Chậm như…rùa
Trong cuốn sách Le Tonkin En 1900 (Bắc Kỳ năm 1900) của R.Ruboi (Paris, 1900) có chụp vài ảnh về nông dân Bắc Bộ vận chuyển hàng bằng xe đẩy một bánh. Người ta đặt một mặt sàn tre gỗ vào hai càng, nên có thể chất nhiều hàng, thậm chí là hai bồ đựng lớn. Dưới càng gần người đẩy có hai chân chống, khi nghỉ, dựng xe tại chỗ, xe vẫn đứng được.
Chiếc xe bánh đẩy này cũng được vẽ lại trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam, của Henri Oger.
Bác sĩ Hocquard khi có mặt ở Hà Nội khoảng năm 1884 – 1885 đã rất ngạc nhiên trước loại xe có phần “cổ lỗ” của người Việt được gọi là: Xe cút kít (còn gọi xe rùa – không biết có phải vì xe chỉ có tác dụng đỡ việc vận tải chứ tốc độ chậm chạp nên bị gọi như vậy không?). Loại xe này có thể nói là phổ biến nhất trên đường phố lúc bấy giờ. Nó chuyên chở tất cả các mặt hàng từ lợn, chó cho đến các loại vật dụng…
Ông Tây kể: Các quán ăn nhỏ và hàng nước chè đầy cu li và dân thường đến ăn sáng. “Bên cạnh chúng tôi những dòng xe cút kít qua lại, cái bánh gỗ đặc của chúng kêu to kinh khủng”.
|
Xe này đáng được mô tả. Chúng hoàn toàn bằng gỗ. Các bộ phận được gắn kết với nhau bằng những chốt gỗ. Nó cũng có hai chân để đậu trên mặt đất như xe cút kít của ta (ở Pháp), nhưng khác hẳn về cách phân phối trọng tải.
Đó là bố trí để trọng tải tác động ít nhất đến càng điều khiển: bánh xe không đặt ở phía trước như xe cút kít châu Âu mà ở bên dưới trọng tải. Trong điều kiện ấy và do bánh xe cao nên mặt sàn xe chứa trọng tải tương đối cao hơn giá đỡ. Vì vậy, khi xe có tải phải quen mới giữ được thăng bằng và điều khiển được.
Điều khiển chiếc xe một bánh chẳng khác gì “làm xiếc” nên Hocquard ghi nhận: Binh lính trong quân đội Pháp phải cố gắng hết sức mà vẫn làm xe đổ luôn còn người An Nam quen giữ thăng bằng khi gánh gồng thì sử dụng xe cút kít của họ thoải mái.
Loại xe có tuổi…hàng nghìn năm
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã đưa ra nhận xét: Trước thế kỷ 20, phương tiện vận chuyển hàng hóa của người Việt rất thô sơ, thuộc loại lạc hậu nhất thế giới bấy giờ.
Vận chuyển trên bộ, ngoài xe trâu, xe bò và xe ngựa thực ra cũng không quá phổ biến, vì trâu bò cũng rất đắt, giá công vận chuyển lại không cao, nên gánh gồng và đội hàng theo người lại đặc trưng cho lối sinh sống và buôn bán lẻ.
Chính vì thế phương tiện thông dụng nhất trong làng xã và các thị xã lúc bấy giờ chính là xe đẩy tay, một bánh. Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng xác nhận, căn cứ vào những bức ảnh chụp sớm từ cuối thế kỷ 19 cho đến muộn hơn gần giữa thế kỷ 20 thì thấy ở nước ta, đặc biệt là ở Bắc Kỳ, cả nông thôn lẫn đô thị rất phổ biến một loại xe một bánh được gọi là "xe rùa".
Chúng rất thô sơ, gồm hai càng dài, gắn với một bánh xe làm từ một khoanh tròn của cây gỗ phía đầu. Hai càng dài mở rộng về phía sau cho một người cầm hai tay và đẩy bánh đi về phía trước. Hàng hóa được chất lên hai càng xe đó.
|
Cấu tạo đơn giản của xe đẩy tay chỉ là như vậy, và trong quá trình vận chuyển hàng với con người nó cũng được cải tiến vài lần. Cũng như xe ngựa, bánh đặc bằng một phiến gỗ tròn khá nặng, độ ma sát lớn, nên tốc độ không cao, người ta cải tiến sang bánh rỗng gồm một vành tròn có trục trung tâm nối với nhau bằng các nan hoa. Xe đẩy tay cũng được cải tiến bằng bánh nan hoa, tuy vậy trong làng xã Việt Nam cổ, ngay cả việc làm bánh xe nan hoa cũng khó khăn, và người nông dân cũng không muốn cải tiến gì cả nên cứ dùng bánh gỗ đặc cho đến tận đầu thế kỷ 20.
Khi công nghệ sắt thép phát triển, xe bánh đẩy làm bằng sắt cũng được dùng phổ biến trong các công trường. Hai càng được gắn một bầu đựng, đầu càng có một bánh xe sắt, có nan hoa và trục bôi trơn. Tuy vậy cái xe này cũng kêu cút kít mỗi khi lăn bánh, nên được gọi chính bằng cái tên cút kít.
Theo Phan Cẩm Thượng thì đây là loại xe tối cổ ở phương Đông có lẽ đến hơn hai ngàn năm tuổi. Wikipedia cũng như nhiều tài liệu tra cứu đều đồng nhất loại phương tiện một bánh xe xuất hiện cả ở các nền văn minh Trung cổ ở châu Âu lẫn ở Trung Hoa… Tam quốc chí thì cho rằng chính Gia Cát Lượng là người đã sáng chế ra loại xe này và dùng nó để vận chuyển quân lương trong khi chống quân Tào Ngụy.
|
Lý do ở nước ta không có phương tiện giao thông “cơ giới” lớn được nhà sử học Dương Trung Quốc lý giải, xưa con người đi lại chủ yếu là trên sông nước, bằng thuyền bè. Đường sá luôn bị đứt đoạn bởi các dòng nước chặn ngang (sông, suối, đầm, hồ…), khắp nơi là ruộng nước, đầm lầy lại nhiều nên hầu như (ở miền Bắc và Trung) nước ta không có loại xe có bánh xếp ngang như xe ngựa mà sau này người Pháp nhập vào xứ ta, hay xe bò, xe trâu từ trong Nam hay từ phương Bắc truyền tới, cùng hệ thống đường bộ được người Pháp quan tâm đầu tư vươn tỏa khắp xứ.
“Xem ảnh xưa, ngay cả đường "thiên lý", "cái quan" trước khi Tây sang vẫn chỉ là những con đường hẹp, mặt đường đất khó đi lại nên ngoài sức gánh vác của con người, sự trợ giúp không nhiều của các loại đại gia súc (lừa, ngựa, trâu hay voi); cái phương tiện duy nhất, phổ biến và phù hợp hơn cả chính là cái xe một bánh mà ta vẫn gọi là xe rùa…”
“Cái bánh xe gỗ đặc là một sản phẩm đặc trưng theo kiểu Việt Nam đó, dù nhân loại đã chuyển sang dùng bánh xe nan hoa ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, thế kỷ 5 - 4 trước Công nguyên. Có lẽ nó giữ nguyên các đặc tính từ hồi người ta nghĩ ra loại xe đó cho đến đầu thế kỷ 20, ngay cả khi cái xe này biến mất trong đời sống nông dân thì hình thù cũng không thay đổi gì, cũng có thể cách vận chuyển bằng một người đẩy không thích hợp nữa”, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhận xét.