Thói quen từ… mà cà rồng
Ngoằn nghèo qua nhiều con hẻm thuộc đường Sư Vạn Hạnh (quận 10 ,TP.HCM) tôi mới gặp được bà Quách Tú Loan, bà là một trong những người làm nghề Nails đầu tiên ở Sài Gòn. Bà Loan năm nay 79 tuổi, bà gắn bó với nghề Nails 40 năm và “về hưu” cách nay sáu năm.
Theo bà Loan, nghề làm Nails có từ khi nào, ở đâu thì bà không biết nhưng nghề này du nhập vào miền Nam nước ta vào khoảng những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước.
Vào lúc này ngành điện ảnh Mỹ phát triển mạnh với những bộ phim hành động mang tính bạo lực, nhằm làm tăng thêm sức mạnh hủy diệt của các nhân vật “ma cà rồng”, những móng tay chân của ma được sơn xanh đỏ và nhiều người thích phim đã bắt chước sơn móng tay móng chân. Từ đó trở thành một nhu cầu làm đẹp của giới chị em.
Nghề Nails du nhập vào Việt Nam lúc đầu chỉ có một số ít dân thành thị, trong đó chủ yếu là các cô đào hát, gái làng chơi, vợ của lính Mỹ và một ít phụ nữ giàu có ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ… xài, dân lao động thì hầu như không ai dám sơn móng tay đỏ lòe mà đi ra đường.
Cho đến những năm 70 việc sơn móng tay móng chân đã “phổ cập” đến nhiều đối tượng chị em phụ nữ và Nails chính thức trở thành một nghề kiếm sống của không ít người.
Bà Trần Thị Hạ, một người làm nghề Nails chuyên nghiệp ở khu vực ngã tư Bẩy Hiên ,nay sức yếu đã nghỉ làm kể, ngày trước những người nghèo, thất nghiệp mới làm nghề Nails vì nghề không cần vốn, chỉ cần khéo tay và chịu khó là được. Nghề Nails chỉ cần bộ kềm, dũa, vài ba lọ sơn là đủ.
“ Xách một cái bị cói với túi đồ nghề tôi đến chợ Tân Bình, chợ Ông Tạ, chợ Bà Qụeo làm móng tay cho các chị bán hàng. Dần dà quen mối lại về tận nhà họ làm nữa, nhờ đó tôi đã nuôi được 5 đứa nhỏ khôn lớn đàng hoàng” .
Làm giàu từ nghề sơn móng
Từ khi tạo thiên lập địa đến nay, công việc sinh ra sau khi con người có nhu cầu, nghề Nails là một ví dụ điển hình nhất. Nghề này sinh ra khi người ta có nhu cầu và một thời nó bị thu hẹp song có lúc lại “ăn nên làm ra” như ngày nay. Bây giờ nếu ai nói nghề Nails là nghề thấp hèn thì… bé cái nhầm, vì còn tạo cơ hội cho nhiều người trở thành triệu phú đô la.
Ở Việt Nam hiện nay, việc sơn, vẽ, khắc, đắp nổi lên từng đầu ngón tay ngón chân các họa tiết, hình thù đủ kiểu dáng, đủ màu sắc là nhu cầu của số đông chị em, bất luận là giàu hay nghèo. Để đáp ứng được nhu cầu này, nghề Nails không ngừng được nâng cấp và phát triển mạnh.
Trong nghề Nails ở Việt Nam hiện nay, không ai nổi tiếng và thành công bằng năm chị em nhà họ Pang ở quận 5, TP.HCM. Từ một sự cơ duyên đến với nghề Nails, sau 10 năm năm chị em đã gầy dựng được một công ty với nhiều chi nhánh chuyên đào tạo về ngành Nails và thực hiện cho một số khách hàng VIP đông đảo trong và ngoài nước.
Pang Mỹ Linh, chị cả, Giám đốc Công ty Đào tạo nghề trang trí và chăm sóc móng Kelly Pang cho biết, năm 1996 nhà họ Pang đang giàu có rồi bỗng dưng phá sản và cả nhà thất nghiệp. Trong khi đang túng quẫn, một người bà con ở Mỹ về đã chỉ cho cô nghề làm Nails, cô học say sưa và tỏ ra có năng khiếu.
Một vài năm sau, nhân một lần qua Thái Lan, thấy các tiệm Nails quá đông khách, cô đăng ký tham gia học thử, càng học cô càng thấy mê. Năm 2003 cô gom góp vốn mở được một tiệm chuyên về Nails tại đường Trần Huy Liệu (Phú Nhuận) nhưng ít khách đến.
