Mở lòng với người nhà

(PLVN) - Dù là anh em trong cùng một nhà cũng cần mở lòng với nhau, độ lượng cho nhau bởi có những khúc mắc nhỏ, nếu cứ chấp nhất, mâu thuẫn cứ thế sẽ chất chồng, kéo theo là rạn nứt, mất mát tình cảm.
Gia đình bà Nguyễn Thị Sang đã hóa giải mâu thuẫn nhờ hai chị em bạn dâu mở lòng, tha thứ cho nhau

Anh em từ mặt vì chuyện nhỏ

Đã từ ba năm nay, những người quen, họ hàng của gia đình chị Lê Thủy Ng., ngụ đường Tôn Đản, quận 4, TP.HCM đều biết, chị và chị Lê Thủy P., em gái chị không nhìn mặt nhau đã lâu. Xuất phát từ việc trong thời điểm người cha bị bệnh, chị Ng. chăm sóc cha chu đáo, trước khi mất, ông cụ để lại cho chị, là con gái đầu chiếc ô tô trị giá 600 triệu mà ông thường lái. Chị P. không đồng ý, cho rằng chị mình tận dụng lúc cha ốm, thần trí không minh mẫn nên dụ dỗ cha, dành riêng tài sản có giá trị về phần mình. 

Ban đầu, chị Ng. cũng có ý định cho em lại một ít tiền để em không ấm ức, nhưng thấy em gái phản ứng thái quá, chị không muốn nói gì, để em hiểu sao thì hiểu. Dần dà, cả hai chị em gái vốn trước kia thân thiết với nhau, nay không nhìn mặt nhau, không qua lại nữa.

Đáng buồn là ngay cả giỗ cha mẹ họ cũng không làm chung. Nhà có hai đứa con gái, nhưng mạnh người nào người nấy làm. Họ khiến anh em dòng họ cũng khó xử theo, vì lần nào đám giỗ cũng có hai nhà mời, đi ăn nhà này thì nhà khác giận.

Anh chị em chung một nhà, khi nhỏ thì sống chung, yêu thương gắn kết là thế. Nhưng đến lúc lớn, có gia đình riêng, “kiến giả nhất phận”, thì tâm tư mỗi người mỗi khác, không còn có cái tình cảm gắn bó keo sơn thuần hậu như trước nữa. Rồi những ghen tị hơn thua, cạnh tranh lợi ích… Chỉ một vài mâu thuẫn nhỏ là giận dỗi, từ mặt nhau. Đã có không ít những người trong một nhà mà cả đời không nhìn mặt nhau chỉ vài lý do từ vặt vãnh đến lớn lao. 

Một lý do phổ biến nhất khiến tình anh em đứt đoạn mà người ta thường thấy là tranh giành tài sản, đất đai cha mẹ để lại. Có những cuộc tranh giành không chỉ làm mất tình cảm gia đình, mà cuối cùng sinh ra kiện tụng, thậm chí cả án mạng, đơn cử là một vụ án mạng đình đám xảy ra chưa lâu, khi người anh vác dao chém cả nhà em trai, chỉ vì mâu thuẫn đất đai con ngõ chung. 

Còn có những lý do, nghe ra thì rất ngô nghê: Nhà người này may mắn, làm ăn khấm khá hơn khiến người kia “ngứa mắt”, nghe người xấu bụng đâm chọc, gièm pha. Hay như lý do khá ấu trĩ của anh em ông Nguyễn Tuấn Nh. và ông Nguyễn Tuấn Tr., ngụ đường Lê Văn Lương, Gò Vấp. Ông Nh. là anh, gia đình buôn bán, các con đều nghỉ học từ sớm để theo nghiệp buôn bán của cha.

Ông Tr. là công nhân, nhưng quyết tâm nuôi dạy con ăn học đến nơi đến chốn. Hai đứa con của ông Nh. buôn bán kiểu chụp giật nên đời sống không mấy khá giả, còn con ông Tr. ai cũng thành đạt, hai người làm giảng viên đại học, còn con gái út tốt nghiệp hạng ưu của Trường Đại học Quốc gia TP.HCM. 

