Cặp đôi đồng tính mơ ngôi nhà có tiếng trẻ thơ

(PLO) - Sau bao điều tiếng và gièm pha của người đời, ba má Tùng cũng đành tổ chức hôn lễ cho con trai của mình với một cô dâu “đực rựa”. Cuộc sống của họ khá hạnh phúc nhưng thiếu sự ấm cúng vì vắng tiếng cười nói của trẻ thơ. “Chúng tôi chỉ mong ước có một đứa con- dù con đẻ hay con nuôi đều hạnh phúc- nhưng tại sao pháp luật lại không thừa nhận?.”
Cặp đôi đồng tính mơ ngôi nhà có tiếng trẻ thơ

Sinh ra trong một gia đình gia giáo nên Nguyễn Khánh Tùng (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) được ba má cho ăn học đến nơi đến chốn. Vì là út, lại là con trai duy nhất trong gia đình có 4 chị em nên Tùng được ba má và các chị rất cưng chiều. Từ nhỏ đến lớn, hầu như chưa có đòi hỏi nào của cậu mà gia đình nỡ từ chối. Tuy nhiên, việc kết hôn của Tùng đã làm cho họ xấu hổ với bà con xóm giềng. Chẳng là vợ sắp cưới của Tùng không phải cô gái nết na, thùy mị như gia đình cậu hằng mong ước, đó là một người đàn ông thuộc giới tính thứ ba, hay nói đúng hơn, người đó cũng là một dân “gay” như Tùng.