“Để mỗi khách hàng đến đây trở thành khách quen mình phải làm thật đẹp và giá rẻ. Muốn làm được điều tưởng chừng đơn gian này tôi phải thức suốt nhiều đêm để học nghề”- Mỹ Linh chia sẻ .
Năm 2004, Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM tổ chức cuộc thi "Trang trí móng mùa xuân" Pang Mỹ Linh đăng ký tham gia và đoạt giải nhất. Đoạt giải, người ta biết tên và rủ tham gia cuộc thi Nails Design châu Á tại Osaka (Nhật Bản), Pang Mỹ Linh đứng vào tốp 10 của cuộc thi.
Tại cuộc thi Nails châu Á 2008 ở Malaysia sau đó, với 120 giờ chuẩn bị và thực hiện bộ môn vẽ nổi 3D bằng bột Acrylic Powder, màu nhũ, pha lê với chủ đề "công chúa hoa hồng", Pang Mỹ Linh đoạt giải nhất và nổi tiếng trong làng Nails của cả thế giới.
Nhờ giỏi tay nghề, chị em họ Pang đã thành lập Công ty Kelly Pang, cả năm chị em là người quản lý, là thợ và cũng là thầy truyền nghề cho học viên. Ở các tiệm Nails do chị em Pang Mỹ Linh mở tại TP.HCM, khách hàng chủ yếu là giới người mẫu, nghệ sỹ và nhà giàu.
Công ty hiện còn có bốn chi nhánh đào tạo tại TP.HCM, giúp được hơn 4000 học viên trên cả nước học giỏi nghề Nails, trong đó có hàng trăm học viên là người nước ngoài và Việt kiều.
Ngày trước những ai ít vốn, không nghề nghiệp thì lấy nghề Neils làm nghề sinh nhai nhưng hiện nay Nails là một nghề danh giá, có doanh thu cao và được nhiều người tham gia hành nghề. Tại TP.HCM, Nails có hai dạng được phân cấp rạch ròi, Nails cao cấp dành cho người giàu và Neils bình dân dành cho người nghèo và có hàng nghìn người làm nghề.
Neils bình dân là những tiệm nhỏ, những người làm Nails dạo. Chị Tô Thị Lan, một người làm Neils dạo ở khu vực chợ Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh cho biết, giá một lần làm Nails trọn bộ (cả chân tay) từ 15.000- 35.000 đồng, mỗi ngày làm giỏi thì được chục người, hơn nhiều lương nghề may.
Chị Hằng, ngụ quận Thủ Đức, chuyên làm Nails cho các tiểu thương chợ An Đông hàng chục năm nay cho biết, giá thấp nhất một lần làm Nails trọn bộ là 50.000 đồng, cao nhất từ 800.000 đồng /lần. “Nhờ làm quen cho khách rồi tạo thành mối mối nên làm hoài không hết việc”- chị Hằng khoe.
Các tiệm Nails “quý tộc” nằm ở khu vực quận nhất, quận 3, quận 5 hoặc tại một số khách sạn 4-5 sao giá dịch vụ rất đắt nhưng khách không hề ít. Một lần làm Nails giá từ 500. 000-2 triệu đồng là bình thường, giá dịch vụ cao thấp là do tay thợ và khả năng phục vụ của thợ đối với khách. Chị Tâm, thợ Nails của một tiệm nằm sau chợ Bến Thành cho biết, ngoài biết vẽ, đắp bột, khéo léo trong từng đường tỉa tót móng, người thợ còn phải biết “hầu chuyện” với khách. Người thợ Nails nếu “tám chuyện” hay, không chỉ làm cho khách hài lòng mà còn được bo thêm tiền.
Nghề Nails của Việt Nam trong nước phát triển một thì ở Mỹ, Canada, Úc phát triển còn gấp 10 và người Việt luôn “cầm trịch” cái nghề này . Tại Mỹ, ông Charlie Tôn Quý được đánh giá là một trong 6 tỷ phú đô la gốc Việt nhờ ông kinh doanh nghề Nails. Hiện nay hệ thống Regal Nails với hơn 1.100 tiệm Nails trên đất Mỹ, giúp ông Tôn Quý thu về doanh thu khoảng 450 triệu USD mỗi năm.
“Nghề Nails bây giờ rõ ràng không còn là một nghề phụ, nghề hèn mọn nữa mà trở thành một nghề làm dịch vụ hạng sang và kiếm bộn tiền nếu như người ta biết vận dụng nghề một cách sáng tạo” – Pang Mỹ Linh đã nói như vậy về Nails, một nghề đã đưa tên tuổi của cô vượt ra khỏi biên giới của Việt Nam như vậy.