Lấp hồ để làm vườn
Trong dịp lễ 30/4 và 1/5, tháp tùng anh em từ TP HCM lên Đà Lạt nghỉ dưỡng, chúng tôi trở lại thăm hồ Đan Kia - Suối Vàng và Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà. Đến khu vực Phước Thành (phường 7) và thị trấn Lạc Dương (giáp ranh TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương), chúng tôi không tin vào mắt mình vì nhiều nơi bị người dân dùng xe cơ giới khoét núi, san ủi lấp hồ Đan Kia- Suối Vàng để làm vườn, màu đất hãy còn đỏ tươi.
Các hàng quán tạm bợ, mọc lên tự phát quanh hồ nhằm phục vụ khách du lịch ăn uống. Rác thải, bao ni lông, hộp xốp, vỏ chai nhựa, rác thải nông nghiệp vương vãi khắp nơi và cứ thế bồng bềnh trôi xuống hồ khi có mưa. Đó là chưa kể tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng dưới chân VQG Bidoup - Núi Bà để làm rẫy trồng cà phê.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hồ ĐanKia - Suối Vàng có trữ lượng khoảng 20 triệu m3 là nguồn cung cấp nước cho 2 nhà máy sản xuất nước sinh hoạt cho cư dân TP Đà Lạt là Nhà máy nước ĐanKia - Suối Vàng, thuộc Cty Cấp thoát nước Lâm Đồng và Nhà máy Đan Kia 2, thuộc Cty CP Xuất nhập khẩu Đầu tư Tổng hợp và Hợp tác quốc tế (GELEXIM).
Về rác thải ở hồ Đan Kia - Suối Vàng, UBND huyện Lạc Dương cho hay trước đó cũng đã chỉ đạo lực lượng chức năng thu gom, xử lý toàn bộ bãi rác thải tự phát thuộc lâm phần của VQG Bidoup - Núi Bà quản lý và rác thải ở khu vực thượng nguồn hồ ĐanKia - Suối Vàng, nhưng rồi “đâu lại hoàn đó”. Sắp tới cơ quan chức năng sẽ làm rõ và xử lý nghiêm các trường hợp hàng quán vi phạm và cho dọn sạch các bãi rác trước khi mùa mưa đến.
Lòng hồ Đan Kia Suối vàng bị lấn chiếm |
Cho phép san ủi đất trái pháp luật
Theo người dân địa phương, từ năm 2015 một số người sử dụng xe cơ giới san ủi, đào khoét núi dọc theo nhánh suối này, nhiều người còn được chính quyền địa phương cấp phép cho san ủi, cải tạo vườn.
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Phạm Triều thừa nhận, UBND huyện Lạc Dương có cấp phép cho 29 trường hợp san ủi, trong đó tại thị trấn Lạc Dương có 10 trường hợp san ủi để cải tạo vườn, trong quá trình san ủi có “tận dụng” đất dư thừa để nâng mặt vườn cho một số người có nhu cầu.
Vừa qua, các cơ quan chức năng đã đến kiểm tra hiện trường và phát hiện có 4 khu vực san ủi đất gây tác động tới hồ ĐanKia - Suối Vàng với tổng diện tích bị tác động trên 32.000m2. Ngoài việc bị người dân lấn chiếm lấy đất lập vườn, hồ ĐanKia - Suối Vàng còn bị uy hiếp bởi nguy cơ bồi lắng do việc san ủi đất và ô nhiễm do các nguồn rác thải trong sản xuất nông nghiệp, rác thải sinh hoạt phía đầu nguồn.
Giám đốc Cty Cấp thoát nước Lâm Đồng Võ Quang Tuân xác nhận: “Có hiện tượng ô nhiễm do người dân san lấp làm lòng hồ bồi lắng và rác thải, khiến nguồn nước tăng độ đục. Qua quan trắc, tuy mức độ ảnh hưởng vẫn trong ngưỡng cho phép nhưng phải tiến hành xử lý”.
Theo ông Tuân, thực tế lượng nước của hồ đã giảm hàng triệu mét khối so với trước đây, do ảnh hưởng của tình trạng san lấp, khai phá đất đai của người dân. Ông Tuân cho rằng rác hữu cơ không đáng ngại, mà lo lắng nhất là dư lượng của thuốc bảo vệ thực vật do canh tác nông nghiệp gần lòng hồ sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước của hồ Đan Kia - Suối Vàng dùng để cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân Đà Lạt.
Sau khi được báo chí phản ánh, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã trực tiếp thị sát hiện trường và tổ chức cuộc họp đột xuất để tìm giải pháp khắc phục, bảo vệ công trình hồ Đan Kia - Suối Vàng. Tại cuộc họp này, các đơn vị liên quan đã bộc lộ rõ sự nhập nhằng, bất cập trong công tác quản lý.
Về phía UBND huyện Lạc Dương chỉ nhận phần trách nhiệm để xảy ra việc người dân địa phương san ủi, lấn chiếm lòng hồ. VQG Bidoup - Núi Bà thì cho rằng đơn vị được giao quản lý 3.695,595 ha đất lâm nghiệp và 295,68ha đất lòng hồ Đan Kia - Suối Vàng, nhưng không chịu trách nhiệm về việc san lấp trên không nằm trong lòng hồ.
Các đơn vị khai thác, sử dụng nguồn nước là Cty Cấp thoát nước Lâm Đồng, Cty CP Cấp nước Sài Gòn - Đan Kia và Nhà máy Thủy điện Ankoret chỉ nhận khai thác nguồn nước, không có chức năng quản lý, với bãi rác thải nằm ở đầu nguồn thì các Cty không chịu trách nhiệm vì cho rằng thuộc quản lý của VQG Bidoup - Núi Bà.
Đứng trước thực trạng nói trên, trao đổi với phóng viên, UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay vừa ban hành Văn bản số 2244/UBND-ĐC yêu cầu UBND huyện Lạc Dương phải kiểm tra, đôn đốc, khắc phục hậu quả của việc san ủi đất, khẩn trương hoàn trả nguyên trạng đối với khối lượng đất đã san gạt xuống lòng hồ; tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân liên quan do không làm tròn trách nhiệm để xảy ra tình trạng san ủi, đổ đất lấp, lấn chiếm hồ Đan Kia - Suối Vàng; thu hồi các văn bản, quyết định cho phép san ủi đất đã ban hành không đúng quy định; thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về các trường hợp lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu 26, 27; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai trên địa bàn, không để xảy ra các trường hợp tương tự.
Đối với VQG Bidoup -Núi Bà cần bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình và phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện Lạc Dương, Đam Rông và các cơ quan liên quan tập trung giải quyết dứt điểm vụ vi phạm phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại tiểu khu 26, 27. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện Lạc Dương khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh về cơ chế quản lý hồ Đan Kia - Suối Vàng.
Tuy nhiên, theo nhiều người thì việc hoàn nguyên đối với tình trạng san lấp hồ Đan Kia – Suối Vàng hiện nay khó mà thực hiện được; việc cho phép sản xuất nông nghiệp và làm hàng quán tạm bợ tại khu vực hồ Đan Kia - Suối Vàng không những gây ô nhiễm môi trường mà còn đe dọa nghiêm trọng về nguồn nước sinh hoạt của cư dân Đà Lạt.
Báo PLVN sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin về vụ việc này