Chỉ trong vòng hơn 1 năm, tại làng Suối Cối 2 (xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) đã xảy ra 12 trường hợp người dân uống thuốc độc tự tử, sau đó người mê tín nghe lời đồn thất thiệt của “thầy” mo, tổ chức cúng kính tràn lan.
Theo nhau tự vẫn
Theo Trưởng thôn La Đoàn Năm, việc người dân trong thôn tự tử chỉ mới xảy ra hơn một năm nay. Đầu tiên là một người đàn ông từ tỉnh Đắk Lắk về thăm bà con vào tháng 3/2014 rồi bất ngờ quyên sinh. Đó là anh La Mo Rơ (42 tuổi).
Hôm đó anh Rơ cùng hai thanh niên khác trong làng đến câu cá ở bờ suối. Tới chiều tối, họ gọi thêm hai thanh niên khác ngồi nướng cá nhậu ở nhà một người quen.
Đang nhậu, anh Rơ bỏ đi ra phía sau nhà. Khoảng 15 phút sau, bạn không thấy anh vào, đi tìm, phát hiện anh đã chết do uống thuốc độc. Chai thuốc sâu này là của chủ nhà đi làm về để ở mép sau nhà, định bụng hôm sau mang đi làm tiếp.
Ông Năm cho biết: “Người thân của anh Rơ cho biết trước đó anh không xích mích hay mâu thuẫn với ai. Chuyện gia đình cũng bình thường. Trước ngày tới đây, anh còn nói với vợ con đi thăm bà con vài hôm rồi về làm rẫy. Vợ anh cũng khẳng định anh là người hòa nhã, vui tính, ít để bụng chuyện người khác”.
Anh Rơ tự tử chưa rõ nguyên nhân thì bảy ngày sau, bà La Lan Hoi (58 tuổi) tiếp tục uống thuốc sâu tự vẫn. Ông La Mo Man (62 tuổi) kể về cái chết của vợ mình:
“Hôm đó vợ tôi đi làm đồng về, đang ngồi nghỉ ngoài thềm thì bỗng nhiên chạy vào trong nhà lấy chai thuốc trừ sâu mở nắp uống ừng ực. Tôi hốt hoảng tri hô mọi người đưa đi cấp cứu nhưng được nửa đường thì bả tắt thở. Trước đó bả không đau bệnh hay phiền lòng chuyện gì, gia đình vẫn trong ấm ngoài êm”.
Nạn nhân tiếp theo là ông La Mo Nin, mới hơn 50 tuổi, khỏe mạnh, các con đều đã lập gia đình, cuộc sống ổn định. Nhà còn hai vợ chồng sớm tối có nhau, chưa hề xảy ra mâu thuẫn gì, với bà con hàng xóm càng không. Thế nhưng không hiểu lý do vì sao, một ngày cuối tháng 6/2014, đi làm về, ông Nin lấy chai thuốc sâu uống chết tại chỗ. “Tôi sợ quá, phải mời “thầy cúng” về “giải tà” cho ngôi nhà”, vợ ông Nin nói.
Kinh hoàng nhất, chỉ trong 5 ngày đầu tháng 12/2014, dân làng phải chứng kiến liên tiếp ba người phụ nữ uống thuốc độc tự tử. Đầu tiên là bà La Lan Thị Dơn (53 tuổi). Theo người con dâu 26 tuổi ở chung nhà, trước đó mẹ chồng mình hoàn toàn bình thường, tỉnh táo, không có vẻ gì buồn bực, không xích mích với ai.
“Tối xảy ra sự việc, cả gia đình ăn cơm nói chuyện vui vẻ, sau đó mẹ còn đùa giỡn với con tôi rất lâu mới đi ngủ. Vậy mà rạng sáng hôm sau, cha xuống nhà dưới, phát hiện mẹ đã uống thuốc chết”, chị kể.
Hai ngày sau, đến lượt cô bé La Lan Lăm (18 tuổi) ở cách đó không xa. Ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, thần chết không dễ cướp đi sinh mạng cô. Thế nhưng Lăm chỉ có thể vật vã chống chọi ở bệnh viện được ba ngày rồi tắt thở.