“Tôi không nhớ thuở nhỏ mình thích chơi với ai, nhưng từ khi biết rung cảm với cái đẹp thì tôi không thấy hào hứng khi nhập hội với đám con trai cùng lứa. Thay vì những trò đá banh hay lội đồng bắt cá, tôi có thể ngồi hàng giờ xem chị gái trang điểm và làm đẹp móng tay, móng chân.
Đến tuổi trưởng thành, tôi không hề có cảm tình với những người bạn gái cùng lớp mà trái tim lại xao xuyến với người cùng giới; điều này đã gây cho tôi không ít phiền phức và bất hạnh. Rất may, cũng có người hiểu và chia sẻ với tôi, đó là Lê Công Phụng- một người bạn trai tôi quen trên một chuyến đò về quê ngoại. Phụng kém tôi hai tuổi và rất dễ mến, hiện em đang học nghành thiết kế thời trang tại Sài Gòn. Từ khi gặp em, tôi mới thấy cuộc đời mình thật sự có ý nghĩa. Như mạch nước ngầm bị người đời vùi lấp và lãng quên, chính Phụng đã đến và nhẹ nhàng khơi thông dòng chảy để tôi có thể tự do tuôn trào những cảm xúc thật của mình. Chỉ sau hơn một năm quen nhau, chúng tôi đã cảm thấy không thể sống thiếu nhau trên cõi đời này”- Tùng tâm sự.
Mong ước lớn nhất của các cặp vợ chồng đồng tính là có một đứa con từ máu mủ của mình (Ảnh: nguồn Internet)
Mong ước lớn nhất của các cặp vợ chồng đồng tính là có một đứa con từ máu mủ của mình (Ảnh: nguồn Internet)
 Sau nhiều năm đấu tranh tư tưởng, Tùng quyết định thưa chuyện với ba má chuẩn bị cho hôn lễ của mình. Khi nghe chuyện, mới đầu ba má Tùng mừng rơi nước mắt, nhưng lúc biết cô dâu cũng chỉ là một thằng đàn ông như con trai mình thì những giọt nước mắt hạnh phúc của các đấng sinh thành biến thành giọt nước mắt của sự đau đớn, tủi hổ. Sau giây phút bàng hoàng, họ cương quyết từ chối tổ chức hôn lễ cho con trai và còn dọa sẽ từ  mặt con nếu Tùng vẫn giữ ý định cũ.
Nhưng rồi, mưa dầm thấm lâu, sau khi nghe con tâm sự và thấu hiểu những thiệt thòi mà Tùng phải chịu đựng bấy lâu, ba má cậu đã tổ chức một đám cưới tưng bừng cho con trai để mời họ hàng và bà con láng giềng.
Đến nay “vợ chồng” Tùng về sống với nhau đã được hơn hai năm và rất hạnh phúc. Điều duy nhất khiến cặp đôi này chưa vui là ngôi nhà thiếu vắng tiếng cười nói bi bô của trẻ thơ. Gần đây, “vợ” Tùng có ý định xin một đứa con nuôi và Tùng cũng rất hồ hởi với ý kiến này. Đứa con nuôi mà họ nhắm đến là con chị gái của Phụng, năm nay bé chưa đầy 6 tuổi. Do ba của bé mất sớm, nhà chị gái Phụng vừa đông con, lại nghèo nên “vợ chồng” Tùng đã thống nhất nhận bé làm con nuôi.
Vậy nhưng, khi họ ra chính quyền xã xin làm thủ tục thì bị từ chối với lý do: pháp luật chưa công nhận hôn nhân đồng giới. Cán bộ tư pháp xã còn giải thích rằng, việc không công nhận giá trị pháp lý của hôn nhân cùng giới, đồng nghĩa với việc pháp luật không thừa nhận quyền và nghĩa vụ của những cặp vợ chồng này, trong đó có quyền nhận nuôi con nuôi.
     “Khi nghe tin này, cả hai chúng tôi vô cùng thất vọng. Mong ước lớn nhất của chúng tôi lúc này là có một đứa con- dù con đẻ hay con nuôi đều hạnh phúc. Chẳng lẽ pháp luật đã không thừa nhận hôn nhân đồng giới, lại còn “cấm cửa” việc nhận nuôi con nuôi của những cặp vợ chồng như chúng tôi? Trong trường hợp này chúng tôi phải làm gì để có thể được nhận con nuôi một cách hợp pháp?”- Khánh Tùng thắc mắc.
Bà Phạm Thị Kim Anh, Phó Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp):
 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 không cấm những người cùng giới tính kết hôn nhưng pháp luật vẫn không thừa nhận giá trị pháp lý của hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Điều này cho thấy, mặc dù anh và anh Lê Công Phụng đã được cha mẹ tổ chức hôn lễ nhưng hôn lễ đó không được pháp luật công nhận.
Quyền sinh con và quyền nhận nuôi con nuôi đều là các quyền dân sự của con người. Luật Nuôi con nuôi không có quy định trực tiếp cấm người cùng giới tính nhận con nuôi. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 8 của Luật này thì một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng. Như vậy, trong trường hợp này, cả hai anh cùng muốn nhận nuôi con nuôi (kể cả trong trường hợp con nuôi là cháu gái của “vợ” anh) là không phù hợp với quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, bởi vì hôn nhân của hai anh không được pháp luật thừa nhận. Việc Ủy ban nhân dân xã nơi hai anh thường trú từ chối đăng ký yêu cầu nuôi con nuôi của hai anh là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Nếu hai anh vẫn tiếp tục chăm sóc và nuôi dưỡng cháu gái của “vợ” anh như con của mình thì sẽ không bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất của đứa trẻ, vì như thế hai anh không tạo lập được mối quan hệ cha mẹ và con lâu dài với cháu.
Nếu “vợ” anh với tư cách là người độc thân, có thể tiến hành thủ tục nhận cháu gái của mình làm con nuôi. Song việc nhận con nuôi đó chỉ làm phát sinh mối quan hệ “mẹ” và con giữa “vợ” anh và cháu gái của mình. Giữa anh và đứa con nuôi của “vợ” anh không có một mối quan hệ pháp lý nào ràng buộc cả. Như vậy, việc “vợ” anh nhận con nuôi cũng không tạo cho cháu một môi trường gia đình thuận lợi cho sự phát triển của đứa trẻ, bởi trẻ em phải được sống trong một môi trường gia đình hài hòa và thuận lợi cho sự phát triển của trẻ em đúng như Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em quy định.
Với những phân tích trên, hai anh nên cân nhắc thật kỹ càng về mong muốn nhận con nuôi của mình, mặc dù mong muốn đó là chính đáng. Lý do là dù hai anh có thực hiện việc chăm sóc và nuôi dưỡng thực tế cho cháu gái của “vợ” anh thì việc chăm sóc và nuôi dưỡng đó cũng không thể làm phát sinh quan hệ cha, mẹ với đứa trẻ./.