Lợi dụng biến động bất thường để ép giá có thể phạm luật

Theo Dự thảo Luật giá, hành vi áp dụng phân biệt về giá khi cung cấp cùng một loại hàng hoá hoặc dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân khác nhau; lợi dụng những biến động bất thường xảy ra, lợi dụng chủ trương điều hành kinh tế, tài chính, tiền tệ, giá cả của Nhà nước để đầu cơ găm giữ hàng hoá, dịch vụ tăng giá, ép giá...  bị coi là vi phạm pháp luật.

Bộ Tài chính đang soạn thảo Dự thảo Luật giá với các quy định cụ thể và liên quan mật thiết đến quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

Những hành vi bị cấm

Theo Dự thảo, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại cửa hàng, nơi giao dịch mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Việc niêm yết giá phải rõ ràng, công khai, không gây nhầm lẫn cho khách hàng. 

dhd
Ảnh minh họa

Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và mua bán đúng giá đã niêm yết. Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải giải quyết kịp thời mọi khiếu nại của người tiêu dùng về giá hàng hoá, dịch vụ mà mình bán (hoặc mua) không đúng giá đã công bố hoặc hợp đồng đã giao kết. Bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định của pháp luật.

Với mục tiêu tạo dựng một thị trường cạnh tranh lành mạnh, Dự thảo Luật Giá đã liệt kê một loạt các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Cụ thể đó là các hành vi: Liên minh với các tổ chức, cá nhân khác để tác động làm sai lệch giá so với giá thị trường; lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường, liên kết độc quyền ấn định mức giá bán (hoặc mua) bất hợp lý gây tổn hại đến quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng hoặc các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khác và của Nhà nước; chào giá hoặc áp dụng giá bán hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng quá thấp bất hợp lý so với giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh hoặc độc chiếm thị trường, làm đảo lộn trật tự sản xuất và kinh doanh gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh khác hoặc lợi ích của Nhà nước; bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của pháp luật về chống bán phá giá; bịa đặt, tung tin thất thiệt không có căn cứ về việc tăng hoặc giảm giá và làm cho giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm giá quá thấp bất hợp lý.

Bên cạnh đó, đối với hành vi như: Áp dụng phân biệt về giá (bao gồm phân biệt cả về giá bán buôn hoặc giá bán lẻ) khi cung cấp cùng một loại hàng hoá hoặc dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân khác nhau; lợi dụng những biến động bất thường xảy ra (thiên tai, hoả hoạn, địch hoạ, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác), lợi dụng chủ trương điều hành kinh tế, tài chính, tiền tệ, giá cả của Nhà nước để đầu cơ găm giữ hàng hoá, dịch vụ tăng giá, ép giá... cũng bị coi là vi phạm pháp luật.

Khi nào áp dụng biện pháp bình ổn giá?

Khi giá cả hàng hóa, dịch vụ cụ thể hoặc khi toàn bộ mặt bằng giá có biến động bất thường, thì Nhà nước công bố và áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Những hàng hóa, dịch vụ phải áp dụng các biện pháp bình ổn giá bao gồm: hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đối với sản xuất và tiêu dùng; hàng hóa, dịch vụ liên quan đến việc các doanh nghiệp vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị thế độc quyền, lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường theo quy định của pháp luật về cạnh tranh để quy định giá gây thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng, của các tổ chức, cá nhân khác và của Nhà nước...

Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ quy định cụ thể về danh mục hàng hóa, dịch vụ phải áp dụng các biện pháp bình ổn giá phù hợp với từng thời kỳ. Nhà nước không quy định giá hàng hóa, dịch vụ đã có thị trường cạnh tranh mà chỉ thực hiện quy định giá đối với hàng hóa, dịch vụ độc quyền; hàng hóa, dịch vụ có tính cạnh tranh hạn chế nhưng quan trọng, thiết yếu đối với sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Về đối tượng thẩm định giá, Dự thảo Luật giá quy định gồm 2 nhóm tài sản. Thứ nhất là bất động sản; động sản bao gồm cả máy móc, thiết bị và các hàng hoá, dịch vụ; giá trị DN; rừng; mặt nước; tài nguyên, khoáng sản; quyền khai thác các loại tài nguyên, khoáng sản; kết cấu hạ tầng; quyền sở hữu trí tuệ và các tài sản vô hình khác; các tài sản tài chính (các loại giấy tờ có giá); tài sản, hàng hoá, dịch vụ khác trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thứ hai là các tài sản nhà nước phải thẩm định giá theo quy định của Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước.

Dự thảo cũng nêu rõ, thẩm định giá của nhà nước chỉ thực hiện nhiệm vụ thẩm định giá tài sản được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; các tài sản của nhà nước cho thuê, đi thuê, chuyển nhượng, bán, thanh lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.  Doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện thẩm định giá đối với tất cả các loại tài sản mà xã hội có nhu cầu thẩm định giá, kể cả tài sản mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước khi có yêu cầu.

Đông Quang

Đọc thêm