lợi là cảm nhận của người dân và hướng đi của Chính phủ cùng một hướng, song TS Vũ Tiến Lộc cũng tỏ ra sốt ruột khi thách thức là phải bắt kịp và vượt lên với các nước trong khu vực. Chủ tịch VCCI cho rằng cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa, cải cách phải từ trên xuống, nâng cao năng lực Chính phủ, cải cách thủ tục hành chính ở sân chơi cao hơn, sân chơi toàn cầu… 

Đọc thêm