Mô hình giáo dục mới - dạy trẻ em chạy quyền đua chức?

(PLO) - Dư luận đặt ra rất nhiều khái niệm khôi hài “mời chủ tịch đi rửa tay”, “chủ tịch sờ ti mẹ”, “chủ tịch đái dầm”…. Phản ứng của dư luận với mô hình này không cảm tính mà có cơ sở thực tế. Đây là chủ trương hình thức, phản giáo dục và giết chết tuổi thơ hồn nhiên của các em.
Hình minh họa
Hình minh họa
Xem thông tin về dự thảo điều lệ trường tiểu học sửa đổi, nhiều vị cha mẹ học sinh choáng váng trước thông tin lớp tiểu học sẽ có một Hội đồng tự quản gồm một chủ tịch hội đồng, một phó chủ tịch hội đồng và sáu ban gồm: Ban Học tập, Ban Quyền lợi, Ban Sức khỏe - Vệ sinh, Ban Văn nghệ Thể dục, Ban Đối ngoại, Ban Thư viện, mới nghe tưởng như cơ cấu cấp cao của tổ chức nào đó.  
Mô hình “tiên tiến, hiện đại” 
Dự thảo điều lệ trường tiểu học được xây dựng theo định hướng của Thông tư 30 (về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học) và mô hình trường học mới. Theo nội dung trên website của Bộ GD-ĐT, Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (dự án GPE-VNEN, Global Partnership for Education - Viet Nam Escuela Nueva) là một dự án về sư phạm, nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam. 
Theo mô hình này, quản lý lớp học là “hội đồng tự quản học sinh”, các “ban” do học sinh tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm. “Hội đồng tự quản học sinh” là một biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập, giáo dục..
Những người bảo vệ cho nội dung dự thảo đưa ra nhiều lập luận như GS.TS, NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển Tiềm năng con người, cho biết: Xu thế để học sinh tự làm chủ lớp học của mình, giáo viên đóng vai trò định hướng và hướng dẫn theo mô hình VNEN là một xu thế giáo dục mới mẻ và tiến bộ cần được áp dụng. 
Với đề án mới này, các em học sinh sẽ chủ động hơn trong việc phát biểu, đưa ra các ý kiến, thể hiện cá tính và phong cách của mình rõ nét hơn. TS Ngô Thị Tuyên, Phó giám đốc thứ nhất Trung tâm Công nghệ giáo dục (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) cũng cùng quan điểm.
Nhưng đâu là cơ sở lý luận và cơ sở thực tế trong dự thảo của Bộ và các ý kiến bảo vệ trên? Trong khi thực tế cho thấy ngay Thông tư 30 thay thế việc chấm điểm bằng việc nhận xét đánh giá học sinh đang là một quy định hình thức tạo ra gánh nặng cho giáo viên, buộc họ phải làm việc đối phó, phản tác dụng giáo dục. 
Một giáo viên dạy âm nhạc cấp hai cho biết, cô phụ trách sáu lớp học, tổng cộng hơn 300 học sinh, không thể nhớ mặt nhớ tên tất cả, cũng không thể nhớ hết được học lực, năng khiếu của các em. Việc hàng tháng phải ghi ý kiến đánh giá trên 300 quyển sổ theo công thức là gánh nặng công việc và cả gánh nặng lương tâm cắn rứt. Tương tự như vậy, việc giáo viên cấp một hàng tháng cũng phải đánh giá hàng trăm bài làm của học sinh cũng là một việc làm hình thức nặng nề.
Hình minh họa
 Hình minh họa
Học sinh cấp một có cần đối ngoại, quyền lợi?
Tiếp theo quy định hình thức đó, việc xây dựng mô hình Hội đồng tự quản đối với học sinh tiểu học càng là một việc làm hình thức. Trước tiên, cần làm rõ khái niệm, nội dung của cái Hội đồng tự quản này là quản cái gì? Kế tiếp là mục tiêu giáo dục đối với giáo dục tiểu học là gì? Chúng ta đang muốn đào tạo các chính trị gia, các nhà quản lý, lãnh đạo ngay từ tiểu học? Hay là vừa cung cấp cho các em những kiến thức căn bản và bồi đắp những giá trị tinh thần, chăm chút cho các em tình thân ái, sự chia sẻ, lòng cao thượng trong những bước chập chững đầu tiên? 
