Hội thảo là một trong những nỗ lực mới nhất của HSI và Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam để nâng cao nhận thức và giảm nhu cầu về sừng tê giác ở Việt Nam.
Thống kê của CITES cho thấy, từ đầu năm 2013 tới nay đã có hơn 746 cá thể tê giác bị chết dưới bàn tay của các kẻ săn trộm ở Nam Phi, nơi có quần thể tê giác lớn nhất trên thế giới. Điều đó có nghĩa là mỗi ngày hơn hai cá thể tê giác bị giết hại để lấy sừng. Nhiều trong số các sừng đó đã được đem đến Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Những lời thêu dệt về công dụng chữa bệnh của sừng tê giác đã làm cho một số người tin rằng đây là một liều thuốc chữa bách bệnh hoặc giảm sốt, và một số người sử dụng để giải rượu. Một số đối tượng khác lại sử dụng làm quà tặng cao cấp hoặc thể hiện đẳng cấp. Tuy nhiên, kết quả nhiều nghiên cứu áp dụng công nghệ cao đã cho thấy sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh và chỉ có chất keratin và các thành tố khác có hại cho sức khỏe con người.
"Chúng ta đã nghe nhiều thông tin về việc sử dụng sừng tê giác để chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tế chưa có công trình nghiên cứu khoa học công bố về các tác dụng của sừng Tê giác một cách chính thống (mặc dù đã có những thông tin về sử dụng trong dân gian). Vì vậy, việc chúng ta sử dụng sừng tê giác vào mục đích chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe cần phải căn cứ trên những cơ sở khoa học. Cho đến nay, Viện Dược liệu là viện nghiên cứu toàn diện về lĩnh vực dược liệu cũng chưa có những nghiên cứu đánh giá về tác dụng của sừng tê giác ở Việt Nam", Bà Nguyễn Thanh Huyền,Trưởng khoa Tài nguyên Dược liệu,Viện Dược liệu cho biết.
CITES Việt Nam và HSI đã công bố một chiến dịch nâng cao nhận thức dài hạn cho cộng đồng nhằm giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam. “Tuyên truyền rộng rãi thông điệp giảm cầu về sừng tê giác đóng vai trò rất quan trọng để bảo vệ tê giác. Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cam kết nỗ lực hết mình để giúp giảm cầu về sừng tê giác ở Việt Nam thông qua nhiều biện pháp, trong đó truyền thông là một trong những công cụ chủ yếu”, ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam khẳng định.