Lật tẩy mô hình kinh doanh trục lợi trên sức khỏe người bệnh của các hãng dược

(PLVN) - Nhiều công ty dước đã mua thuốc đã hết thời hạn bảo hộ bằng sáng chế dù họ không đóng góp bất cứ một đồng USD nào cho việc nghiên cứu, sau đó tăng đáng kể giá thuốc của họ trong trường hợp không có đối thủ cạnh tranh, qua đó thu lời rất lớn.
Lật tẩy mô hình kinh doanh trục lợi trên sức khỏe người bệnh của các hãng dược

Câu chuyện đáng buồn 

Tháng 5/2015, khi Isla Weston mới 2 tháng tuổi, các bác sĩ đã chẩn đoán cô bé bị nhiễm ký sinh trùng đe dọa tính mạng được gọi là nhiễm toxoplasmosis. Cô bé cần được điều trị ngay lập tức để chữa chứng nhiễm trùng này, nếu không, ký sinh trùng sẽ tấn công các tế bào quan trọng trong não của bé, có thể khiến bé bị ảnh hưởng cả đời về nhận thức và chức năng, hoặc thậm chí khiến bé tử vong. Isla đã được kê đơn Daraprim – loại thuốc có thể chữa khỏi tình trạng nhiễm trung trong 1 năm. 

Tuy nhiên, điều khiến gia đình Isla, cũng như những người khác sống phụ thuộc vào loại thuốc thiết yếu này, hoảng sợ và mất niềm tin là việc loại thuốc đã tồn tại trên thị trường suốt 63 năm này chỉ ít lâu sau đó đã tăng giá chóng mặt, từ 13,5 USD/ viên lên thành 750 USD/viên, tức tăng tới hơn 5.000% chỉ trong 1 ngày. 

Xuất hiện tại một phiên điều trần của Ủy ban đặc biệt về người cao tuổi của Thượng viện Mỹ sau đó, bà Shannon Weston – mẹ của Isla – nghẹn ngào kể về nỗi sợ mà bà phải đối mặt khi thấy giá thuốc tăng cao: “Tôi đã rất tuyệt vọng và chán nản khi nghĩ về những điều có thể sẽ xảy ra với con gái nếu tôi không thể giúp con bé được điều trị đầy đủ… Tôi đã trằn trọc nghĩ về tất cả mọi cách mà tôi có thể nghĩ ra để xoay đủ gần 360.000 USD cần thiết để điều trị cho con gái trong 1 năm bằng một loại thuốc mà nó cần”.

(ảnh minh họa)
 (ảnh minh họa) 

Câu chuyện của Isla không phải là duy nhất. Cuộc đấu tranh mà gia đình bé đã trải qua đáng buồn cũng là câu chuyện chung mà hàng ngàn người Mỹ gặp phải trước tình trạng giá thuốc kê đơn theo toa tăng vọt. Gần 60% người Mỹ, bao gồm khoảng 90% người cao tuổi, phải dùng thuốc bán theo toa để điều trị các loại bệnh, từ ung thư, tiểu đường đến cao huyết áp và trầm cảm. 

Việc giá của một số loại thuốc theo toa tăng ở mức đáng kinh ngạc không chỉ đe dọa đến sự ổn định kinh tế của các hộ gia đình người Mỹ mà còn cả tới sức khỏe của những người rơi vào tình trạng họ cần những loại thuốc có giá không thể chấp nhận được và khó có khả năng chi trả. 

Theo ước tính, chỉ trong năm 2017, người Mỹ chi hơn 328 tỷ USD cho các loại thuốc bán theo đơn. Trong số này, các cá nhân người bệnh trả khoảng 50 tỷ USD tiền túi của họ. Chính phủ “gánh” 126 tỷ USD thông qua các chương trình bảo hiểm Medicare, Medicaid, các khoản bảo hiểm của Bộ Cựu chiến binh và các chương trình khác. 

Việc tăng giá thuốc vì thế ảnh hưởng đến tất cả người Mỹ, dù họ có dùng các loại thuốc bán theo đơn hay không vì người nộp thuế vẫn sẽ phải gánh một phần đáng kể chi phí của các chương trình chăm sóc sức khỏe liên bang. 

Tháng 11/2015, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về người cao tuổi của Thượng viện Mỹ Susan Collins và thành viên cấp cao của Ủy ban này là bà Claire McCaskill đã khởi động một cuộc điều tra lưỡng đảng của Ủy ban về tình trạng tăng giá đột ngột và quá nhiều của những loại thuốc bán theo đơn đã hết thời gian bảo hộ bằng sáng chế từ lâu. 

