Nhiều giải thưởng “vô lý”?
Ngoài giải thưởng cao nhất, Song lang còn thắng đậm 4 giải hạng mục khác cùng thể loại: Thiết kế âm thanh xuất sắc; Họa sĩ thiết kế xuất sắc; Đạo diễn xuất sắc cho Leon Quang Lê; Diễn viên phụ xuất sắc cho Isaac.
Bông sen bạc thuộc về 3 phim: Hai Phượng, Cua lại vợ bầu và Truyền thuyết về Quán Tiên. Hoàng Yến Chibi được trao giải Nữ diễn viên chính xuất sắc với diễn xuất trong phim Tháng năm rực rỡ. Giải Nam diễn viên chính thuộc về Trấn Thành trong phim Cua lại vợ bầu.
Song Lang được đánh giá cao ở tính nghệ thuật và xứng đáng với Bông sen vàng là kết quả không thể chối cãi. Tuy nhiên, không ít giải thưởng khác được “đặt dấu hỏi” vì nhiều vấn đề.
Cạnh đó, các giải thưởng dành cho Nam và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cũng khiến nhiều người bất ngờ, bức xúc khi cho rằng không xứng đáng. Hoàng Yến Chibi tuy có diễn xuất khá dễ thương trong bộ phim ăn khách Tháng năm rực rỡ, nhưng để được gọi là “xuất sắc” thì còn một khoảng cách rất lớn, nếu không nói là diễn xuất của nữ ca sĩ trẻ này còn “đơ” và cứng.
Trong khi đó, Ngô Thanh Vân với vai Hai Phượng được đánh giá cao hơn nhiều, nhận sự yêu thích của khán giả nhưng trượt giải?. Về phía Trấn Thành, Cua lại vợ bầu được xem là một bộ phim hài giải trí, và diễn xuất của Trấn Thành tuy được gọi là ổn định, nhưng nhiều ý kiến chuyên môn cho rằng, không thể xứng đáng ở giải Nam chính xuất sắc nhất, khi mà Liên Bỉnh Phát của Song Lang vượt trội hơn về chiều sâu diễn xuất.
Vai Nam phụ xuất sắc dành cho Issac cũng bị “đặt vấn đề” về mặt tư duy của ban tổ chức, bởi vai diễn nay được xem là vai chính chứ không phải vai phụ? Một điều khá “buồn cười” là cả hai diễn viên nhận giải Nam và Nữ chính xuất sắc nhất đều không có mặt để nhận giải.
Đạo diễn Phan Huyền Thư:
“Có lẽ tôi cũng chẳng có ý kiến gì nhiều, chỉ cảm thấy LHP giờ đây càng ngày càng mất uy tín, riêng chỉ đối với nhiều người trong nghề đã chán nản, không còn quan tâm nữa, vì nhiều nỗi buồn trong cách thức tổ chức hay xét giải, đừng nói đến sự chờ mong của khán giả bên ngoài. Bởi mùa LHP nào cũng thế, người ta cứ mong đợi có một cái gì đó đột phá, đổi thay về chất lượng, về tư duy, tốt hơn cho điện ảnh Việt. Thế rồi sau khi kết thúc lại đâu cũng vào đấy, lại thấy vọng nặng nề…”.
LHP lần thứ 21 đã kết thúc không thể gọi là “thành công rực rỡ” như BTC đã thông tin, vì ngoài 1 giải thưởng Bông sen vàng “lấy lòng” được khán giả, thì “sạn” có mặt ở khắp nơi”: Từ người đứng đầu, ban giám khảo, khâu xét giải cho đến cách thức tổ chức LHP.
Ngay từ trước khi diễn ra, LHP đã nhận không ít “búa rìu” dư luận khi Trưởng ban tổ chức LHP lại là bà Nguyễn Thị Thu Hà, người bị dư luận phản ứng mạnh bởi nhiều sai phạm thời gian qua. Cạnh đó, việc để Trương Ngọc Ánh, một “người đẹp” không có thành tựu điện ảnh xuất sắc ngồi ở hàng ghế giám khảo cũng khiến khán giả và các nhà làm phim bất phục.
