Mỗi trường một mức phí
Bảo hiểm tự nguyện bắt đầu được triển khai rộng rãi ở các trường học cách đây hơn 10 năm, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính ban hành Thông tư Liên Bộ số 35-TT/LB (ngày 25/4/1995) hướng dẫn về bảo hiểm toàn diện đối với học sinh, sinh viên.
Theo đó, công ty bảo hiểm có trách nhiệm phải triển khai tới các trường các quy định về bảo hiểm như phạm vi bảo hiểm, quyền lợi của người mua bảo hiểm và thủ tục chi trả tiền. Các trường có trách nhiệm phối hợp với công ty bảo hiểm phổ biến, vận động học sinh, sinh viên và gia đình tham gia bảo hiểm. Cũng chính Thông tư này nhấn mạnh việc tham gia là tự nguyện, Nhà nước chỉ khuyến khích tham gia vì lợi ích của bảo hiểm mang lại cho học sinh, sinh viên, gia đình, nhà trường và xã hội.
Như vậy, phụ huynh, học sinh có thể không mua và không ai được quyền ép buộc mua; nếu mua, phụ huynh được quyền chọn hãng bảo hiểm, mức phí bảo hiểm. Nhưng thực tế, quy định nói trên đang bị làm trái hết sức nghiêm trọng tại một số trường trên địa bàn Hà Nội. Nhiều phụ huynh phản ánh, họ không hề được nhà trường phổ biến gì, không được tự nguyện quyết định mà buộc phải mua theo thông báo đơn phương của nhà trường.
Không chỉ mất quyền tự quyết định tham gia bảo hiểm, phụ huynh còn bị “ép” mức tiền phải nộp do nhà trường tự ý đưa ra. Theo tìm hiểu của chúng tôi ở một số trường học trên địa bàn Hà Nội, có trường mức phí này là 50 ngàn, 80 ngàn hay 100 ngàn, thậm chí 120 ngàn đồng nhưng phụ huynh và học sinh không hề được hỏi ý kiến xem mức đó có phù hợp với điều kiện của gia đình không.
Lãnh đạo một trường trên địa bàn Hà Nội không giấu giếm cho biết: “Mức tiền bao nhiêu, đơn vị bảo hiểm nào là do nhà trường chọn, trên cơ sở uy tín của họ “làm ăn” với nhà trường nhiều năm qua; trường chọn mức phí trung bình, không cao quá, không thấp quá để áp dụng cho toàn trường”. Cá biệt, Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội “mạnh tay” chọn gói bảo hiểm 3 năm và sinh viên của trường phải đóng một lần ngay ngày đầu nhập học.
Tiền trao nhưng “cháo” không được múc
Đó là thực trạng không ít phụ huynh học sinh đang phải đối mặt, do sau khi mua bảo hiểm, học sinh không hề được trả lại bất cứ một giấy chứng nhận hay hợp đồng nào để chứng nhận học sinh đã tham gia và được bảo hiểm khi xảy ra rủi ro.
Theo khảo sát của phóng viên, chỉ có bảo hiểm y tế bắt buộc được trả Thẻ bảo hiểm y tế để các cháu sử dụng khi đi khám chữa bệnh, còn sau khi đóng tiền bảo hiểm tự nguyện thì không ai được nhìn thấy tấm thẻ như thế nào. Việc không có giấy chứng nhận đồng nghĩa với việc phụ huynh, học sinh không hề biết mình đã mua bảo hiểm của hãng nào vì thị trường hiện nay có rất nhiều nhà bảo hiểm cung cấp dịch vụ này như Bảo Việt, Bảo Minh, Bảo hiểm Bưu điện, Bảo hiểm Quân đội…, và trong trường hợp cần thiết thì liên hệ ở đâu để được bảo hiểm.
Chị Thanh, phụ huynh học sinh tại quận Ba Đình (Hà Nội) bày tỏ: Nên chăng, từng nhà trường phải thống kê mỗi năm có bao nhiêu học sinh được bảo hiểm thân thể, từ đó nhìn nhận nghiêm túc việc thực hiện bảo hiểm tự nguyện tại các trường đã đặt mục tiêu bảo hiểm lên trên hết hay chưa, hay vì một mục đích nào khác.
Không được ép mua bảo hiểm
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - cho biết: “Năm nào Sở cũng có văn bản chỉ đạo, luôn nói rõ các bậc cha mẹ hoàn toàn có quyền tự chọn đơn vị bảo hiểm, mức bảo hiểm, hình thức bảo hiểm (bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn thương tích…). Đầu năm học này, Sở đã ký hai văn bản ngày 21/8/2014 và ngày 15/9/2014 gửi các trường với nội dung quán triệt: “Do đây là bảo hiểm tự nguyện nên khi triển khai phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và tinh thần tự nguyện của gia đình học sinh. Gia đình học sinh có thể lựa chọn bất kỳ đơn vị bảo hiểm nào có đủ tư cách pháp nhân, có năng lực và phù hợp với điều kiện của mình để lựa chọn tham gia. Tuyệt đối không được ép buộc, chỉ định hoặc giới hạn đơn vị bảo hiểm để gia đình học sinh phải tham gia”.
Chính Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong khi kiểm tra công tác thu, chi đã “bắt quả tang” một trường ở thị xã Sơn Tây thu mỗi học sinh 100 ngàn đồng tiền bảo hiểm tự nguyện nhưng không hỏi ý kiến phụ huynh và trường này đang phải giải trình.
Về việc không cấp thẻ bảo hiểm cho học sinh, một đơn vị tham gia triển khai hoạt động này lý giải, hãng phối hợp với nhà trường xác nhận danh sách học sinh tham gia bảo hiểm của từng lớp trong từng năm học, và đây được coi là cơ sở chi trả quyền lợi bảo hiểm khi rủi ro xảy ra đối với học sinh, sinh viên. Một số trường khi được phụ huynh hỏi cũng trả lời rằng danh sách các học sinh mua bảo hiểm sẽ được lưu tại trường và khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, học sinh, phụ huynh báo cho nhà trường để nhà trường báo cho cơ quan bảo hiểm.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì doanh nghiệp có nghĩa vụ cấp cho bên mua bảo hiểm giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm ngay sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Có thể thấy, việc chỉ lập danh sách là hình thức “lách” luật, nhằm có lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm không phải in thẻ nhưng gây khó khăn, trở ngại cho học sinh trong việc thực hiện quyền lợi bảo hiểm của mình.
Rõ ràng, việc thiếu minh bạch trong triển khai bảo hiểm tự nguyện ở một số trường trên địa bàn Hà Nội không những vi phạm quy định pháp luật về bảo hiểm mà còn gây hoài nghi cho phụ huynh về sự thiếu khách quan của nhà trường, ảnh hưởng đến một chủ trương tốt nhằm bảo vệ quyền lợi cho học sinh.