Kỳ án dân bảo lối đi, chính quyền phán “con suối”

(PLO) - Sau hơn một năm bận rộn, quay trở lại rẫy xoan của mình, ông Tô Đức hiển ngỡ ngàng khi lối đi chung đã bị chiếm dụng hoàn toàn. Đề nghị lên chính quyền, ông nhận được câu trả lời đầy bất ngờ: Đất nhà ông không có lối đi.
Ông Hiển muốn đi vào rẫy, phải “xin phép” các hộ lấn chiếm.
Cả gia đình bận rộn với nghề buôn bán thịt heo ở chợ, ông Tô Đức Hiển (SN 1955, ngụ ấp Trường An, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) ít khi có thời gian lui tới thăm nom rẫy xoan rộng hơn 6000m2. Bẵng đi gần một năm, ông Hiển chạy xe ra xem tình hình đất đai, cây cối mới phát hiện con đường liên ấp đi ngang qua chân rẫy bị ba hộ dân có vườn gần đó lấn chiếm để canh tác. 
Viết đơn tường trình lên các cơ quan có thẩm quyền, ông đều nhận được phản hồi yêu cầu UBND xã đứng ra giải quyết để trả lại lối đi chung. “Phán quyết” bất ngờ nảy ra từ đây.
Khởi nguồn sự việc bắt đầu từ vào đầu năm 2008, ông Hiển chạy xe ra khu rẫy cách nhà chừng 1km thăm nom hàng trăm cây xoan đào đang độ phát triển. Vừa ra tới nơi, ông phát hiện con đường đất đỏ bề ngang rộng 8m, có trước ngày giải phóng chạy xuyên qua chân rẫy nhà mình và rẫy của bốn hộ hàng xóm bị rào chắn chiếm dụng làm đất canh tác. 
Người chiếm dụng không ai khác lại là ba hộ dân trong số nêu trên. Việc làm này dẫn tới ông Hiển không có đường đi vào rẫy và những người dân khác nếu muốn đi qua con đường này phải xin ý kiến của ba người lấn chiếm. Thấy quá vô lý, ông Hiển đã đến nhà của ba người này nói chuyện phải trái hy vọng họ nghĩ lại mà trả lại con đường đi.
Nào ngờ, ba người này trở mặt và đuổi ông Hiển ra khỏi nhà. Chưa hết, lúc gặp ông Chiến ở con đường bị chiếm dụng, một người đàn ông còn buông lời chửi bới ông Hiển dẫn đến hai bên xảy ra xô xát. Quá búc xúc, ông Hiển làm đơn khiếu nại ra UBND xã Thanh Bình nhờ can thiệp. 
Ngay lập tức, ông Hiển nhận được văn bản của Phó Chủ tịch xã và cán bộ địa chính trả lời rằng trên phần đất nhà ông không có đường đi qua. Trong khi đó, trích lục bản đồ địa chính huyện Trảng Bom, sổ đổ của gia đình ông Hiển và kết quả đo đạc đất đai mới đây nhất đều ghi rất rõ có đường. 
Ông Hiển gửi đơn tới UBND huyện Trảng Bom và UBND tỉnh Đồng Nai để được giải quyết, hai cơ quan này đã có văn bản chuyển về UBND xã Thanh Bình yêu cầu giải quyết. Xã cũng cho mời ông Hiển ra làm việc nhưng trong văn bản ngày 11/6/2012, phó chủ tịch xã trả lời rằng “con đường giáp ranh phần đất của ông Hiển qua xác minh trước đây là con suối nhỏ, về mùa mưa có nước chảy, mùa nắng thành lối mòn”.
Cũng theo xã, trong văn bản còn ghi lúc thành lập Bản đồ địa chính bằng không ảnh (máy bay chụp từ trên cao xuống), vào mùa khô không có dòng nước chảy nên con suối trở thành lối mòn giống như đường đi và được ghi nhận trên Bản đồ địa chính là đường đất. Về con đường mà ông Hiển đang khiếu nại là do các chủ sử dụng đất cũ tự hiến đất mở đường làm lối đi chung, không có trên Bản đồ địa chính và không có sự đóng góp của ông Hiển, vì vậy ông Hiển không có quyền lợi liên quan đến đoạn đường. 
Không đồng ý với văn bản trả lời của UBND xã, ông Hiển bắt buộc phải nhờ đến các lão nông tri điền sinh sống  tại ấp Trường An và địa phận giáp ranh hàng chục năm trước đây đứng ra làm chứng. Tất cả họ đều xác nhận chung một ý kiến con “đường đi ngang qua rẫy nhà ông Hiển có từ thời Pháp thuộc, là đường lô cao su để xe máy cày kéo mủ về nhà máy”. 
Bằng chứng là thế, nhưng UBND xã Thanh Bình vẫn khăng khăng khẳng định rẫy nhà ông Hiển không có bất kì con đường nào. Ông Hiển đưa đơn ra tòa án huyện và nhận được phản hồi: “Tòa không thụ lý đơn, trách nhiệm này thuộc về UBND xã, phường (diện tích chung đường công cộng); khi nào tranh chấp về diện tích riêng Tòa mới can thiệp giải quyết”. 
Ngày 25/3, ông Hiển lại được mời ra chính quyền địa phương làm việc, được trả lời: “Theo hiện trạng, con đường thể hiện trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cấp cho ông Hiển hiện vẫn còn. Tuy nhiên, theo ý kiến của các hộ dân trong khu vực đây là con suối không phải đường đi. 
Con đường mà ông Hiển khiếu nại nằm giữa hai bên đất của ba hộ dân khác đã được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ nay trở đi, ông Hiển chấm dứt việc tố cáo, khiếu nại khi không có bằng chứng chứng minh”. 
Không được chính quyền địa phương giải quyết thỏa đáng, ông Hiển nói: “Dù đã đi đến nhiều cơ quan gõ cửa đòi lại lối đi chung nhưng kết quả vẫn chưa đến đâu. Dẫu vậy tôi vẫn trông chờ vào sự công bằng của pháp luật. Đồng thời tôi cũng hy vọng các hộ đã lấn chiếm đất công làm của riêng sẽ hồi tâm chuyển ý trả lại hiện trạng để không mất tình làng nghĩa xóm”./.

Đọc thêm