Qua sông thì phải lụy đò
Cách trung tâm thành phố Lào Cai gần 10km nhưng phải mất gần 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được thôn Làng Giàng (xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai). Cả thôn có gần 200 gia đình với hơn 1.700 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Tày và Dáy chỉ có một bộ phận nhỏ là người Kinh. Nơi đây nằm trong diện kinh tế 135 đặc biệt khó khăn của xã. Cuộc sống của bà con hoàn toàn bị chia cắt với văn minh của thế giới bên ngoài bởi khúc sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn của thôn.
Lên đò men theo con đường nhỏ đầy đá lởm chởm chừng 300m, trước mặt chúng tôi là tấm biển nhỏ đề tên “ga Làng Giàng”, ngược lại với cảnh nhộn nhịp của ga tàu tấp nập người đưa kẻ đón thì ga Làng Giàng lại vắng tanh không một bóng người. Cái nắng của buổi trời trưa dọi thẳng xuống đầu làm cho cổ họng khô rát vì khát nước. Rảo bước một vòng quanh sân ga mà không có một quán nước, may mắn chúng tôi gặp được cụ bà với dáng đi vội vàng, tay vung tay giữ chiếc nón mê đã cũ.
Qua những lời hỏi thăm cụ như đã đọc được suy nghĩ của chúng tôi, cụ nói: “Muốn uống nước thì về nhà già, giờ giữa trưa nắng này bói cũng chẳng ra quán nước nào đâu. Hàng quán ở đây ế ẩm lắm, chỉ đến giờ tàu chiều may ra mới có quán nước thôi”.
Ngước nhìn vẻ mặt mệt mỏi của chúng tôi, cụ hỏi: “Chắc anh chị từ xa tới đây đi đò không quen nên bị chóng mặt phải không?”. Không đợi chúng tôi trả lời, một nét buồn hiện hữu trên khuôn mặt, cụ nói tiếp: “Ở đây tới tụi nhỏ mới sinh đã phải làm quen với đò giang rồi, không muốn cũng phải chịu. Giờ tôi già rồi chả đi được đâu, nhưng vẫn mong các cấp xây cho dân chúng tôi một cây cầu cho con trẻ nó qua sông đỡ vất vả”.
Theo chân chị Đặng Thị Liền - cán bộ phụ nữ thôn khi mới 5h30 sáng, màn sương đang còn che phủ chưa rõ mặt người. Phía bên kia sông chỉ là ánh đèn mờ ảo của những bóng điện ven đường. Bên này sông, trên khoảng đất trống nhỏ, đã tấp nập tiếng cười nói của mấy người đi phiên chợ sáng đang ngóng đợi đò. Trò chuyện với một người phụ nữ chạc ngoài 40 tuổi đang loay hoay với gánh hàng có vài mớ rau và một vài bó lá chè xanh.
Chị tâm sự: “Chúng tôi ở đây, hôm nào cũng phải dậy từ mờ sáng để kịp cho buổi chợ bán cất cho lái buôn, xong còn tranh thủ về lên nương. Nhiều khi lỡ đò sang muộn bị mấy bà trả giá rẻ thối, mang về cũng không được, rồi lại tiền đò giang thì tính ra một gánh rau cũng còn lại chẳng là bao. Thà cứ ra sớm một tý rồi đợi đò còn hơn là lỡ đò sang muộn”.
Trời vừa tỏ mặt người, tiếng cười nói vô tư, trêu chọc nhau của mấy bà, mấy cô ồn ào, tấp nập vài phút trước nay đã không còn. Xa xa, tiếng máy nổ của con đò đã làm cho mọi người đứng phắt lên trong tư thế chuẩn bị, không nói không rằng, đôi mắt chăm chăm trông ra giữa lòng sông khi tiếng máy ngày một gần bờ. Đò vừa cập bến, mọi người đã đổ xô dẫm đạp lên những hòn đá mấp mô tiến gần tới bờ sông hơn. Bãi sông lại vang lên những tiếng quát nạt mắng nhiếc nhau rằng “tôi đến trước bà đến sau”.
Từ trong đò vọng ra tiếng ồm ồm của chủ thuyền: “Lên rồi thì đứng gọn vào lối cho người khác lên nữa, cứ đứng ở mép thế tý lệch đò không đi được đâu đấy”. Nhìn con đò nhỏ đang phải oằn mình cõng hàng chục gánh hàng cùng cả thảy gần 20 người làm tôi thấy lạnh cả người, trong khi vẻ mặt ai nấy cũng đều tươi rạng lên vì đã chen chân được đi chuyến đầu.