Cuộc điều tra của Ủy ban này tập trung vào 4 doanh nghiệp là Turing, Retrophin, Valete và Rodelis – những công ty đã mua lại các loại thuốc giá rẻ, đã xuất hiện trên thị trường trong hàng chục năm và hết thời hạn cấp bằng sáng chế sau đó tăng giá đột ngột và phi mã các loại thuốc này.

 Từ những kết quả thu được qua 3 điều trần; phỏng vấn một lượng đáng kể các bệnh nhân, bác sĩ, quản trị viên bệnh viện, các nhóm vấn động vì người tiêu dùng, các chuyên gia y tế, các giám đốc điều hành trong ngành dược phẩm và thành viên hội đồng quản trị của các công ty; xem xét hơn 1 triệu trang tài liệu thu được từ 4 công ty… cuộc điều tra đã phát hiện ra mô hình kinh doanh mà 4 công ty này đã sử dụng (với một số biến thể) để khai thác những kẽ hở của thị trường mà người phải trả giá chính là các bệnh nhân. 

Lật tẩy mô hình kinh doanh "bẩn"

Trong nhiều thập kỷ, các chính sách liên bang của Mỹ đã tìm cách đạt được sự cân bằng hợp lý giữa việc duy trì các ưu đãi cần thiết để thúc đẩy đổi mới và phát triển các loại thuốc mới với việc giữ giá cả các loại thuốc ở mức phải chăng cho bệnh nhân. 

Sự cân bằng này đã được thực hiện bằng cách cho phép một thời gian bảo vệ bằng sáng chế cho các loại thuốc cải tiến, và sau đó mở cửa thị trường để cạnh tranh nhằm giúp giảm giá. Trung bình, thuốc gốc (thuốc generic) có giá thấp hơn 80% so với biệt dược gốc. 

Có điều, sự cân bằng đó không tính đến việc các công ty có thể mua thuốc đã hết thời hạn bảo hộ bằng sáng chế, mà họ đã không đóng góp bất cứ một đồng USD nào cho việc nghiên cứu, sau đó tăng đáng kể giá thuốc của họ trong trường hợp không có đối thủ cạnh tranh. 

Ủy ban đặc biệt về người cao tuổi của Thượng viện Mỹ qua điều tra đã phát hiện ra rằng tất cả 4 công ty nói trên đều theo một mô hình kinh doanh (với một số biến thể) cho phép họ xác định và mua thuốc độc quyền đã hết thời hạn bảo hộ bằng sáng chế mà họ có thể thực thi quyền độc quyền trên thực tế, sau đó áp đặt và bảo vệ việc tăng giá “trên trời”. Mô hình kinh doanh bao này bao gồm 5 yếu tố trung tâm là nguồn duy nhất, tiêu chuẩn vàng, thị trường nhỏ, quy trình phân phối khép kín và giá thành. 

Trong đó, để đảm bảo yếu tố nguồn duy nhất, công ty dược đã mua một loại thuốc nguồn duy nhất, chỉ có một nhà sản xuất. Do đó, họ không gặp phải sự cạnh tranh ngay lập tức và duy trì được quyền độc quyền về giá cả của nó. Yếu tố tiêu chuẩn vàng, tức là việc công ty dược tìm mọi biện pháp để đảm bảo rằng thuốc của họ được coi là tiêu chuẩn vàng – là loại thuộc có sẵn tốt nhất cho tình trạng bệnh mà thuốc này được dùng để chỉ định điều trị, đảm bảo rằng các bác sĩ sẽ tiếp tục kê đơn thuốc, ngay cả khi giá tăng. 

Để đảm bảo yếu tố thị trường nhỏ, các công ty sẽ chọn một loại thuốc chỉ phục vụ một thị trường nhỏ, không phải là mặt hàng hấp dẫn các đối thủ cạnh tranh, có số lượng bệnh nhân phụ thuộc vào loại thuốc đó quá nhỏ để có thể phản đối hiệu quả trong trường hợp loại thuốc đó tăng giá. Điều này sẽ giúp các công ty có thêm tự tin và động lực khi đưa ra các quyết định về giá cả. 

