VPBank khổ sở vì... vàng?

(PLO) - Kinh doanh ngoại hối và vàng đã khiến VPBank thua lỗ đến 398 tỷ đồng chỉ trong 3,5 năm qua.
VPBank đang khổ sở vì... vàng!?
VPBank đang khổ sở vì... vàng!?
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2015 mới được Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố,  trong 6 tháng đầu năm 2015, VPBank đã báo lãi 1.172 tỷ đồng trước thuế (938 tỷ đồng sau thuế), tăng mạnh 60% so với cùng kỳ 2014 và đạt 47% kế hoạch năm.
Trong đó, quý II/2015, thu nhập lãi thuần của VPBank đạt 2.392 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần đạt 4.461 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2014.
Về các hoạt động kinh doanh, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 157 tỷ đồng, tăng 19,8% và lãi từ hoạt động khác bất ngờ đạt 248 tỷ đồng, gấp 13 lần so với kết quả quý II/2014.
Đó đều là những số liệu tích cực, tuy nhiên, vẫn có không ít mảng tối màu trong kết quả hoạt động kinh doanh của VPBank 6 tháng đầu năm.
“Bạc” như... vàng!
Quý II/2015, VPBank tiếp tục lỗ đậm 32 tỷ đồng vì kinh doanh ngoại hối và vàng, nâng tổng lỗ lũy kế trong 6 tháng đầu năm lên mức 170 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ 2014.
Trước đó, 3 năm liên tiếp từ 2012 đến 2014, VPBank cũng âm khủng vì hoạt động này (Năm 2012: -117.164 triệu đồng; Năm 2013: -20.813 triệu đồng; Năm 2014: -89.905 triệu đồng).
Tính chung, chỉ trong 3,5 năm qua, kinh doanh ngoại hối và vàng đã khiến VPBank lỗ đến 398 tỷ đồng.
Kinh doanh ngoại hối và vàng nhưng khả năng “thủ phạm chính” gây ra thiệt hại cho VPBank phần nhiều sẽ đến từ vàng. Bởi lẽ, hoạt động kinh doanh ngoại hối (kể cả nghiệp vụ arbitrage) rất ít khi lỗ và diễn biến giá USD trên thị trường suốt những năm qua cũng chỉ có xu hướng đi lên chứ không hề giảm, trong khi VPBank lại luôn là một trong những ngân hàng yết giá mua vào – bán ra chênh lệch nhất.
Còn vàng, lĩnh vực kinh doanh này vốn từng là “miếng bánh” béo bở cho các NHTM những năm trước 2012. Tuy nhiên, sau khi NHNN siết chặt kinh doanh vàng, buộc các nhà băng phải đóng ngay tài khoản vàng ở nước ngoài, ngừng huy động - cho vay vàng, chấm dứt hoàn toàn trạng thái vàng thì “gió” đã lại nhanh chóng đổi chiều, đặc biệt là trong bối cảnh mất giá thê thảm của vàng (tính từ cuối năm 2011 đến tháng 6/2015, giá vàng thế giới đã giảm gần một nửa).
“Cơn bão vàng” đã để lại những hậu quả nặng nề và đến thời điểm này, vẫn chưa có ngân hàng nào lên tiếng công bố đã hoàn thành được việc đóng trạng thái dư nợ vàng. Cập nhât đến cuối tháng 5/2015, dư nợ cho vay bằng vàng của các ngân hàng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh vẫn là hơn 36.575 lượng, theo số liệu được NHNN Chi nhánh Tp. HCM công bố.
Đáng chú ý, kết quả thua lỗ đặc biệt lớn của VPBank trong kinh doanh ngoại hối và vàng nửa đầu năm 2015 cũng trùng khớp với giai đoạn giảm “shock” của vàng trong 6 tháng đầu năm.
“Thâm” nghìn tỷ lợi nhuận mỗi năm vì nợ xấu
Cũng theo thông tin trong BCTC, tính đến ngày 30/6/2015, VPBank đang có tổng cộng 7.082 tỷ đồng nợ quá hạn (nợ nhóm 2 đến nhóm 5), chiếm 7,4% tổng dư nợ và tăng 71% so với đầu năm. Trong khi, tổng nợ xấu là 2.661 tỷ đồng, chiếm 2,76% tổng dư nợ, tăng 34% so với đầu năm.
Đáng chú ý, nhóm nợ “xấu nhất” - nợ có khả năng mất vốn đã vọt gấp đôi lên mức 1.076 tỷ đồng chỉ sau 6 tháng.
Nhưng liệu rằng con số nợ xấu của VPBank thực sự đã dừng ở đó?
Nên nhớ, tại ngày 30/6/2015, VPBank vẫn còn tới 4.842 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Và theo nhiều chuyên gia kinh tế, về mặt bản chất, loại trái phiếu đặc biệt này chỉ có tác dụng làm sạch bảng cân đối kế toán trên sổ sách khi “thay tên đổi họ” và tạm thời “chuyển khẩu” nợ xấu sang VAMC. Còn thực chất nợ xấu vẫn tồn tại hiện hữu bên trong ngân hàng và định kỳ, ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng để xử lý cho khoản nợ này.
Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 53, Nghị định 34 và Thông tư 19, hàng năm, trong thời gian 5 ngày làm việc liền kề trước ngày tương ứng với ngày trái phiếu đặc biệt đến hạn, TCTD sẽ phải trích lập số tiền dự phòng cụ thể tối thiểu tương ứng 20% mệnh giá của từng trái phiếu đặc biệt.
Như vậy, với việc đang nắm giữ gần 5.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, tính nhanh mỗi năm, VPBank sẽ phải “ngắt” tới cả nghìn tỷ đồng lợi nhuận để trích lập dự phòng. Đó là chưa kể tới mức trích lập dự phòng chung và cụ thể cho các nhóm nợ khác.
Phản hồi về những nội dung nêu trên, đại diện VPBank cho rằng: Căn cứ trên số liệu báo cáo tài chính của VPBank, không có nội dung nào đề cập đến lãi lỗ từ hoạt động kinh doanh vàng mà chỉ có số liệu tổng về lãi lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, trong đó bao gồm cả vàng và ngoại tệ.Tính riêng hoạt động kinh doanh vàng từ năm 2012 lũy kế đến 30/6/2015, VPBank chỉ lỗ khoảng 57 tỷ. Riêng 6 tháng 2015 đang lãi 8,9 tỷ đồng.Phần còn lại là lãi/lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ.

Về huy động và cho vay vàng, theo quy định của NHNN, từ tháng 5/2012, VPBank đã không còn hoạt động huy động vàng. Về hoạt động cho vay vàng, VPBank chưa từng triển khai dịch vụ này.

Lãi/lỗ từ hoạt động kinh doanh vàng là chủ yếu do chênh lệch giá mua/bán vàng và do chênh lệch tỷ giá vàng, không phải do hoạt động huy động và cho vay vàng tác động đến.

Đọc thêm