Dù ai đi ngược về xuôi…
Quả thực, hiếm có quốc gia nào với đa thành phần tộc người lại có chung một tổ tiên để thờ phụng như người Việt. “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Câu ca ấy đã được lưu truyền qua bao thế hệ, như lời nhắc nhớ mỗi người con đất Việt về nguồn cội. Và có lẽ cũng ít có dân tộc nào trên thế giới mà hai chữ “đồng bào” (bào là [cái] bọc) lại gắn kết sâu đậm với truyền thuyết dựng nước như ở Việt Nam. Bởi ai cũng in trong tâm thức mình câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra bọc trứng, nở thành trăm người con trai. Năm mươi người theo cha xuống biển, năm mươi người theo mẹ lên non. Người con cả lên làm vua, đóng đô ở đất Phong Châu, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang.
Truyền thuyết mang tính huyền thoại và diễm tình ấy như một “sợi chỉ đỏ” nối kết những người con đất Việt dù ở miền xuôi hay miền ngược, dù ở bốn phương trời vẫn nhớ mình có chung một gốc. Để rồi, hàng năm, cứ đến ngày Giỗ Tổ lại hướng về cội nguồn, nô nức cùng nhau hành hương về đất Tổ. ThS.Phạm Thị Thu Huyền (Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn với biểu tượng “cha Rồng - mẹ Tiên” đã có từ rất lâu trong tâm thức của người Việt. Cùng với tiến trình lịch sử dân tộc, tục thờ này ngày càng phát triển với quy mô ngày càng lớn. Nếu điểm bắt đầu của tín ngưỡng là tín ngưỡng thờ thần ở một làng, một xã thì sau này trở thành tín ngưỡng thờ cúng của một dân tộc, của một quốc gia. Hùng Vương từ một vị thần của làng xã đã trở thành thần tổ tiên của cả nước, trở thành biểu tượng của cội nguồn dân tộc, ý thức tự hào về đất nước độc lập từ thời viễn cổ”.
Theo Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời Vua Lê Thánh Tông và đời Vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “… Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi…”.
Tuy nhiên, ngày 10/3 âm lịch chỉ thực sự trở thành Quốc lễ, được công nhận là Quốc lễ thì phải đến năm 1917, dưới triều Vua Khải Định của nhà Nguyễn. Năm đó, từ một bản tấu của Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc trình Bộ Lễ, Vua Khải Định đã chuẩn tấu việc định ngày 10/3 âm lịch hàng năm làm Ngày Quốc Giỗ. Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) đang đặt ở đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh xác nhận.
Biểu tượng sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam
Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách từ giặc nội xâm và giặc ngoại xâm, nhưng Nhà nước Việt Nam mới với chính thể Dân chủ Cộng hòa vẫn đặc biệt quan tâm tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Ngay tại Sắc lệnh số 22c/NV-CC ngày 18/2/1946 do Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh ký, có tiếp ký của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng Ba đã được thống nhất là một trong những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử chính thức trong năm.
Trong những ngày ấy, các công sở trong toàn quốc sẽ đóng cửa và sẽ cử nhân viên để phụ trách công việc thường trực; “những viên chức công nhật tòng sự tại các công sở có quyền được hưởng lương”.
Không khí của ngày Giỗ Tổ năm đầu tiên sau khi giành độc lập (1946) đã được tường thuật trên Báo Cứu quốc. Bài Ngày Giỗ Tổ tại Đền Hùng, PV Báo Cứu quốc cho biết, Ngày Giỗ Tổ năm nay (1946) được tổ chức trong toàn cõi Việt Nam, tỉnh nào cũng làm lễ long trọng và phần nhiều theo một nghi thức mới. Tại Đền Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ, nơi có lăng tẩm của ngài, ngày hội cũng khác mọi năm nhiều.
Cờ đỏ sao vàng, phòng triển lãm tranh ảnh chiến tranh và nạn chống mù chữ, những gian hàng sách và rất nhiều khẩu hiệu: Việt Nam thống nhất, Tổ quốc muôn năm, sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh Hồ Chủ tịch… treo ngang khắp các ngả đường từ chân núi lên đỉnh núi.
