Chiều ngày 16/11/2017, tại Bộ NN&PTNT đã diễn ra buổi lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Chương trình Khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ xây dựng nông thôn mới và Chương trình KHCN Tây Bắc, Tây Nguyên,Tây Nam Bộ.
Lễ ký kết nhằm mục đích lồng ghép thực hiện các Chương trình KHCN trong giai đoạn 2016-2020, phát huy có hiệu quả nguồn lực của các Chương trình phục vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở các vùng trọng điểm Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Đây là bước khởi đầu quan trọng để các Chương trình xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể, phối hợp thực hiện các đề tài, dự án, trao đổi kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu, nhằm tạo ra những sản phẩm KHCN có tính liên ngành, liên vùng phục vụ có hiệu quả tái cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới cho các vùng.
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng Ban Kinh tế TW Nguyễn Văn Bình ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến phối hợp giữa Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới với các Chương trình KHCN Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, cho rằng đây là hoạt động thiết thực để triển khai chủ trương “Nghiên cứu cơ chế, quản lý liên kết, hợp tác phát triển vùng phù hợp, tạo điều kiện phát triển các khu vực, địa bàn còn nhiều khó khăn, nhất là miền núi, biên giới, hải đảo, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và phía tây các tỉnh miền Trung” đã được đề ra tại Văn kiện Đại hội XII của Đảng.
Trưởng ban Kinh tế TW nhấn mạnh, trong thời gian tới, trước yêu cầu phát triển bền vững các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các chương trình KHCN cần có sự phối hợp, lồng ghép nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực và đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp công nghệ thiết thực, hiệu quả phục vụ xây dựng nông thôn mới và phát triển KT-XH bền vững của các vùng.
Để triển khai các thỏa thuận ký kết có hiệu quả và nâng cao chất lượng nghiên cứu, Trưởng ban kinh tế TW đề nghị các đơn vị cần: Triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu đảm bảo các yêu cầu minh bạch, đồng bộ, thiết thực, hiệu quả; sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy chế tổ chức, quản lý hoạt động của các Chương trình; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhiều tổ chức KH&CN, DN tham gia; xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá, nghiệm thu và phổ biến kết quả nghiên cứu và cuối cùng là mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn tài trợ.
Trưởng ban Kinh tế TW cũng đề nghị các ban, bộ, ngành trung ương tiếp tục có sự quan tâm đặc biệt đến các chương trình KH&CN, tạo điều kiện cho các chương trình triển khai có chất lượng tốt nhất, phục vụ phát triển kinh tế 3 vùng gắn với xây dựng nông thôn mới.