Mua nhà của bố, thành người bị hại của con

(PLO) - Bỏ ra gần 5 tỷ đồng để mua nhà đất của ông bố, thế nhưng hơn hai năm sau, người nhận chuyển nhượng lại trở thành bị hại trong vụ án hình sự mà con gái của chủ đất là bị cáo. Chính vì cách xử lý vụ việc theo kiểu “hai gộp làm một” của TAND TP.Hà Nội mà người nhận chuyển nhượng nhà đất có nguy cơ mất tiền tỷ.
Vợ chồng chị Đặng Thị Kim Hà đang trình bày sự việc với phóng viên. Ảnh: V.K
Vợ chồng chị Đặng Thị Kim Hà đang trình bày sự việc với phóng viên. Ảnh: V.K
Thời gian qua, chị Đặng Thị Kim Hà (trú tại số 5, ngõ 79 phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn chưa hết bức xúc vì Bản án số 369/2013/HSST ngày 23/9/2013 của TAND TP.Hà Nội. Bản án này đã bất ngờ “lôi” chị vào danh sách những người bị hại trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” mà bị cáo là Nguyễn Thị Bằng An - kẻ phải nhận bản án chung thân với tội danh trên.
Hợp đồng qua công chứng, vẫn bị… lừa 
Trước đó, ngày 15/6/2011, chị Đặng Thị Kim Hà và chị Nguyễn Thị Kim Oanh cùng góp tiền 8,7 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng ngôi nhà trên thửa đất rộng 230,9m2 tại tổ 47 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (Hà Nội) mà người đứng tên chủ sở hữu là ông Nguyễn Thi Sách (trú tại địa chỉ nêu trên). Thửa đất này được UBND quận Cầu Giấy cấp sổ đỏ cho ông Sách vào năm 2011. Việc chuyển nhượng, giao tiền được thể hiện tại Hợp đồng có chứng thực của Văn phòng Công chứng Long Biên (Hà Nội).
Điều bất ngờ là khi chị Hà, chị Oanh đi sang tên sổ đỏ (ngày 29/8/2011) thì được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: “Giấy CNQSDĐ đứng tên ông Sách là giả”. Tá hỏa vì bị lừa, hai chị vội viết đơn tố cáo và đơn khiếu kiện tới Công an và TAND quận Cầu Giấy về hành vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của ông Sách. 
Thế nhưng, điều mà cả chị Hà và chị Oanh không ngờ tới là họ bị cơ quan điều tra đưa tên mình vào danh sách “bị hại” trong một vụ án khác mà kẻ phạm tội lừa đảo không phải là ông Nguyễn Thi Sách mà là Nguyễn Thị Bằng An - con gái của ông này.
Diễn biến tiếp theo là ngày 23/9/2013, TAND TP.Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” đối với Nguyễn Thị Bằng An và đồng phạm. Trong vụ án này, An bị cơ quan điều tra kết luận có hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 40 tỷ đồng và còn là đồng phạm trong việc làm giả 13 giấy CNQSDĐ. Ngạc nhiên hơn là ông Sách không hề được triệu tập trong vụ án này. 
Bản án đã tuyên An phải chịu mức án chung thân và trả cho chị Hà gần 4,3 tỷ đồng và trả cho chị Oanh hơn 5,7 tỷ đồng. “Chúng tôi nhận chuyển nhượng 230,9m2 nhà đất của ông Nguyễn Thi Sách nhưng lại được Hội đồng xét xử triệu tập với tư cách là bị hại của Nguyễn Thị Bằng An, trong khi chúng tôi với chị An không có bất kỳ giao dịch nào. Mặt khác, tất cả mọi thủ tục mua bán chúng tôi đều thực hiện với ông Sách. Ông Sách chính là người trực tiếp ký kết hợp đồng mua bán đất, có sự chứng thực của Văn phòng Công chứng Long Biên. Việc cơ quan điều tra và TAND TP.Hà Nội đưa chúng tôi thành bị hại trong vụ án chị An là không có cơ sở”- chị Hà và chị Oanh phân trần.
Đánh tráo khái niệm và bỏ lọt tội phạm?!
Được biết, mảnh đất có tổng diện tích 453m2 tại tổ 47 phường Dịch Vọng Hậu là của ông Nguyễn Thi Sách và vợ (mất năm 2006) đã được UBND quận Cầu Giấy cấp sổ đỏ đứng tên ông Sách. Ông Sách đã chia cho bốn người con để xây nhà ở. Phần diện tích 230,9m2 còn lại do vợ chồng ông quản lý, sử dụng. Nhưng, sau đó vì có sự tranh chấp giữa các anh chị em trong gia đình nên phần đất nói trên chưa được UBND quận Cầu Giấy làm thủ tục cho tách thửa để cấp sổ đỏ.
