Con số đau lòng
Lần thứ hai về xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức có thể thấy rõ nơi đây đã thay da đổi thịt với những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, việc buôn bán, thông thương diễn ra tấp nập, hàng quán chạy dọc hai bên trục đường lớn trong làng. Với diện tích tự nhiên khoảng 320ha và dân số gần 9300 người, hơn 10 năm trở lại đây, xã Sơn Đồng được đánh giá là xã có nền kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, có một nghịch lý đang tồn tại là trong khi đời sống người dân được cải thiện thì họ lại phải hàng ngày, hàng giờ sống trong nỗi hoang mang, lo sợ không biết căn bệnh ung sẽ “gõ cửa” gia đình mình vào lúc nào. Cũng bởi từ thực tế, 10 năm trở lại đây trong xã có quá nhiều người cả trẻ lẫn già lĩnh “án tử” vì căn bệnh hiểm nghèo này.
Ông Nguyễn Viết Lượng (66 tuổi, trú tại xóm Xa, xã Sơn Đồng) chua xót kể lại: “Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay, chưa bao giờ tôi thấy làng này lại có nhiều người chết vì ung thư đến vậy. Cứ thỉnh thoảng lại nghe nói có dăm ba người chết vì ung thư, mà đa số la chết trẻ. Gần như trong làng, lúc nào cũng có người đang nằm chờ chết vì căn bệnh hiểm nghèo này”.
Ông Lượng cho biết thêm, đất ở xã Sơn Đồng “rất lành”, trước đây người chết trong làng chủ yếu là chết do già hoặc một số bệnh khác, hiếm có người chết vì căn bệnh ung thư. Nhưng khoảng 10 – 20 năm trở lại đây, nguyên nhân dẫn đến cái chết chủ yếu là do ung thư. Tính riêng từ đầu năm giờ đã có khoảng 10 người chết vì mắc phải căn bệnh quái ác này.
Theo ông Trần Quang Trung (Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Sơn Đồng), căn bệnh ung thư xuất hiện và “oanh tạc” mạnh ở xã này từ 5 - 7 năm trở lại đây. Ban đầu, một năm chỉ có từ 1 đến 2 trường hợp, dần dần con số người chết vì bệnh ung thư cứ tăng lên chóng mặt.
Ông Trung cho biết thêm, bình quân mỗi năm xã Sơn Đồng có khoảng 40 đến 45 người chết, trong đó có đến 30 người chết vì mắc bệnh ung thư, chủ yếu là ung thư phổi, ung thư vòm họng và ung thư máu. Con số thống kê khiến cả chính quyền và người dân xã Sơn Đồng sửng sốt. Cũng từ đó, xã này được “chốt danh” là “làng ung thư”.
Bác sĩ Trần Phương (quê ở xã Sơn Đồng) làm việc tại Bệnh viện K, Hà Nội cũng từng đưa ra đánh giá, tỉ lệ người dân Sơn Đồng được Bệnh viện K chẩn đoán mắc bệnh ung thư rất cao.
Trẻ, già đều chết vì ung thư
Ở xã Sơn Đồng, căn bệnh ung thư “gõ cửa” từng nhà không phân biệt già trẻ, có những nhà còn bị “gõ cửa” đến 2 – 3 lần. Ví như nhà chị Doãn Thị Hương (48 tuổi, trú tại xóm Rô, xã Sơn Đồng) có tới ba người chết vì bệnh ung thư khi tuổi đời còn rất trẻ.
Chị ngậm ngùi kể lại: “Năm 1990, chị gái chồng tôi mất vì ung thư dạ dày khi mới tròn 32 tuổi. Đến năm 2006, chồng tôi cũng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư não và mất sau đó 2 năm. Lúc đó anh cũng mới 45 tuổi. Một năm sau, đến lượt em chồng tôi phát bệnh ở tuổi 36. Cô ấy bị ung thư gan, từ khi phát bệnh đến khi mất chỉ vỏn vẹn 20 ngày. Năm kế tiếp đó chồng cô ấy cũng mất vì bệnh ung thư, cả hai vợ chồng ra đi để lại đàn con thơ cho ông bà nội”.
|
Khúc sông thuộc xã Sơn Đồng. |
Lau dòng nước mắt, chị tiếp tục giãi bày: “Lúc đó nhà tôi còn khó khăn lắm, cứ có người bị bệnh là bán hết đồ đạc trong nhà rồi vay mượn để chạy chữa vì ai cũng nghĩ còn người còn của. Nhưng cuối cùng, người không còn mà của cũng hết, người chết thì nhắm mắt xuôi tay, còn người sống thì vừa đau đớn vừa phải chạy cơm từng bữa, beo bó trả nợ”.
Cách đó không xa, tại xóm Ươm Tơ (xã Sơn Đồng), người dân cũng hết lòng thương xót cho gia cảnh của anh Nguyễn Vinh Phú, khi cả bố và mẹ đều mất vì bệnh ung thư bỏ lại hai đứa con cho dân làng nuôi hộ. Anh Dũng kể lại: “Khi tôi hơn 10 tuổi, bố tôi được chẩn đoán bị bệnh ung thư phổi. Nhà nghèo, mẹ tôi phải bán hết đồ đạc trong nhà lấy tiền chạy chữa cho bố. Mẹ tôi vừa là người đi làm kiếm tiền, vừa là “y tá riêng” lo lắng thuốc thang, chăm sóc mỗi khi bố tôi lên cơn đau. Nào ngờ, một thời gian sau mẹ tôi mất trước bố. Lúc đó, chúng tôi mới biết thì ra mẹ cũng bị ung thư nhưng giấu cả nhà, một mình hứng chịu những cơn đau giày vò”.