Xây dựng hệ thống phân phối khép kín cũng là một trong những yếu tố trung tâm trong mô hình kinh doanh của các công ty dược phẩm nhằm chuẩn bị cho việc tăng giá sản phẩm của họ được diễn ra thuận lợi. Trong đó, các công ty sẽ kiểm soát việc tiếp cận thuốc thông qua một hệ thống phân phối kín hoặc các nhà thuốc chuyên khoa - nơi người có nhu cầu không thể lấy được thuốc thông qua các kênh phân phối thông thường hoặc sử dụng một phương tiện khác để gây khó khăn cho các đối thủ cạnh tranh trong việc thâm nhập thị trường. 

Giá cắt cổ là yếu tố cuối cùng trong số 5 yếu tố trung tâm của mô hình kinh doanh của các công ty được đưa vào diện điều tra. Trong trường hợp này, các công ty tham gia vào việc kiểm soát giá cả, tối đa hóa lợi nhuận bằng cách tăng giá càng cao càng tốt. 

Tất cả các loại thuốc được điều tra đã được cấp bằng sáng chế trong nhiều thập kỷ và không một công ty nào trong 4 công ty nói trên đầu tư một xu vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra hoặc cải thiện đáng kể các loại thuốc. Hơn nữa, Ủy ban của Thượng viện Mỹ cũng phát hiện rằng các công ty không phải đối mặt việc tăng nhiều chi phí sản xuất hoặc phân phối. 

Theo điều tra của Ủy ban đặc biệt về người cao tuổi của Thượng viện Mỹ, cả Turing, Retrophin, Rodelis và Valeant đều đã chọn một loại thuốc tiêu chuẩn vàng chỉ có nguồn gốc duy nhất cho một thị trường nhỏ các bệnh nhân có nhu cầu, tạo ra một hệ thống phân phối khép kín hoặc các phương tiện khác để chặn các đối thủ cạnh tranh và tham gia vào tác động đến giá cả, khai thác triệt để các yếu tố của mô hình kinh doanh này hòng kiếm lợi nhuận khổng lồ từ các liệu pháp vốn đã cứu mạng sống của nhiều người trong hàng thập kỷ. 

Điển hình, Turing đã tăng giá Daraprim – loại thuốc được xem là tiêu chuẩn vàng cho bệnh toxoplasmosis – từ 13.50 USD/viên lên thành 750 USD/viên thuốc, và đưa thuốc này vào một hệ thống phân phối khép kín để ngăn các đối thủ sản xuất thuốc gốc tiềm năng có thể cạnh tranh có thể tiếp cận thuốc để tiến hành các xét nghiệm tương đương sinh học cần thiết cho việc phát triển các lựa chọn thay thế.

Retrophin cũng đã tăng giá Thiola - liệu pháp ưa thích cho việc điều trị một bệnh thận di truyền hiếm gặp, mãn tính có tên cystinuria - từ 1,5 USD/viên lên thành 30 USD/mỗi viên, và thiết lập một hệ thống phân phối khép kín đối với thuốc này. Rodelis trong khi đó tăng giá Seromycin – loại thuốc được xem là tiêu chuẩn vàng đối với bệnh lao đa kháng thuốc - từ 500 USD cho 30 viên lên thành 10.800 cho mỗi 30 viên. Valete - công ty lớn nhất trong số các công ty bị điều tra – cũng là trường hợp phức tạp nhất. Công ty này đã tăng giá không chỉ một loại thuốc tiêu chuẩn vàng đã hết thời gian bảo hộ bằng sáng chế mà tới 4 loại thuốc.

Valeant đã tăng giá của Cuprimine và Syprine - 2 loại thuốc được dùng để điều trị bệnh Wilson – một bệnh di truyền hiếm gặp - từ khoảng 500 USD lên khoảng 24.000 USD cho lượng thuốc đủ dùng trong 30 ngày. Cả hai loại thuốc đều được đưa vào diện thuốc được hỗ trợ thông qua chương trình hỗ trợ bệnh nhân độc quyền được thiết kế để thu hút bệnh nhân và giữ giá cao nhằm loại bỏ các đối thủ tiềm năng do họ có rất ít triển vọng kiếm được lời nếu họ tham gia vào thị trường này. Valete cũng tăng giá của Nitropress và Isuprel - 2 loại thuốc được dùng để cứu sống bệnh nhân trong các trường hợp bị trụy tim, tương ứng từ khoảng 2.000 USD lên thành 8.800 USD và 17.900 USD. 

(Kỳ tới: Người bệnh lãnh đủ)

Đọc thêm