Có thể nhận thấy, năm nay, LHP vắng bóng sự tham gia của rất nhiều đạo diễn kì cựu, tiếng tăm, những nghệ sĩ có thực lực… Ngay từ ở vòng loại, đã có nhiều râm ran khi mà các phim tài liệu, phim truyền hình hay, ăn khách, có giá trị của một số đạo diễn bị “loại thẳng tay” mà không rõ lý do.
Khá nhiều đạo diễn tiếng tăm, từng có phim đoạt các giải trong ngoài nước khi được hỏi vì sao không tham gia, đã trả lời: “Vì không có hứng thú với cách thức tổ chức của LHP trong những mùa gần đây”. Còn vì sao không hứng thú, có lẽ không cần đến câu trả lời của họ cũng hiểu, những tiêu cực lẩn khuất bên trong, những sự “bất phục” đến từ người đứng đầu, và cả những giải thưởng được trao một cách “vô lý có cố ý” nữa.
Một đạo diễn có tiếng, không muốn nêu tên, khi được hỏi đã trả lời: “Hãy hỏi các cô chú đạo diễn gạo cội, danh tiếng của nền điện ảnh Việt mà mấy năm qua không bao giờ có mặt tại LHP để biết lý do, để biết rằng những LHP xưa đã có giá trị, đã trở thành một “ngày hội điện ảnh” của giới làm phim Việt thế nào, để so sánh với sự bung bét, chán ngán của hôm nay”. Đạo diễn này cũng cho biết mình từng tham gia LHP với tư cách ban giám khảo, nhưng chỉ một mùa và không bao giờ quay trở lại, vì chứng kiến nhiều điều “khó nói” trong chấm giải.
Không phải không lý do, mà từ nhiều năm nay, một số đạo diễn danh tiếng đã “nói không” với các giải thưởng do Cục Điện ảnh tổ chức. Thậm chí, còn có những tuyên bố “Kết quả liên hoan phim không phải là thước đo của chất lượng phim”.
Đó không còn là câu chuyện không hay của LHP lần thứ 21, hay của nhiều mùa LHP vừa qua. Đó còn là nỗi buồn của điện ảnh Việt.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh:
“Điều tôi phản ứng là hệ thống và tư duy kiểm duyệt của Hội Đồng Duyệt, và tôi tin rằng đó chính là chướng ngại vật cản trở lớn nhất cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.
Năm nay, bộ phim chạm đến vấn đề xã hội của một bạn đạo diễn trẻ, mang đậm bản sắc Việt Nam, không dùng một xu nào của Nhà nước, đã bị Hội Đồng Duyệt cấm, không cho tham dự LHP Việt Nam lẫn LHP Quốc Tế, mặc dù bộ phim, nhờ sự bảo vệ tiếng nói người làm phim của LHP Quốc Tế Busan - Hàn Quốc, đã được trình chiếu trọn vẹn, nhận được nhiều lời ngợi khen từ các nhà phê bình quốc tế, và chiến thắng giải cao nhất ở LHP này.
Chính sự khó khăn của Hội Đồng Duyệt là tạo nên nỗi sợ hãi trong tâm lý cho người làm phim, và làm phim thì tốn kém, không như thời bao cấp thời của các chú các bác dùng tiền ngân sách làm phim không lo lỗ vốn, chiếu phim phục vụ chính trị không sợ phá sản, thì ai dám đầu tư cho những vấn đề nhạy cảm mà biết chắc sẽ bị gây khó dễ khi đem phim ra chiếu.
Bác Tô Hoàng dùng những từ ngữ miệt thị người làm phim hôm nay như "những người đi buôn nghèo vốn, gắng vét trong rương hòm những đồng tiền ít ỏi để gồng mình thỏa mãn thị hiếu của thị trường phim ảnh thế giới", nhưng họ dùng tiền túi trong sạch của họ, không phải bằng tiền thuế xương máu của nhân dân, bác có hiểu điều đó không?
Tôi không biết người khác thì sao, nhưng bản thân tôi cũng muốn làm phim về những vấn đề xã hội, muốn làm phim về lịch sử, văn hóa truyền thống Việt, nhưng cứ cầm kịch bản này đi tới đâu cũng nhận được sự lắc đầu vì nỗi lo đầu tiên chính là "Em nghĩ sao mà kịch bản này được duyệt?".