Chất lượng cao, giá thành rẻ
Những ngày cuối năm này, làng hương Hà Lam, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đang nhộn nhịp hối hả vào mùa tết. Làng hương truyền thống này đã tồn tại hàng trăm năm nay.
Theo những bậc cao niên trong làng, làng hương Hà Lam trước đây chỉ là một xóm làm hương thủ công có tên là Quán Hương. Trước kia, số hộ sản làm nghề truyền thống cũng chỉ nhỏ lẻ vài hộ, nhưng sau đó nhanh chóng phát triển, hiện nay số hộ trong thôn đã lên đến con số gần 200, hầu như 100% đều theo nghề truyền thống này. Có nhiều hộ đã theo nghề đến 4-5 đời như hộ anh Ngọc, hộ ông Minh...
Anh Phan Văn Ngọc (SN 1975) cho biết, gia đình anh có truyền thống làm hương đã trên trăm năm và trải qua nhiều đời nên kinh nghiệm để làm được hương chất lượng cũng không có gì là khó. Cái khó nhất bây giờ chính là phải làm sao nâng cao chất lượng nhưng vẫn đảm bảo được giá thành rẻ thì khách mới chuộng.
Ông Trần Ngọc Minh (SN 1959, ngụ tại tổ 3, thị trấn Hà Lam), một người làm hương lâu năm cho biết, gần đây lượng hương giả sản xuất mang nhãn hiệu hương truyền thống của làng nghề được lái buôn chở đi bán ở các đại lí làm mất uy tín của những người làm nghề chân chính. Trong những năm gần đây, hàng trăm chiêu trò của những dân buôn hương đã khiến khách hàng nhiều phen mua phải hàng giả, có mùi khét của các loại hóa chất rất khó chịu. Những người làm hương truyền thống như ông Minh nhiều khi mất mối giao hàng vì những “cò nhang” như thế.
Đầu năm 2012, với việc thúc đẩy làng nghề truyền thống, các cấp chính quyền đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để giúp các hộ dần thay mới các thiết bị chuyên dùng. Nhờ sự quan tâm giúp đỡ này, nhiều hộ gia đình đã có vốn để tiếp tục duy trì ngành nghề truyền thống lâu đời.
|
Làng hương Hà Lam (huyện Thăng Bình- Quảng Nam) |
Nếu trước kia đa số các hộ sản xuất theo dạng thủ công (se hương trên bàn gỗ) thì nay đã chuyển sang sản xuất trên máy cơ nên sản lượng tăng lên gấp nhiều lần, chất lượng sản phẩm cũng ngày một tăng cao.
Hiện nay, ở làng nghề đã có nhà máy xay bột quế khá lớn dành để cung ứng bột cho những người ở làng nghề. Đồng thời với sự ra đời của nhà máy, nhiều hộ dân còn sản xuất hương trầm số lượng nhiều hơn để quảng bá thương hiệu và cung ứng cho những khách hàng đặt trước.
Cũng theo ông Minh, hiện tình hình sản xuất của các hộ dân trong làng nghề đang vào giai đoạn nước rút để kịp cung ứng cho người tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán 2015. Để làm được một que hương đạt chất lượng, yêu cầu người thợ phải khéo léo trong từng khâu nhào bột, chọn chu hương và gói hương phải bắt mắt thì mới thu hút được thị hiếu của khách hàng.
Hương đạt chuẩn phải dễ cháy nhưng lại lâu tàn, có hương thơm nhẹ của quế hoặc trầm chứ không có mùi khét của hóa chất. Trong những năm qua, làng nghề đã giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động với mức thu nhập ổn định.
Nén tâm hương - “linh khí” của tín ngưỡng
Đến làng hương Cao Thôn xã Bảo Khê, TP.Hưng Yên vào những ngày cuối tháng Chạp, PV chứng kiến không khí tất bật của một làng nghề sản xuất hương truyền thống vào vụ bán hàng tết. Hương được phơi khắp các ngõ xóm, sân vườn, ngập tràn màu vàng, màu pha đỏ của những cây hương, tràn ra cả những cánh đồng lúa phía sau làng. Đi đến đâu cũng ngan ngát mùi hương trầm thơm đến nao lòng.
