"Lách" trần lãi suất để "bảo vệ người gửi tiền"

Không chỉ “đi đêm” thoả thuận lãi suất (LS) vượt “trần” 14%, nhiều ngân hàng (NH) bắt đầu tung ra các sản phẩm huy động tiết kiệm với quảng cáo là người gửi tiền luôn được lợi trước các biến động về tỷ giá, LS…

Không chỉ “đi đêm” thoả thuận lãi suất (LS) vượt “trần” 14%, nhiều ngân hàng (NH) bắt đầu tung ra các sản phẩm huy động tiết kiệm với quảng cáo là người gửi tiền luôn được lợi trước các biến động về tỷ giá, LS…

Tiết kiệm VND đảm bảo bằng … USD

Trong bối cảnh trần LS huy động VND bị khống chế 14%, một số NH bị thanh tra Ngân hàng nhà nước (NHNN) “thổi còi” vì “tội” vượt trần thì sở giao dịch một Nh thương mại nhà nước tung ra chương trình gửi tiết kiệm bảo đảm bằng USD. Về bản chất, chương trình này cũng giống chương trình gửi tiết kiệm bản đảm bằng vàng như trước đây các NH vẫn triển khai.

Cụ thể, vào ngày gửi tiền, toàn bộ số tiền tiết kiệm bằng VND của khách hàng sẽ được quy đổi tương đương với số tiền USD theo tỷ giá mua USD chuyển khoản do sở giao dịch NH này công bố vào 8h30 ngày thực hiện gửi tiền.

Vào ngày đáo hạn, khách hàng được nhận lại bằng tiền VND từ số tiền gốc tương đương USD theo tỷ giá mua vào bằng chuyển khoản USD/VND do sở giao dịch NH công bố. Nếu tỷ giá mua vào của ngày đến hạn cao hơn tỷ giá mua vào ngày gửi tiền thì khách hàng được hưởng phần chênh lệch tăng thêm quy đổi VND. Trường hợp tỷ giá mua vào ngày đến hạn bằng hoặc thấp hơn tỷ giá mua vào ngày gửi, khách hàng được hưởng nguyên số tiền gốc VND ban đầu.

Trong khi đó, một NH thương mại cổ phần cũng tung ra sản phẩm “Tiết kiệm thả nổi - chỉ lên không xuống” với quảng cáo đây là sản phẩm với nhiều ưu thế vượt trội mang tính cạnh tranh trên thị trường hiện nay.

Theo đó, khách hàng gửi tiền một lần, rút tiền gốc một lần, đồng thời LS được tự động điều chỉnh sau mỗi tháng theo mức LS áp dụng cho "Tiết kiệm thả nổi" của kỳ hạn tương ứng do NH này công bố tại thời điểm điều chỉnh, nhưng không thấp hơn mức LS tại thời điểm gửi tiền hoặc thời điểm tái tục kỳ hạn gửi của khách.

“Điểm nổi trội của sản phẩm này là LS được điều chỉnh sau mỗi tháng với mức luôn cao hơn hoặc bằng LS tại thời điểm gửi, vì vậy khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm khi gửi tiết kiệm tại NH, yên tâm hưởng lãi kể cả khi thị trường biến động xuống về LS…”, đại diện NH này nói.

Khảo sát của phóng viên cũng cho thấy, ngoài trường hợp nêu trên, một số NH thương mại cổ phần khác cũng rục rịch tung ra sản phẩm huy động “na ná” với lời quảng cáo “bảo vệ người gửi tiền trước mọi biến động tỷ giá”

Lách luật?

“Thực ra nếu gửi số tiền lớn thì khách hàng và NH đã thoả thuận LS, còn với số tiền nhỏ, sự chênh lệch này chẳng đáng là bao. May ra đây chỉ là chiêu thu hút khách hàng hoặc làm yên tâm hơn đối với khách hàng có tiền nhàn rỗi muồn gửi lâu dài…”- một chuyên gia bình luận.

“Dù sao với cùng mức huy động 14%/năm, thôi thì gửi tiền mà được bào đảm thì vẫn hơn. Giá cả thế này, được đồng nào hay đồng nấy…”,  một khách hàng gửi tiền cho biết.

Thực tế, từ nhiều tháng nay, bất chấp chỉ số giá tăng, NH và khách hàng vẫn thoả thuận với mức LS vượt trần với những khoản tiền lớn, nhưng NHNN vẫn “kiên định” trần LS 14%, sự cạnh tranh của các NH vẫn là các chương trình ngoài LS như tặng quà, bốc thăm trúng thưởng và giờ đây là các sản phẩm làm yên lòng khách gửi tiền…

“Trong khi chủ trương của nhà nước là chống đô la hoá, Chính phủ, NHNN đang nỗ lực lập lại trật tự trên thị trường ngoại tệ thì NH lại lấy USD để giữ giá VND?”, một chuyên gia bình luận. Hơn nữa, theo vị chuyên gia pháp luật rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiền tệ này thì việc NH huy động VND bảo đảm bằng USD là một cách lách luật, để vượt qua quy định về trần LS huy động VND tối đa 14%/năm. 

“Nếu tỷ giá bằng hoặc thấp hơn ngày gửi tiền thì không nói làm gì, nhưng khi tỷ giá tăng, đến kỳ đáo hạn ngoài LS 14%/năm, khách hàng còn được hưởng thêm phần “bù đắp” tỷ giá tăng đó, do vậy LS thực nhận sẽ cao hơn 14%/năm. Như vậy không khác nào thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên  lại khó có thể kết luận là vi phạm Thông tư 02/2011/TT-NHNN”, vị chuyên gia này khẳng định. 

Cho tới thời điểm này, NHNN vẫn im lặng trong khi nhiều NH sốt ruột tìm cách giữ chân khách hàng.

Hiểu My

Đọc thêm