Mua bán doanh nghiệp: Tham vấn trước để không bị “hớ”

Mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A )ở Việt Nam ngày càng đa dạng và phức tạp. Các công ty “ngấp nghé” các thương vụ M&A nên chuẩn bị như thế nào?

Mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A )ở Việt Nam ngày càng đa dạng và phức tạp. Các công ty “ngấp nghé” các thương vụ M&A nên chuẩn bị như thế nào?

M&A đạt 1,75 tỉ USD

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Ban Giám sát và Quản lý Cạnh tranh (Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương) cho biết, số lượng các vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam tăng rất nhanh, năm 2006 mới có 38 vụ, đến năm 2010 đã lên đến 345 vụ với giá trị đạt 1,75 tỉ USD, bao gồm các vụ DN nước ngoài mua lại công ty Việt Nam và các công ty Việt Nam cũng mua lại chính các công ty trong nước, tập trung vào ối các ngành tài chính, năng lượng, công nghiệp, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng.

Thời gian qua, có thể kể tên một số thương vụ M&A “đình đám”, như: HSBC mua 105 triệu USD cổ phần Bảo Việt, Vincom và Vinpearl Land mua 80 triệu USD cổ phần Địa ốc Hoàng Gia; Carlsberg mua thêm cổ phần của Habeco, nâng tỷ lệ sở hữu từ 16,04% lên 30%; Trung Nguyên Coffee mua 40 triệu USD cổ phần Saigon Coffee Factory (Vinamilk)…

Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, thị trường cũng đã xuất hiện một số trường hợp thâu tóm “không thân thiện”, gồm hai dạng: mua lại DN đối thủ cạnh tranh nhằm chiếm lĩnh vị trí thống lĩnh thị trường và mua lại một phần hoặc toàn bộ DN trong “tình thế” ban lãnh đạo, ban điều hành của DN đó không đồng ý (như các vụ Dược Viễn Đông - Dược Hà Tây, Công ty Bình Thiên An – Descon).Nhận diện hành vi tập trung kinh tế vi phạm

Để trả lời câu hỏi sự tập trung kinh tế có tương thích với thị trường hay không, ông Rafael Corazza, Phó Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Thuỵ Sĩ (Comco) thông tin, Thuỵ Sĩ sẽ áp dụng “phép thử vị trí thống lĩnh”. Theo đó, phải trả lời các câu hỏi, như: việc sáp nhập đó có tạo ra hoặc thúc đẩy vị trí thống lĩnh hay không? việc sáp nhập có xoá bỏ cạnh tranh hiệu quả trên thị trường liên quan? và  việc sáp nhập có nhằm cải thiện cạnh tranh trên thị trường khác tạo ra nhiều giá trị hơn so với thiệt hại từ việc tạo ra hoặc thúc đẩy vị thế thống lĩnh trong thị trường liên quan?

Còn ở Việt Nam, để đánh giá sự tập trung kinh tế có tương thích với thị trường hay không, thì phép thử dựa vào thị phần trên thị trường.  Mặc dù, Luật Cạnh tranh không đưa ra khái niệm về tập trung kinh tế, song có thể “nhận diện” tập trung kinh tế dựa trên 4 hình thức: sáp nhập, hợp nhất, mua lại và liên doanh. Luật Cạnh tranh chỉ kiểm soát, ngăn chặn các tác động hạn chế cạnh tranh của hoạt động tập trung kinh tế trên thị trường.

Cụ thể, đối với các công ty tập trung kinh tế mà thị phần kết hợp chiếm dưới 30% thì mặc nhiên được tập trung kinh tế, không phải thông báo. Còn đối với các công ty có thị phần kết hợp chiếm 30-50%, được tập trung kinh tế nhưng phải thông báo đến cơ quan quản lý cạnh tranh và phải được cơ quan này có ý kiến. Còn đối với các công ty tập trung kinh tế chiếm đến trên 50% thị phần kết hợp thì pháp luật cấm tập trung kinh tế (trong một số trường hợp có thể được miễn trừ, như một hoăc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản).

Các chuyên gia cảnh báo, ngày càng có nhiều công ty nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam bằng con đường M&A, các phương thức thực hiện thâu tóm và sáp nhập ngày càng đa dạng và phức tạp. Vì vậy các công ty trong nước trước khi muốn thực hiện các thương vụ M&A nên tham vấn các đơn vị tư vấn, các chuyên gia của Ban Giám sát và Quản lý Cạnh tranh. Điều này không chỉ giúp các DN mua đưa ra mức giá hợp lý, DN bán không bị “hớ”, mà đồng thời, có thể lường trước về các khả năng gây hậu quả phản cạnh tranh…

Mai Hoa 

Đọc thêm