Ngay trong ngày đưa tang Lăm, làng lại nhận tin dữ, chị La Lan Thị Tưởng (36 tuổi) cũng vừa tìm đến cái chết bằng thuốc độc. Chị Tưởng mất chồng, có một con đang học lớp sáu, căn nhà nhỏ nay bỏ hoang.
Nhiều gia đình đã cẩn thận đề phòng nhưng cũng không tránh khỏi. Như trường hợp con trai bà La Thị Liên (56 tuổi). Bà Liên hồi ức: “Thấy nhiều người đồn thổi trong làng có “tà ma”, tôi đã căn dặn những người thân trong gia đình đi đâu cũng phải cẩn thận. Dù đã đề phòng như vậy, đứa con trai sắp cưới vợ tự nhiên sau buổi đi cày ruộng vẫn lấy chai thuốc sâu uống ngay trước ngày cưới” .
|
Một số người có người thân tự tử thuật lại sự việc |
Cúng kính tràn lan
Lo sợ, người làng làm đơn đến chính quyền địa phương, mong muốn sớm tìm ra nguyên nhân để bà con sớm yên lòng sinh sống. Bà Hòa buồn bã tâm sự: “Biết chuyện làng nhiều người tự vẫn, từ đó ai đến làng cũng không dám ở lâu. Có người cho rằng đã vào làng sẽ bị “ám”, nên làng chúng tôi đang bị người dân các nơi kỳ thị, xa lánh”.
Nỗi ám ảnh đó cứ kéo dài thêm, cuộc sống của người dân bị xáo trộn. Một số gia đình chuyển đi ở nơi khác.
Theo Trưởng thôn La Đoàn Năm, hầu hết hộ dân ở đây là người Chăm H’Roi, từ xưa đã quan niệm về “lời nguyền thế chỗ với người tự tử”. Ông Năm giải thích: “Theo quan niệm mê tín này, muốn được siêu thoát, linh hồn người tự tử phải lôi kéo một người khác “thế chỗ”.
Để giải “lời nguyền” đó, làng đã chôn cất riêng những người tự tử, phải cúng một con heo để “thần linh” tống khứ linh hồn người ấy đi, vậy mà tai họa vẫn chưa dứt”.
Vị trưởng thôn thừa nhận việc cúng kính là không phù hợp, chỉ xuất phát từ lo lắng của người dân nên thôn họp dân và các hộ thống nhất đóng góp chứ chính quyền xã không biết. Từ buổi “tế thần” này, một số kẻ xấu lợi dụng loan truyền điều xấu, mê tín dị đoan rằng làng bị “ma ám”.
Ông Đặng Chí Hậu, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1 cho hay, xã đã cử cán bộ đến từng nhà dân tìm hiểu, tuyên truyền để ngăn chặn những vụ việc tự tử.
Chủ tịch xã nói: “Hơn một năm trở lại đây, thôn Suối Cối 2 có hiện tượng người dân đang sống khỏe mạnh, bình yên, bỗng dưng quyên sinh. Những giả thiết do “ma ám”, do “lời nguyền” đều là không có căn cứ, phản khoa học.
Chúng tôi cho rằng đó là một hiện tượng tâm lý bất thường nào đó, đã kiến nghị lên cấp trên và các cơ quan khoa học vào cuộc tìm nguyên nhân, để bà con yên tâm lao động sản xuất”.
Ông Võ Cao Phi, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân xác nhận: “Các phòng ban liên quan đang tìm hiểu cụ thể xem người dân đang thiếu thốn hay bức xúc điều gì dẫn đến tự tử nhiều như vậy, để có hướng vận động, giúp đỡ họ vượt qua”.
Ngoài thôn Suối Cối 2 ở xã Xuân Quang 1, một số xã miền núi khác của tỉnh Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hòa cũng lẻ tẻ xảy ra một số vụ việc tương tự.
Theo vị Chủ tịch huyện, lúc này trước tiên cần phát huy uy tín của những già làng nhằm xua tan nỗi lo sợ, vận động người dân không tìm đến cái chết vô nghĩa.
Chính quyền cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền, hạn chế tối đa việc cúng kính tràn lan gây mất trật tự an ninh địa phương, tốn tiền bạc một cách vô ích./.