Trời đã tạo ra cha như thế
Có câu chuyện cổ tích kể về ông Trời bắt đầu tạo ra người cha đầu tiên trên thế gian, rằng khi làm ngài chuẩn bị sẵn một cái khung thật cao. Một nữ thần đi ngang qua ghé mắt coi và thắc mắc: “Thưa ngài, tại sao người cha lại cao đến như vậy? Nếu ông ta đi chơi bi với trẻ con thì phải quỳ gối, nếu ông ấy muốn hôn những đứa con mình lại phải cúi nguời. Thật bất tiện!”.
Trời trầm ngâm một chút rồi gật gù: “Ngươi nói có lý. Thế nhưng, nếu ta để cho người cha chỉ cao bằng những đứa con thì lũ trẻ sẽ biết lấy ai làm tầm cao mà vươn tới?”.
Thấy Trời nặn đôi bàn tay người cha to và thô ráp, vị nữ thần lại lắc đầu buồn rầu: “Ngài có biết đang làm gì không? Những bàn tay to lớn thường vụng về. Với đôi bàn tay ấy, người cha chật vật lắm mới có thể găm kim băng đóng tã, cài nút áo cho con trai, thắt chiếc nơ hồng cho con gái. Bàn tay ấy không đủ khéo léo để lấy những mảnh dằm nằm sâu trong da thịt mềm mại của trẻ”. Ông Trời mỉm cười đáp: “Nhưng đôi bàn tay to lớn vững chãi đó sẽ dìu dắt bọn trẻ qua mọi sóng gió, cho tới lúc chúng trưởng thành”.
Vị nữ thần đứng bên cạnh nhìn Trời nặn người cha với một đôi vai rộng, lực lưỡng. “Tại sao ngài phí thế?” - nữ thần thắc mắc - “Thế người cha sẽ đặt con ngồi đâu khi phải đưa nó đi xa? Lấy chỗ đâu cho đứa con ngủ gật gối đầu, khi đi xem xiếc về khuya?”. “Quan trọng hơn, đôi vai đó sẽ gánh vác cả gia đình”, ông Trời đáp.
Ông Trời thức trắng đêm để nặn cho xong người cha đầu tiên. Ngài cho tạo vật mới ít nói, nhưng mỗi lời phát ra là một lời quyết đoán. Tuy đôi mắt của người cha nhìn thấu mọi việc trên đời nhưng lại bình tĩnh và bao dung. Cuối cùng khi đã gần như hoàn tất công việc, Trời thêm vào khóe mắt người cha vài giọt nước mắt. Nhưng sau một thoáng tư lự, Ngài lại chùi chúng đi. Thành ra người đời sau không mấy khi thấy được những giọt lệ hiếm hoi của người cha, mà chỉ có thể cảm và đoán được rằng ông ta đang khóc.
Xong việc, ông Trời quay lại nói với nữ thần: “Ngươi thấy đó, người cha cũng đáng yêu như người mẹ mà ta đã dồn bao công sức để tạo ra”.
Chỉ là câu chuyện cổ tích thôi, nhưng cũng đủ để thấy rằng, làm cha có nghĩa là làm thần tượng để con vươn tới, là sự chở che để con nép vào, là bờ vai vững chãi để chèo lái con thuyền gia đình, là người âm thầm che giấu mọi xúc cảm để quyết đoán, bao dung… Làm cha chưa lúc nào là dễ, nếu không muốn nói là khó vô cùng!
Vai trò người cha quan trọng thế nào?
Vai trò của người cha trong gia đình - đó là đề tài muôn thuở của các nhà nghiên cứu xã hội học về gia đình. Quan điểm trước thời kỳ công nghiệp hóa về vai trò làm cha thường tập trung khá hẹp vào sự hỗ trợ về kinh tế.
Từ cuối thế kỷ XX, thế giới bắt đầu thay đổi sâu sắc từ xã hội, kinh tế cho tới kỹ thuật công nghệ kéo theo đó là những chuyển đổi căn bản về cấu trúc và chức năng của gia đình. Vai trò của người cha, người mẹ đối với con cái trong bối cảnh mới là chủ đề được nhiều học giả chú ý và đặc biệt ngày càng nhiều nghiên cứu nhấn mạnh vai trò của người cha trong gia đình.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thơm - Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thì các nghiên cứu cho thấy sự đa dạng của vai trò người cha đối với những người con nói riêng và gia đình nói chung tùy thuộc vào góc độ phân tích và đối tượng liên quan. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nào, thời điểm nào, người cha cũng có vai trò rất quan trọng đối với người con và điều này được thể hiện qua hai khía cạnh chủ yếu: Khía cạnh vai trò về kinh tế; Khía cạnh vai trò chăm sóc - giáo dục.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thơm, khi nhận xét về gia đình Việt, học giả Nguyễn Từ Chi thấy rằng, quyền lực trong gia đình Việt Nam nằm trong tay người đàn ông. Về mặt kinh tế, đất đai, ruộng vườn, tài sản đều do người cha nắm giữ và “chỉ truyền lại cho con trai trong nhà”. Việc giáo dục con hay cưới gả con, mặc dù người cha có bàn bạc với người mẹ, nhưng quyết định cuối cùng vẫn do người cha.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, người cha, người mẹ đảm nhiệm những vai trò độc lập khác nhau nhưng người cha vẫn đảm nhiệm vai trò chính là người cung cấp “nguồn sống” cho gia đình. Trong nhãn quan của người vợ, người chồng cũng được kỳ vọng vào “vai trò trụ cột kinh tế hơn là kỳ vọng vào tình yêu và sinh hoạt tình dục của vợ chồng”.