Ngày con gái tốt nghiệp, ông Tr. mời anh đến uống rượu mừng. Trong bữa tiệc, một người bà con vô tình đem con cái hai nhà so sánh với nhau, ông Nh. sầm mặt, đập vỡ ly rượu rồi về. Ông Tr. tự ái vì hành xử của anh mình nên tuyên bố không nhìn mặt. Thế là hai anh em thân thiết từ đó không còn qua lại với nhau.

Một giọt máu đào…

Cách đây không lâu, một tập của chương trình truyền hình thực tế không quá nổi tiếng nhưng ý nghĩa mang tên Gõ cửa thăm nhà được phát sóng và khiến nhiều khán giả cảm động. Với sự dẫn dắt của hai diễn viên hài Thúy Nga và Quốc Thuận, tập phim ấy đoàn đã “gõ cửa” một gia đình ở Hóc Môn, TP HCM.

Đại gia đình bà Nguyễn Thị Sang (66 tuổi), gồm 3 thế hệ với đôi vợ chồng già, gia đình anh Thành và gia đình em trai - anh Toại (38 tuổi). Tuy nhiên, anh Thành và anh Toại từ 5 năm nay lại có mâu thuẫn, không buồn nhìn mặt nhau. Mối quan hệ của họ căng thẳng đến mức cả gia đình nhiều năm không có lấy bữa cơm chung, kể cả ngày Tết. Niềm khao khát lớn nhất của cha mẹ là các con hòa thuận với nhau. 

Hai danh hài dẫn chương trình, trong bữa cơm đã từ tốn hỏi chuyện từng người nhằm tìm ra khúc mắc ở đâu và cuối cùng tháo gỡ được vấn đề, hóa ra mâu thuẫn của hai anh em bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa hai người vợ. Hai chị em bạn dâu ghét bỏ lẫn nhau, dẫn đến hai gia đình mệt mỏi muốn từ mặt nhau.

Trước sự lên tiếng khẩn khoản của người mẹ, hai người con trai cũng bày tỏ mong muốn vợ mình làm lành để anh em quay lại như xưa. Và sau đó là cuộc trò chuyện của hai chị em bạn dâu để tháo gỡ khúc mắc. Họ nhận ra những cãi cọ vụn vặt kéo dài, cái tôi quá cao đã đẩy cả một đại gia đình vào sự mệt mỏi, mất mát tình cảm. Từ đó trải lòng với nhau, để rồi hai chị em, hai anh em làm lành và cả nhà đều vui…

Những mâu thuẫn giữa anh chị em hầu hết đều có thể giải quyết và hòa giải

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT&DL ban hành đã đưa ra những yếu tố cần thực hiện để anh em một nhà được hòa thuận, hạnh phúc. Theo Bộ tiêu chí, ngày nay, mô hình gia đình đã thu nhỏ lại. Gia đình có ít anh chị em ruột hơn. Dù là mối quan hệ huyết thống hay được nhận nuôi, anh chị em trong gia đình, họ hàng đều cần được giáo dục cách ứng xử đoàn kết, thân ái.

Vì thế, anh chị em nên hòa thuận, thương yêu, chia sẻ trách nhiệm chung của gia đình như nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ, việc họ hàng, thân tộc; tương hỗ với nhau, hướng dẫn nhau trong học tập, chia sẻ việc nhà theo khả năng (khi còn nhỏ), hỗ trợ nhau lúc khó khăn, đồng cảm chia sẻ nỗi đau thương, động viên tinh thần để gia đình cùng phát triển…

Nếu nhìn nhận rõ ràng thì những mâu thuẫn giữa anh chị em, hầu hết đều có thể giải quyết và hòa giải, nếu như hai bên có thiện chí. Có những rạn vỡ từ tài sản, đất đai, đều do lòng tham và sự cố chấp của mỗi bên mà ra.

Có những mất mát tình cảm từ những mâu thuẫn vụn vặt, mà cả hai bên đều đặt cái tôi của mình quá cao. Cũng có những sự trở mặt, đoạn tuyệt chỉ vì hiểu lầm, chỉ vì không ai chịu mở lời, mở lòng với nhau. 

Trân trọng tình cảm, độ lượng mà mở lòng, đó là điều cần thiết trong mọi mối quan hệ, nhất là tình anh em. Đôi khi, chỉ cần mở lòng và bước tới thì thù hận hóa giải, yêu thương được hàn gắn, trái tim ấm áp hơn. Thế thì tại sao không mở lòng với nhau?

Đọc thêm