Ngày mùng 9 (11/4/1946), Đoàn đại biểu Quốc hội và Chính phủ lên tới nơi. Một lễ mít tinh được tổ chức dưới chân núi với sự tham gia của hàng vạn người. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội lên diễn đàn nói về ý nghĩa của Giỗ Tổ và hô hào Nhân dân đoàn kết, thống nhất. Sáng ngày mùng 10, ngày chính giỗ, lễ rước, lễ quốc tế được cử hành long trọng với sự tham gia của đại diện Chính phủ và Quốc hội.
“Trước bàn thờ Tổ quốc trên đỉnh núi cao, bốn bề cây cối âm u từ đền trung lên đền thượng, cụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Chủ tịch Thường trực Quốc hội và ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ làm bồi tế. Nhưng trong nghi lễ này, ta nhận được cử chỉ rất ý nghĩa là đại biểu Chính phủ và Quốc hội dâng bức bản đồ Việt Nam thống nhất Bắc - Trung - Nam và lá cờ đỏ sao vàng lên ban thờ Tổ quốc làm cho mọi người tràn ngập một ý nghĩ thiêng liêng về đất nước. Và có lẽ ai cũng thề nguyền: Quyết giữ vững non sông, bảo vệ ngọn cờ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã 2 lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây, Bác đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Bác còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.
|
Trưởng đoàn Trần Anh Tú, HLV Kim Sang-sik, thủ quân Duy Mạnh đại diện Đội tuyển Việt Nam đến dâng hương báo công các Vua Hùng. (Ảnh: VFF) |
Sáng 7/1/2024, Trưởng đoàn Trần Anh Tú, HLV Kim Sang-sik và Đội trưởng Duy Mạnh đại diện Đội tuyển Việt Nam, cùng với đại diện lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã mang chức vô địch AFF Cup về đất Tổ, lên đền Thượng dâng hương báo công, tri ân Vua Hùng, sau khi đội tuyển đăng quang ngôi vô địch tại đấu trường khu vực.
Tại điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, các đại biểu cùng HLV Kim Sang-sik và cầu thủ Duy Mạnh đã thành kính dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng đã có công dựng nước; dâng chức vô địch và báo công về những thành tích mà đội tuyển đã đạt được tại AFF Cup 2024. Trong hành trình lên ngôi vô địch, đội tuyển Việt Nam đã thiết lập một loạt kỷ lục mới với điểm nhấn là chiến thắng tuyệt đối trước Thái Lan ở cả 2 trận chung kết lượt đi và lượt về. Trước anh linh các Vua Hùng, các đại biểu, HLV Kim Sang-sik và cầu thủ Duy Mạnh nguyện đoàn kết một lòng, tích cực luyện tập, tiếp tục thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo trong thời gian tới với mục tiêu vượt qua vòng loại cuối của Asian Cup 2027 để có lần thứ 3 liên tiếp góp mặt tại giải đấu danh giá nhất châu Á.
Ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ,” biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Giới thiệu về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên trang web chính thức của UNESCO viết: Hàng năm, hàng triệu người quy tụ về Đền Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh, tỉnh Phú Thọ, để tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sự may mắn và sức khỏe dồi dào. Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội văn hóa tâm linh lớn nhất toàn quốc, diễn ra vào đầu tháng 3 Âm lịch và kéo dài khoảng 1 tuần. Người dân các ngôi làng xung quanh xúng xính trong những bộ trang phục rực rỡ và cùng thi đua với nhau để gây được ấn tượng tốt nhất trong nghi lễ rước kiệu và dâng lễ vật về Đền Hùng trong tiếng trống, chiêng rộn rã. Người dân dâng lễ vật gồm có các món ăn làm từ gạo như: bánh chưng, bánh giầy, đồng thời biểu diễn các tiết mục văn nghệ dân gian, đánh trống đồng, hát Xoan và các nghi lễ hát thờ khác. Hoạt động tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng diễn ra quanh năm tại nhiều nơi trên cả nước. Ban Tổ chức lễ hội có nhiệm vụ gìn giữ và duy trì các nghi lễ; họ cũng là những người thông tuệ, có đạo đức tốt, lần lượt cử ra các ban nghi lễ và những người trông nom các khu thờ tự, hướng dẫn các tín đồ thực hiện các nghi lễ chính và dâng hương. Truyền thống này thể hiện sự gắn kết cộng đồng và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc - một nét bản sắc văn hóa, đạo lý của người Việt Nam.