Không chỉ đóng vai trò về kinh tế, vai trò của người cha ngày càng được nhìn nhận và xem xét mở rộng hơn, đó là vai trò của người chăm sóc và giáo dục. Từ nửa sau thế kỷ XIX, xã hội Việt Nam đã có những thay đổi sâu sắc kéo theo sự biến đổi vai trò của người cha trong gia đình, người cha đã tham gia nhiều hơn vào việc chăm sóc, giáo dục con.
Sự khác biệt lớn giữa vai trò làm cha với vai trò làm mẹ ở chỗ người mẹ “mang tính sinh học” còn với người cha thì sự gắn bó với con là “do học hỏi xã hội mà có”. Việc thực thi vai trò người cha “không trực tiếp mà thông qua trung gian là người mẹ”, mối quan hệ của người cha với con cũng phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ của người mẹ với con cái.
Tuy nhiên, dù đảm nhiệm vai trò nào thì người cha, người mẹ đều có ảnh hưởng đến con cái và đảm nhiệm vai trò làm cha, làm mẹ không phải là cái gì bất biến, nó có thể bị hoán đổi trong các gia đình…
Trả lời câu hỏi: “Vai trò người cha quan trọng thế nào?”, từ góc độ của mình, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, có những thứ chỉ có người cha mới cho con trẻ được. Theo ông Hòa, nhìn lại lịch sử giáo dục hàng nghìn năm của nhân loại, nhiều hệ thống giáo dục khác nhau đã ra đời nhưng có một điều giống nhau là vai trò giáo dục chủ yếu luôn là đàn ông.
Câu tục ngữ: “Con có cha như nhà có nóc” đã thừa nhận điều đó. Thống kê của ngành Giáo dục cũng cho thấy, hầu hết học sinh giỏi từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia thường có sự kèm cặp của người cha hoặc một người đàn ông nào đó như ông, chú, bác hay anh ngay từ lúc còn thơ bé.
Giải thích hiện tượng này, nhà giáo dục học nổi tiếng người Nga V. Vladislavski cho rằng: “Về bản chất, phụ nữ khó có thể đạt hiệu quả cao trong việc dạy con, bởi vì phụ nữ dễ xúc động, quá nhạy cảm và do quá yêu con nên thiếu nhất quán. Họ dễ mềm lòng trước sự nài nỉ của con”.
Những đặc điểm ấy không làm hình ảnh người mẹ xấu vì người mẹ cần phải như thế. Người mẹ thai nghén, người mẹ nuôi dưỡng, người mẹ yêu thương, che chở con nhưng người mẹ gặp nhiều khó khăn trong việc dạy con.
Thống kê của ngành Tòa án cho thấy, trong số trẻ em hư có một tỷ lệ khá lớn là những trẻ lớn lên trong những gia đình không đầy đủ, chỉ có mẹ mà không có bố. Trái lại, những gia đình đầy đủ nhưng người chồng đẩy hết việc dạy con cho vợ, chỉ lo kiếm tiền đáp ứng mọi nhu cầu vật chất của con thì con hư cũng là điều dễ hiểu.
Vai trò giáo dục của người cha đặc biệt quan trọng với đứa trẻ là con trai. Bản thân hình ảnh người cha đã cho nó biết thế nào là đàn ông, đàn ông phải làm gì, phải giúp đỡ phụ nữ như thế nào. Nếu ông bố tự hạ thấp vai trò đàn ông của mình, để hàng ngày con cái phải chứng kiến cảnh bố “đình công” nằm ườn trên giường. Đứa con trai sẽ bị mất tấm gương để noi theo và càng tệ hại hơn khi nó tự đi tìm hình mẫu đàn ông ở ngoài đường.
Tuy nhiên, không phải người cha nào cũng nhận rõ vai trò làm cha của mình…