Người dân sản xuất nhiều loại hương, trong đó chủ yếu là hương nén, hương vòng, hương trầm, hương cây. Khác với hương trầm, sản xuất hương vòng đòi hỏi kỳ công, mất nhiều thời gian hơn. Nghệ nhân làm hương vòng cũng phải tỉ mẩn hơn vì hương vòng không có tăm hương và công đoạn uốn vòng vẫn phải làm thủ công.
Mỗi thợ lành nghề có thể cuốn trên 600 nén/giờ. Nghệ nhân ở đây đáp ứng mọi nhu cầu của khách về sản xuất hương, từ sản xuất hương cháy chậm trong một ngày, một tháng cho đến ba tháng/nén hương. Theo các nghệ nhân ở đây, hương cháy nhanh hay chậm phụ thuộc vào kỹ nghệ pha chế hương, một phần dựa vào nguyên liệu, cách làm bột hương ban đầu.
|
Ông Hạc sinh ra trong một gia đình sản xuất hương truyền thống |
Sau khi sản xuất xong, hương được đem ra phơi nắng hoặc sấy khô. Thời gian phơi hương tùy thuộc vào thời tiết, nếu nắng to chỉ cần phơi trong một ngày, nếu không có thể phơi trong ba ngày, nếu trời mưa sẽ sử dụng lò sấy để sấy cho hương khô.
Mùi thơm của hương Cao Thôn được làm từ hơn 30 vị thảo dược quý khác nhau. Nghệ nhân Tạ Quang Hạc chỉ tay vào kho thảo dược giới thiệu với PV về hơn 30 vị thuốc quý như đại hoàng, đinh hương, tế tân, tiểu hồi, sâm, xuyên thục, xuyên khung, tùng xa, tùng tàu… Những que hương hoàn toàn được làm từ thuốc bắc để tạo ra mùi thơm tự nhiên đặc trưng cho hương. Đây chính là nét khác biệt trong sản xuất hương đã thu hút lượng khách lớn hàng năm về đặt hàng.
Tại Cao Thôn, sản phẩm của mỗi hộ gia đình đều được sản xuất và dán thương hiệu riêng. Mỗi nghệ nhân ở đây tâm niệm làm nghề phục vụ tín ngưỡng văn hóa Việt nên rất cần cái tâm làm nghề, nén hương là “linh khí” của tín ngưỡng văn hóa Việt nên mỗi nghệ nhân làm đều thể hiện sự tỉ mẩn, tâm huyết của mình.
Đúng là để làm ra những nén hương thơm, bên cạnh bí kíp về nguyên vật liệu và cách làm nghề còn cần đến cái thần, cái tâm và sự khổ luyện của người thợ thể hiện trong mỗi nén hương.
Trưởng thôn kiêm Phó Chủ tịch Hội Làng nghề Cao Thôn cho biết, trong thôn hiện có trên 800 nhân khẩu, có khoảng 120 hộ sản xuất theo hướng làng nghề truyền thống, 89 hộ tham gia Hội Làng nghề được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận nghệ nhân làng nghề.
Sản phẩm của các nghệ nhân làng Cao Thôn luôn bảo đảm sự khác biệt, không lẫn với bất kỳ thương hiệu nào. Bên cạnh việc giữ gìn truyền thống làm nghề, nhiều nghệ nhân mở rộng sản xuất, đem lại việc làm cho rất nhiều người, thu nhập trung bình từ 3 – 5 triệu/tháng/người. Hiện sản phẩm của làng không chỉ có mặt ở khắp đất nước mà còn cả ở các thị trường châu Á hay các thị trường khó tính như Singapore, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ./.