Cảnh sống nghèo khó, phụ thuộc vào đò giang đã đeo bám bà con từ bao đời nay. Người dân trong thôn phải sống chung với cảnh tất cả mọi hoạt động như việc đến lớp của các em học sinh, giao lưu trao đổi hàng hóa với bên ngoài... đều phải lụy vào con đò nhỏ khi cả thôn thiếu bóng một cây cầu khai nối văn minh. Người dân trong làng sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nên sản phẩm làm ra như mớ rau, con gà, cây măng... sử dụng không hết thường mang ra chợ bán kiếm thêm vài đồng trang trải cho cuộc sống. Tuy nhiên, phí hai lần đò nên tiền còn lại cũng chẳng đáng là bao.
Người xưa thường nói qua sông thì phải lụy đò. Cả thôn chỉ có 2 bến đò với 5 chủ thuyền thay nhau chở khách qua sông, các chủ đò cũng vì thế mà làm cao. Chị Tâm, giáo viên trường Tiểu học Thái Niên II tâm sự: “Nhà mình ở tận bên kia sông, do tính chất công việc nên thường xuyên phải đi đò, có ngày phải đi về tới 4 lần. Hôm nào đi dạy cũng phải đợi đò mất gần 30 phút. Chủ đò đâu có hiểu những lúc đó, thế mà họ còn nói những lời không hay. Mình chủ động thời gian đi làm mà cứ phải đợi đò nhiều khi lại muộn giờ lên lớp nữa”.
|
Những chuyến đò rình rập bao hiểm nguy. |
Khó khăn thắp lửa những con chữ
Cuộc sống hàng ngày cứ phải đeo bám phụ thuộc vào tàu đò, làm cho nhân dân nơi đây thêm bội phần khó khăn. Hàng năm cứ vào mùa nước lên, những trăn trở, sự lo lắng của các bậc phụ huynh lại về khi năm 2003 tai nạn lật đò đã làm mất đi tính mạng của 2 em nhỏ.
Không chỉ có vậy, cứ mỗi mùa mưa lũ đến là lại thêm bao nhiêu nỗi lo: Mưa lũ không thể đến lớp, không có đò chở cô giáo sang dạy, lo hết gạo không thể sang chợ... Để rồi cứ đầu mùa lũ người dân lại đứng trước sông mà “ao ước về một cây cầu nối văn minh lại với thôn mình”. Tuy khó khăn là vậy nhưng tấm lòng hiếu học đam mê con chữ của các em thì không mưa lũ nào cản được. Dù ngày nắng hay ngày mưa thì các em vẫn băng rừng, lội suối, qua sông đến lớp với bao nhiêu ước mơ về ngày mai tươi sáng. Các em đi học phải gửi xe đạp ở bên kia sông. Những hôm học 5 tiết hoặc cả ngày, nhiều em phải đùm cơm mang theo trong cặp vì sợ đói.
Em Thơm, học sinh lớp 12A4 trường THPT số II thành phố Lào Cai chia sẻ: “Nhà em ở tận trong rừng cách trường gần 10km. Do phải qua nhiều suối và sông nên toàn phải đi học từ lúc 5h sáng. Mùa đông nhiều khi phải mang đèn pin hoặc đốt đuốc đi học. Đã có lần mưa to nên chúng em phải nghỉ học, đợi chiều có tàu lên Lào Cai rồi xuống trường tìm nhà trọ hoặc ở nhờ nhà các bạn cùng lớp hàng tuần mới có đò về. Giá như có một cây cầu thì tốt biết bao, em đi học thì bố mẹ ở nhà cũng đỡ lo hơn”.
Khó khăn không chỉ có việc đến lớp của các em mà hơn cả là khi người dân đau ốm, phải đi cấp cứu trong đêm thì cũng khó mà qua sông vì không có ai chở đò. Sự chia cắt đôi bờ của dòng sông Hồng không chỉ đơn thuần là sự chia cắt về mặt địa lý nữa, nó đang tạo ra sự khác biệt trong đời sống kinh tế chính trị văn hóa của toàn bộ người dân trong thôn.
Cán bộ trong thôn cho biết: “Người dân ở đây rất mong có được một cây cầu để cho bà con đi lại thuận lợi hơn và hơn cả là phục vụ việc đến lớp cho các em nhỏ. Chúng tôi cũng ý kiến xin lên các cấp trên nhiều lần nhưng đều chưa rõ câu trả lời là sau bao nhiêu năm nữa thì sẽ có cầu đi”.
Rời thôn Làng Giàng, chúng tôi không khỏi những day dứt về nguyện vọng bình dị mà cháy bỏng của người dân nơi đây chỉ là giấc mơ về một cây cầu nhưng không biết bao giờ mới thành sự thực khi câu trả lời luôn là “sắp tới sẽ có”. Hy vọng rằng trong lần thăm tới sẽ không còn chứng kiến cảnh chen lấn, lụy đò nữa mà sẽ là hình ảnh một cây cầu nối liền đôi bờ để người dân mạnh dạn giao lưu, phát triển kinh tế, học sinh bớt nghỉ học dài ngày mỗi khi mùa mưa lũ đến.