Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ nữ sinh tự tử mà nguyên cớ lại quá đơn giản đến mức vô lý. Nhiều người bàn tán, suy đoán về những ẩn tình sâu xa nào đó, thậm chí có người vận đến cả những yếu tố tâm linh. Có sự trùng hợp mà một ngày có đến hai học sinh lớp 11 lại cùng tự tử.
Một ngày hai vụ tự tử
Mới đây, chiều 27/4, nhận tin báo L.T.L, học sinh lớp 11A9 (SN 1997, trú xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) bỏ học, phụ huynh đi tìm thì phát hiện nữ sinh này nằm bất động dưới sàn phòng ngủ, xung quanh nồng nặc mùi thuốc trừ sâu. L. được chuyển đến bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Sơn cấp cứu, tuy nhiên, sáng 28/4, nữ sinh này tử vong.
Cùng ngày, người nhà cũng đưa thi thể nữ sinh Nguyễn Thị T.T. (lớp 11, trú huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) về lo hậu sự. Trước đó, vào khuya 25/4, nữ sinh T. đi từ Hòa Vang đến giữa cầu Trần Thị Lý (TP.Đà Nẵng), để lại xe đạp và bức thư tuyệt mệnh rồi trèo qua lan can cầu, nhảy xuống sông Hàn quyên sinh. Gia đình đã phối hợp với chính quyền cùng ngư dân địa phương tổ chức tìm kiếm nhưng không thấy T. Đến trưa 28/4, một người dân đánh cá trên sông Hàn phát hiện thi thể nữ sinh xấu số dưới gầm cầu Trần Thị Lý liền đưa vào bờ.
Một vụ việc đau lòng khác xảy ra trước đó một tháng, vào chiều 28/3, cháu Phạm Văn Hùng (8 tuổi), em trai của P.T.H. (SN 1997, trú tại phường Nam Sơn, quận Kiến An, TP. Hải Phòng), đi học về thì thấy chị mình nằm trên giường, chăn đắp kín người. Hùng phát hiện có nhiều vết máu loang khắp nhà, hỏi thì Hằng thều thào: “Em ơi, chị chết mất, em và bố mẹ ở lại sống vui vẻ nhé!”, sau đó ngất lịm đi.
Hùng vừa khóc vừa chạy bộ hơn một cây số đến chợ Kha Lâm để tìm bố báo tin. Ông Phạm Văn Cương (43 tuổi) tức tốc về, thấy trong nhà nồng nặc mùi thuốc diệt cỏ... Hằng được đưa tới viện cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng kết hợp với nhiễm độc từ thuốc diệt cỏ nên tử vong sáng 29/3.
Đầu tháng một vừa qua, bị từ chối tình cảm đồng giới, Lê Thị B.G, sinh viên Trường CĐ Cần Thơ leo lên lan can cầu Hưng Lợi rồi trả lại điện thoại, nhẫn cho bạn gái, sau đó nhảy cầu tự sát. Trước đó, nạn nhân G. ở chung với người bạn đồng giới B.T.Y.N. Hai người quen nhau qua mạng, nảy sinh tình cảm và tháng 3/2013 dọn về ở chung nhà trọ ở đường Tầm Vu và cùng học Trường CĐ Cần Thơ.
Hầu hết hành động dại dột trên của các em được người thân giải thích là do các em đau buồn trong chuyện tình cảm với bạn trai. Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý có những góc nhìn khác.
Tổn thương và bế tắc do người lớn?
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, hiện tượng nữ sinh tự tìm đến cái chết không còn là chuyện hi hữu. Một điểm chung về hoàn cảnh sống của các em có ý định tự tử hoặc thực hiện hành vi tự tử thường là gia đình sống không hòa thuận, không hạnh phúc, bố mẹ ly thân, ly hôn, hay cãi nhau, lục đục. Bởi trong độ tuổi này, bố mẹ là hình mẫu lý tưởng của các em, khi đã thất vọng, trẻ dễ chán chường, suy sụp. Đặc biệt nếu trẻ đem gia đình mình so sánh với gia đình bạn bè, làng xóm, kết hợp với những yếu tố học tập kém, bạn bè tẩy chay, tình yêu không như mong đợi... sẽ dễ dẫn tới ý nghĩ hoặc hành vi tự tử.
TS Nguyễn Thị Kim Quý, giảng viên Khoa Tâm lý (Đại học Sư phạm Hà Nội), cho rằng: Tuổi vị thành niên, thanh niên khi gặp các vấn đề khúc mắc trong cuộc sống, do chưa có kinh nghiệm xử trí nên thường sử dụng một cơ chế phản ứng tự vệ tâm lý, đó là “tự xâm kích” mà đỉnh cao là tự tử. Bản thân các em chưa nghĩ đến hậu quả sự việc mà đơn thuần chỉ muốn giải thoát mình khỏi bế tắc.
Trong việc này, gia đình đóng vai trò quan trọng, đôi khi, vừa là nguyên nhân của sự việc, vừa “tiếp tay” cho hành động này. Bởi một đứa trẻ trước khi tự tử bao giờ cũng có sự biến đổi bất thường trong suy nghĩ, sinh hoạt hàng ngày.
Ví dụ: Nếu là con gái, cháu sẽ tâm sự với bạn thân hoặc để lại lời nhắn trên blog, Facebook một cách vu vơ (nhưng có chủ đích) ví dụ: Tôi không thích sống, chán sống/ Tôi sắp đi xa/ Tôi sắp rời xa các bạn để sang thế giới tươi đẹp/ Hẹn gặp lại nhé... Nếu cha mẹ, những người xung quanh không quan tâm, để ý thì những biến đổi đó không có giá trị và thất bại. Nếu trẻ được can thiệp kịp thời sẽ thoát khỏi kế hoạch tự tử. Nhưng nếu tín hiệu phát đi không được đáp ứng, trẻ càng thất vọng và có lý do hơn để tự kết liễu đời mình.
Cha mẹ chưa được học bài
TS. Nguyễn Kim Quý nhận định: “Ở Việt Nam, việc ‘dạy’ cha mẹ biết cách nuôi dạy con là chưa có, toàn dạy con theo kiểu ‘nhìn người đi trước’, trong khi tâm lý trẻ em biến đổi theo thời gian, cho nên các bậc cha mẹ không thể áp cách dạy con ‘như các cụ trước đây’, bởi mỗi thời mỗi khác”, TS. Quý chia sẻ.
Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cùng quan điểm. Thạc sỹ Hiếu cũng nhận định, giới trẻ đang gặp phải ba vấn đề chính: Thứ nhất là lúng túng trong định hướng cuộc đời. Nhiều người không biết mình sống và học tập để làm gì; thứ hai là thiếu bản lĩnh đối đầu với thử thách của cuộc sống. Trước những vấp váp dù lớn hay nhỏ (bị điểm kém, bị cha mẹ trách mắng…) các em cũng dễ dàng phóng đại thành bi kịch lớn; thứ ba là thiếu kỹ năng ứng xử trong tình yêu. Đó là lý do vì sao thời gian qua xuất hiện nhiều bi kịch yêu mù quáng của giới trẻ…