Con gặp nạn vì thói quen của mẹ
Chồng chị Hoa thường đi công tác vắng nhà. Việc cơ quan, cơm nước, đưa đón cô con gái 3 tuổi đều một tay chị đảm trách. Trường học của bé Bông cách nhà chưa đầy 1 km nên đối với chị, đón con là việc đơn giản.
Chị có thói quen là hay cho bé Bông ngồi đằng sau, không hề có địu. Khổ nỗi, con bé lại đang tuổi nghịch ngợm, hiếu kỳ, không chịu ngồi yên, xoay bên nọ, ngó bên kia để ngắm đường phố. Đã không ít lần nhìn thấy bé Bông ngồi vắt vẻo sau tay lái mẹ, bà nội bé Bông lên tiếng nhắc nhở con dâu phải cho con địu an toàn hoặc gắn chiếc ghế cho bé ngồi.
Đáp lại lời nhắc nhở ấy, chị cười: “Bà cứ khéo lo, đoạn đường gần thế, con phóng tí là về tới nhà, địu an toàn với ghế ngồi làm gì cho vướng”. Nghe vậy, mẹ chồng chị không thôi lo lắng.
Đừng là tấm gương xấu cho con khi lưu thông trên đường |
Hôm trước, chị Hoa đón con như mọi khi. Hai mẹ con đang đi trên đường, cười nói vui vẻ, bỗng bé Bông nhìn thấy cô bán bóng bay đi trên hè đường. Bé thích quá liền nhoài người với quả bóng. Vì không có địu giữ, bé đã ngã nhào ra đường. Đôi chân bé bị lê đi vài chục mét.
Chị Hoa ngất lịm trên xe cứu thương khi nhìn thấy chân con máu chảy thành từng dòng. Chị thương con bao nhiêu thì oán giận mình bấy nhiêu. Con chị bị gãy chân chỉ vì chị chủ quan, coi thường sự an toàn khi tham gia giao thông.
Trường hợp của chị Thúy Liên (Thạch Thất, Hà Nội) lại gián tiếp gây họa cho con. Chị Liên vốn là người không thích đội mũ bảo hiểm. Đối với chị, mũ bảo hiểm chẳng khác gì của nợ. Bởi thế, khi ra quốc lộ chị mới bất đắc dĩ phải đội vì sợ công an tuýt còi, chứ đi chợ ở đường làng chị thường để tóc gió thoải mái bay.
Thói quen ấy ngấm vào Quang - người con trai 18 tuổi của chị lúc nào không hay. Giống mẹ, Quang thích đầu trần cưỡi xe ra đường. Mà không chỉ loanh quanh ở trong làng, Quang thường phóng xe ra huyện chơi. Để không bị phạt, thấy công an từ xa, Quang lại đội mũ vào. Qua chốt công an, cậu lại treo mũ vào xe. Cứ như vậy, động tác ấy Quang làm hết sức thuần thục.
Trong một buổi tối đi dự sinh nhật người bạn trên huyện, Quang uống rượu ngà ngà say. Trời đã khuya, Quang vội vã chào bạn, ngồi lên xe đi về nhà. Bạn bè giục đội mũ bảo hiểm, Quang cười khẩy: “Đội mũ để thành thằng ngố à!”.
Người có men rượu, Quang chuếnh choáng phóng xe vèo vèo trên đường. Chợt thấy chiếc xe tải dừng ven đường, Quang phanh gấp. Xe đổ, người bay. Không mũ bảo hiểm bảo vệ, đầu Quang bị chấn thương nặng. Vào thăm con, nghe bác sĩ nói nếu đội mũ bảo hiểm thì thương tật sẽ được giảm bớt, lòng chị Liên đau đớn. Chị đã nêu gương xấu cho con để bây giờ con phải lĩnh hậu quả khủng khiếp này.
Hậu họa không chỉ ở một nhà
Phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong vấn đề đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) là điểm nhấn của buổi tọa đàm “Vai trò phụ nữ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông” do Bộ Giao thông Vận tải và Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.
Thực tế cho thấy, rất nhiều thương tích nghiêm trọng về TNGT có thể phòng tránh được nếu người phụ nữ làm gương và hướng dẫn các thành viên trong gia đình có thói quen thực hiện văn hóa giao thông. Đã có không ít trường hợp TNGT mà nguyên nhân bắt nguồn từ những thói quen xấu của người mẹ.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa lo lắng: “Các cấp, các ngành đã nỗ lực rất nhiều nhưng kết quả đạt được về trật tự ATGT chưa khiến chúng ta hài lòng. Đảm bảo trật tự ATGT tốt là có lợi cho nhiều phía: gia đình, xã hội, kinh tế, văn hóa… Trong đó, phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề đảm bảo ATGT”.
Bà Thanh Hòa không quên nhấn mạnh, các cấp Hội Phụ nữ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên nhắc nhở chị em phát huy vai trò của người mẹ, người chị, người em trong gia đình, là những tuyên truyền viên tích cực bảo đảm ATGT, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông…
Đức là một trong những quốc gia có tỷ lệ TNGT rất ít vì trẻ em Đức đã được mẹ dạy chấp hành qui định giao thông ngay từ trong nôi. Trong vòng 20 năm từ 1991 đến 2011, số vụ tai nạn giao thông gây thương tích ở Đức giảm 20%, số vụ tai nạn gây chết người tại Đức giảm trên 60%.