Lạm phát sẽ “bùng phát” trong năm 2017?

(PLO) - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa đưa ra cảnh báo khả năng nguy cơ lạm phát vượt mức 5% là hoàn toàn có thể, bởi các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công là không thể tránh khỏi trong năm 2017.
Tổng phương tiện thanh toán năm 2016 tăng 17,9% so với năm 2015

Tăng giá nhiều dịch vụ công

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2016 được VEPR công bố hôm đầu tuần nhận định: Lạm phát quý 4/2016 đã tăng mạnh sau các đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giá xăng dầu. Theo đó, lạm phát toàn phần cuối năm tăng 4,74% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lạm phát lõi vẫn duy trì trong khoảng 1,7-1,9%  so với cùng kỳ năm trước trong suốt quý 4 và cả năm 2016, khoảng cách giữa lạm phát và lạm phát lõi ngày càng được nới rộng. 

VEPR cũng nhấn mạnh, điều này cho thấy rõ sự gia tăng mạnh trong chı̉ số giá các nhóm hàng lương thực-thực phẩm, năng lượng. Tuy nhiên, điều này cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang theo sát mục tiêu ổn định lạm phát và thận trọng với mục tiêu này. 

Báo cáo vừa công bố cũng nói rằng đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại 15 tỉnh thành trong tháng 10 khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,83% so với tháng trước. Trước lo ngại giá cả có thể tăng trong những tháng cuối năm, liên bộ Y tế - Tài chính đã quyết định hoãn hai đợt tăng giá dịch vụ y tế tại những địa phương còn lại trong hai tháng cuối năm. 

Theo TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, tính tới cuối năm 2016, chỉ số giá nhóm hàng dịch vụ y tế đã tăng 77,57% so với cuối năm 2015, đóng góp tới 2,7 điểm phần trăm trong mức tăng CPI. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã tăng nhẹ theo xu hướng tăng giá thế giới và nhu cầu tăng lên trong những tháng cuối năm. Chỉ số giá nhóm hàng lương thực và thực phẩm của Việt Nam trong tháng 12 lần lượt tăng 2,57% và 3,34% so với mức tăng 1,65% và 1,47% tương ứng của hai nhóm hàng này cùng kỳ năm 2015.

 “Dù đạt được mục tiêu lạm phát dưới 5% do Quốc hội đặt ra, chúng tôi cho rằng cơ quan điều hành vẫn cần phải theo sát diễn biến giá cả trong thời gian tới. Nguy cơ lạm phát vượt mức 5% là hoàn toàn có thể, khi mà các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công là không thể tránh khỏi trong năm 2017”- chuyên gia Thành cảnh báo. 

Người đứng đầu VEPR nhấn mạnh, nhu cầu hàng hóa theo chu kỳ sẽ tăng trong những tháng giáp Tết Nguyên đán có thể đẩy chỉ số giá tăng, đặc biệt đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Đồng thời, giá năng lượng được dự báo sẽ tăng trở lại sau khi các nước xuất khẩu dầu lớn, cả trong và ngoài khối OPEC đều đã đạt được những đồng thuận về cắt giảm sản lượng. 

Chính sách tiền tệ vẫn linh hoạt

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia phân tích chính sách tài chính, Học Viện Tài chính, thì năm 2017, một loạt quy định liên quan đến phí, lệ phí mới được áp dụng. Nếu như trước đây được gọi là phí, lệ phí được kiểm soát thì nay được gọi là giá dịch vụ, tức là việc áp dụng sẽ cao hơn. Cùng với đó, tới đây hàng loạt các dịch vụ công trong y tế, giáo dục được yêu cầu tính đầy đủ giá thì sẽ gây sức ép tăng giá.  

Cũng theo chuyên gia này, ngoài sức ép lạm phát do bản thân tăng trưởng trong nước tạo ra thì còn có vấn đề nữa là xu hướng thay đổi về giá cả quốc tế có xu hướng tăng cao trở lại nhất là mặt hàng xăng dầu. 

“Tôi đồng ý lạm phát năm 2017 sẽ tăng cao hơn năm nay. Cái này chúng ta nhìn thấy trước, nếu chúng ta điều hành mà không khéo thì sẽ gây ra những tác động rất lớn. Chỉ cần 1, 2 chính sách không hợp lý nó sẽ kéo lạm phát tăng cao trở lại. Tăng trưởng kinh tế không quá cao mà lạm phát cao thì nó sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy nhất là lòng tin về điều hành chính sách”,TS. Cường nhấn mạnh. 

Mặc dù nhiều chỉ dấu cho thấy lạm phát có nguy cơ “bùng phát” trong năm nay, nhưng Viện VEPR vẫn khẳng định điều hành tiền tệ trong năm 2016 là linh hoạt và chặt chẽ. Theo đánh giá của cơ quan này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn theo sát mục tiêu ổn định lạm phát và thận trọng với mục tiêu này. Tuy nhiên, càng về cuối năm các nhân tố làm tăng lạm phát xuất hiện càng nhiều hơn, bao gồm sự phục hồi trong giá năng lượng và điều chỉnh giá dịch vụ công. NHNN đã có lưu ý về nguy cơ lạm phát quay trở lại trong năm 2017 nên đã có những cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.  

VEPR dẫn báo cáo của NHNN cho thấy, tổng phương tiện thanh toán năm 2016 tăng 17,9% so với năm 2015, cao hơn nhiều so với mức 14,9% năm 2015. Tuy nhiên, lãi suất cơ bản duy trì ổn định cho thấy sự gia tăng này chưa tạo sức ép lớn nên lạm phát trong nước. Trong khi đó, cả huy động vốn và tín dụng đều tăng trưởng cao trong những tháng cuối năm. 

Tính tới 29/12/2016, huy động tín dụng tăng 18,4% so với cuối năm 2015, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 18,7%, theo đúng định hướng của NHNN đặt ra hồi đầu năm. Chênh lệch khoảng cách giữa tăng trưởng và tín dụng không còn giúp thị trường hoạt động ổn định, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp trong nửa cuối năm, ngoại trừ những ngày cuối năm sau sự kiện Fed tăng lãi suất. 

Lạm phát vượt mức 5% là hoàn toàn có thể

“TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách: “Dù đạt được mục tiêu lạm phát dưới 5% do Quốc hội đặt ra, chúng tôi cho rằng cơ quan điều hành vẫn cần phải theo sát diễn biến giá cả trong thời gian tới. Nguy cơ lạm phát vượt mức 5% là hoàn toàn có thể, khi mà các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công là không thể tránh khỏi trong năm 2017”.

Đọc thêm