Ông Tảng (trưởng xóm Ươm Tơ) cho biết: “Mấy năm nay, xóm Ươm Tơ có rất nhiều người chết vì bệnh ung thư. Hiện tại, trong xóm cũng đang có một cháu bé 7 tuổi bị ung thư máu và một bà già hơn 60 tuổi bị ung thư phổi. Người dân ở đây không có điều kiện đi khám sức khỏe thường xuyên nên hầu như lúc biết thì bệnh đã ở giai đoạn cuối”.
Bắt tội một dòng sông
Hầu hết người dân ở đây đều khẳng định rằng, nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư là do nguồn nước bị nhiễm độc, cụ thể do chất thải của các làng nghề ở các xã lân cận đổ dồn ra con sông chảy qua xã, gây nên sự ô nhiễm trầm trọng.
Ông Nguyễn Doãn Sáu (67 tuổi, trú tại xóm Ngã Tư, xã Sơn Đồng) cho biết: “Cạnh xã chúng tôi là các xã Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu có truyền thống làm miến rong, sắn rong, đót… Chất tẩy họ sử dụng rất độc hại, rồi nước thải từ việc sản xuất không được xử lý, đổ trực tiếp ra con sông chảy qua địa phận của cả ba xã gây ra sự ô nhiễm nghiêm trọng”.
Người dân xã Sơn Đồng cho biết, khúc sông bị ô nhiễm của xã Sơn Đồng dài 6km. Trước đây, nước sông rất trong và xanh, trẻ con trong làng thường xuyên ra đó bơi lội, tắm rửa, còn người dân thì dùng nước để giặt quần áo, rửa rau. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, do nước thải của các làng nghề bên cạnh, nước sông trở nên đen ngòm, sủi bọt, bốc mùi hôi thối. Những xóm ven sông như xóm Rô, xóm Dành, xóm Xa… là những xóm chịu ảnh hưởng trực tiếp sự ô nhiễm đó.
Ông Sáu ngậm ngùi kể: “Từ tháng 10 âm lịch trở ra là thời điểm dòng sông bị ô nhiễm nặng nhất. Vì lúc đó làng nghề họ sản xuất nhiều, lại là mùa khô, ít mưa, trạm bơm nông nghiệp cũng ít hoạt động nên nước thải không chảy đi đâu được, cứ dồn ứ lại bốc mùi hôi thối hơn cả nước thải công trình phụ. Vào mùa cấy gặt, chị em đi cấy mà không mang ủng kiểu gì chân cũng mẩn ngứa rồi mưng mủ. Người dân chúng tôi cho rằng, vì nước thải lâu năm ngấm sâu vào đất, khiến nguồn nước sinh hoạt của xã bị ô nhiễm, dẫn đến nhiều người bị mắc bệnh ung thư như vậy”.
Phần lớn các hộ gia đình xã Sơn Đồng vẫn sử dụng nước giếng khoan. Để tự bảo vệ mình, người dân xây bể hứng nước mưa dùng cho việc ăn uống. Còn các hoạt động sinh hoạt khác thì dùng nước giếng khoan đã qua máy lọc. Những gia đình không có điều kiện mua máy lọc nước thì lọc bằng đá cuội, thạch anh, sỏi, phèn chua…
Ông Trần Quang Trung (Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Sơn Đồng) xác nhận việc dòng sông chảy qua xã Sơn Đồng bị ô nhiễm do chất thải của các làng nghề tại các xã lân cận là có thật. Đầu tháng 3/2014, đoàn kiểm tra của huyện Hoài Đức đã về xã lấy mẫu nước sinh hoạt tại một số hộ dân ven sông kiểm tra. Kết quả, nồng độ ô nhiễm thấp nhất là từ 30 – 40% và cao nhất lên tới 100 – 150%.
Ông cho biết thêm, hiểu được sự lo lắng của người dân cũng như những gì người dân phải hứng chịu trong nhiều năm qua, chính quyền xã đã nhiều lần phản ánh lên UBND huyện, thành phố, yêu cầu phải chỉ đạo xây dựng hệ thống xử lý nước thải, trả lại sự “trong sạch” cho dòng sông cũng như nguồn nước sinh hoạt của dân làng.
Theo ông Trung, sau nhiều lần nêu ý kiến tại các đợt tiếp xúc cử tri, hiện tại thành phố có kế hoạch cho xây dựng ba trạm xử lý nước thải: một trạm tại xã Cát Quế và Dương Liễu, một trạm tại xã Sơn Đồng và một trạm ở Vân Canh. Riêng trạm ở xã Sơn Đồng, đã tổ chức thu hồi đất, bồi thường cho nhân dân, đang trong thời gian chuẩn bị thực thi.
Hiện tại, trong khi các trạm xử lý nước thải chưa được xây dựng, chính quyền xã Sơn Đồng vẫn vận động người dân tự bảo vệ mình bằng cách xây bể hứng nước mưa, lọc nước bằng máy, đá cuội, thạch anh… Cả chính quyền và người dân xã Sơn Đồng đều mong mỏi, biệt danh “làng ung thư” sẽ biến mất tại vùng đất này./.