Không riêng chức danh chủ tịch hội đồng tự quản mà cách phân chia các ban trong hội đồng và cách đặt tên cách ban cũng cho thấy sự áp đặt nặng nề thói hám danh hão lên đầu óc, tâm hồn non nớt của trẻ thơ. Giảng giải cho các em hiểu thế nào là “đối ngoại, quyền lợi” đã là vất vả, và liệu có cần thiết phải cưỡng ép ngay các em hiểu những khái niệm chính trị đó không? Hay là dành cho em không gian thần tiên của chú Cuội cây đa, cô Tấm, nàng Bạch Tuyết...?
Thế giới tiểu học là thế giới hồn nhiên hoa mộng, các em vừa chơi vừa học. Thế giới các em cần thiết lập “quan hệ bang giao” là những chú dế con, những khoảng sân để chạy nhảy, bầu trời xanh để thả con diều giấy, ánh trăng rằm để soi mát không gian... 
Về mặt trí dục, đưa những khái niệm, những mô hình của người lớn áp đặt vào môi trường tiểu học là hoàn toàn không phù hợp về nhận thức với tâm lý lứa tuổi thiếu nhi.
Kích thích cuộc đua giành danh hão
Về mặt đức dục, chưa thấy cơ sở rõ ràng của việc giáo dục tích cực cho sự phát triển tốt của các em như những người hoạch định nêu; nhưng rõ ràng đáng sợ hơn, mô hình này sẽ kích thích trẻ thơ phát triển sự háo danh, tranh giành quyền lực, ích kỷ ngay từ lúc nhỏ.
Hai đứa trẻ mới lên 2 - 3, dù là anh em ruột vẫn có thể gây gổ, mè nheo, thậm chí đánh nhau vì tranh giành một món đồ chơi, một miếng bánh. Cha mẹ khen ngợi, đánh giá không đồng đều (dù là đúng thực tế) giữa các anh, chị em cũng khiến cho đứa không được khen tủi thân muốn khóc. 
Dân gian có câu “chị không muốn cho em trắng đùi” nói lên tính phân biệt, đố kỵ ngay giữa anh em ruột với nhau. Giáo dục lòng nhân ái, sự sẻ chia, sự bình đẳng cho các đứa trẻ ngay trong gia đình là điều không dễ, huống chi trong môi trường lớp học là một xã hội thu nhỏ.
Nếu trong lớp học có Hội đồng dù là tự quản thì sẽ hình thành ngay một nhóm người quản lý và một nhóm bị quản lý. Sự bình đẳng của lớp học sẽ bị phá vỡ. Sự cạnh tranh trong học tập bình thường sẽ được thay thế bằng sự cạnh tranh vào các tầng lớp lãnh đạo của lớp học. 
Nếu Hội đồng cố định trong cả năm học thì học sinh bị lãnh đạo sẽ bị ức chế suốt cả năm, nếu thay đổi theo từng học kỳ thì sự cạnh tranh sẽ phát sinh trong từng học kỳ, đồng thời sự ghen ghét, tranh chấp trong các em sẽ được khơi dậy liên tục. 
Nếu các chức danh thay đổi do thầy cô chọn cuộc đua sẽ là sự tranh giành công khai hay ngấm ngầm tình cảm của thầy cô. Nếu chức do các bạn học bình chọn, bầu bán thì lớp học sẽ thường xuyên là một trường đấu đá, ngấm ngầm hay công khai. Tình bạn, tình thân trong lớp học sẽ trở thành món hàng xa xỉ. 
Có thể mô hình này dẫn tới sự năng động hơn đối với các em nhưng rất tiếc là sự năng động không mang tính nhân văn, không bồi đắp cho tâm hồn các em những giá trị nhân bản cần thiết lòng vị tha, hướng thiện mà kích động sự tranh giành quyền lợi ngay từ thời tiểu học. Áp dụng mô hình này chúng ta sẽ thành công trong việc tập huấn và phổ cập cuộc đua “chạy chức, chạy quyền” cho xã hội vào ngay lớp tuổi thiếu nhi.
“Cắn cỏ ngậm vành” cúi xin quý quan chức ngành giáo dục đừng giết chết, phá nát nhân cách trẻ thơ bằng mô hình giáo dục này./.

Đọc thêm