Khi hợp đồng chuyển nhượng thửa đất nói trên giữa chị Hà, chị Oanh và ông Sách được đưa ra Văn phòng Công chứng Long Biên thì Văn phòng này chứng thực: “Các giấy tờ chứng minh đều hợp pháp, hợp lệ, do các cơ quan có thẩm quyền cấp, không có sự giả mạo, tẩy xóa, thêm bớt làm sai lệch nội dung; thửa đất và tài sản trên đất thuộc trường hợp được chuyển nhượng theo quy định của pháp luật…”. Tuy nhiên, Tại bản Kết luận điều tra số 350 KLĐT/PC46 (DD10) đối với vụ án Nguyễn Thị Bằng An và đồng phạm thì Cơ quan điều tra kết luận: ông Sách không biết đó là giấy giả (Giấy CNQSDĐ- PV), mọi thỏa thuận đều do An thực hiện, số tiền chiếm đoạt An trực tiếp nhận và sử dụng. Ông Sách đã cao tuổi (sinh năm 1921, 90 tuổi tại thời điểm xảy ra vụ việc) nên Cơ quan điều tra không xem xét xử lý hình sự đối với ông Sách. 
Ngay sau phiên tòa trên, nhiều ý kiến đã tỏ ra không đồng tình với cách nhận định và phán quyết của Tòa án. Theo phân tích của Luật sư Vương Thanh (Văn phòng Luật sư An Khánh, Đoàn Luật sư Hà Nội) thì Cơ quan điều tra đã bỏ lọt tội phạm. Bởi trong việc nhận chuyển nhượng nhà đất thì chị Hà, chị Oanh phải là bị hại của ông Nguyễn Thi Sách. Ông Sách phải bị truy tố trước pháp luật về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” và hành vi “sử dụng tài liệu, chứng cứ giả”. 
Việc TAND TP.Hà Nội đưa cả chị Hà và chị Oanh là bị hại trong một vụ án khác mà các chị không liên quan với bị cáo là không có căn cứ, vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Chị Hà, chị Oanh có quyền yêu cầu hủy bản án sơ thẩm mà TAND TP.Hà Nội tuyên.
Hiện tại chị Hà và chị Oanh đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm nêu trên. Hy vọng trong phiên xử phúc thẩm, những mâu thuẫn trên sẽ được Hội đồng xét xử làm sáng tỏ, đảm bảo đúng người, đúng tội.
Việc cơ quan điều tra không xem xét vai trò của Văn phòng Công chứng trong việc chứng thực các tài liệu (hợp đồng chuyển nhượng giữa chị Hà, chị Oanh và ông Sách) là chưa đúng pháp luật. Văn phòng Công chứng phải có trách nhiệm liên đới, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì đã chứng thực những giấy tờ giả là thật, khiến các giao dịch chuyển nhượng được tiến hành.  
Ông Sách hiện đang là chủ sử dụng duy nhất của thửa đất 453m2 đã được UBND quận Cầu Giấy cấp GCNQSDĐ. Việc ông chia đất cho các con xây nhà chưa được tách thửa, tách bìa và đang phát sinh những tranh chấp, như vậy là chưa được pháp luật thừa nhận. Vì vợ ông Sách đã chết (và nếu không có di chúc để lại), ông Sách sẽ sở hữu ½ tổng diện tích mảnh đất và 1/5 diện tích của một nửa còn lại chia đều cho năm người (ông Sách và bốn người con). 
Thửa đất chị Hà, chị Oanh nhận chuyển nhượng là phần diện tích ông Sách được sử dụng theo pháp luật, chưa tính thêm phần sử dụng theo Luật Thừa kế, do đó, ông Sách có nghĩa vụ bàn giao đất đã bán theo hợp đồng cho chị Hà, chị Oanh. Đó cũng là tài sản để ông Sách thi hành án, hoặc trả bằng tiền, hoặc trả bằng đất. Từ phân tích trên, vụ việc của chị Hà, chị Oanh phải được tách riêng ở một vụ án khác mới đúng pháp luật”.
Luật sư Vương Thanh, Văn phòng Luật sư An Khánh, Đoàn Luật sư Hà Nội

Đọc thêm