Mùa nữ cử nhân hiến thân đổi việc

(PLO) - Tính tới thời điểm hiện tại cả nước đang có 72 nghìn cử nhân đang thất nghiệp. Để có được việc làm nhiều nữ cử nhân đã chấp nhận đánh đổi thân xác.  
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Đổi "tình" lấy việc
Nguyễn Thị Thúy (1990), sinh ra ở một vùng quê nghèo Hà Tĩnh, cái nghèo ám ảnh tới mức khiến cô nữ sinh chỉ có một con đường duy nhất là học đại học rồi bám trụ ở thành phố mong có tương lai sáng sủa hơn. Ngày cầm tấm bằng cử nhân trên tay, Thúy đã sung sướng "lao" đi tìm việc. 
Nhưng giấc mơ bám trụ thành phố không đơn giản với một cô nữ sinh mới ra trường. Thúy "rải" 10 bộ hồ sơ cho 10 công ty khác nhau nhưng hơn một tháng vẫn không nhận được hồi âm nào. Ở thủ đô ngày nào là tiêu tiền ngày ấy trong khi bố mẹ Thúy ở quê không còn khả năng chu cấp. Số nợ vay cho cô học đại học đã lên tới cả trăm triệu mà cả gia đình 5 người chỉ trông đợi vào mấy sào ruộng.
Những đồng tiền cuối cùng Thúy tích góp cũng hết. Thúy đành đạp chiếc xe cà tàng để đi xin việc ở một quán cafe mà Thúy đã được một người bạn giới thiệu. Thúy cũng xin ông chủ quán cafe không ký hợp đồng vì nếu xin được việc thì Thúy sẽ xin nghỉ việc ở quán. Do Thúy xinh xắn, lại là người đồng hương với chủ quán nên ông cũng hứa sẽ tìm việc cho Thúy. Ngày Thúy chờ đợi cũng đến sau hơn 2 tháng chăm chỉ làm nhân viên phục vụ. 
Trước lúc đưa Thúy đi ký hợp đồng với một tập đoàn lớn, người đàn ông cùng quê mà Thúy tưởng chừng sẽ phải mắc nợ suốt đời cất giọng: "Chẳng ai cho không ai cái gì em ạ. Em biết anh cần gì rồi đấy!". Hiểu được ý ông chủ nói, Thúy đã gật đầu đồng ý. 
Cũng chính sau cái gật đầu đấy, Thúy đã phải dâng “cái ngàn vàng" giữ gìn hơn 20 năm qua cho ông ta, để được nhận vào vị trí lễ tân một công ty lớn. Thúy chia sẻ: "Tuy là làm lễ tân nhưng tôi cũng được tập đoàn ký cho hợp đồng 6 tháng. Đây cũng là một bước đệm để tôi phát triển và có cơ hội thăng tiến sau này".
Đắng lòng hơn câu chuyện của cô cử nhân Hoàng Thị Hương. Hương cũng sinh ra từ một vùng quê nghèo ở miền núi tỉnh Hòa Bình và vừa tốt nghiệp ĐH năm ngoái. Suốt bốn năm ĐH, Hương luôn là sinh viên giỏi. Ra trường cầm tấm bằng cử nhân loại giỏi trên tay, Hương bắt đầu "rải" hồ sơ đến các công ty tuyển dụng, nhưng đều bị loại ở vòng sơ tuyển do chưa có kinh nghiệm làm việc. 
"Cơm, áo, gạo, tiền" vẫn luôn đè nặng khi cô cố bám trụ lại Hà Nội. Hằng ngày, Hương vẫn kiên trì đi tìm việc, cuối cùng cũng có một công ty nhận Hương vào thử việc hai tháng không lương. Trong khoảng thời gian đó, nếu Hương hoàn thành tốt công việc thì sẽ được công ty ký hợp đồng.
Hai tháng rong ruổi đi làm không lương, Hương luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi công việc. Đến ngày xét tuyển, ông sếp bằng tuổi bố Hương gọi cô vào phòng rồi thẳng thừng đề nghị cô đổi “một đêm” lấy hợp đồng làm việc chính thức 6 tháng, với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Lúc đầu Hương tỏ ra sợ hãi, nhưng nghĩ đến những khoản tiền phải chi trả trong tháng tới, nghĩ đến gia đình ở quê đang phải tằn tiện từng bữa ăn để gửi tiền lên cho cô, Hương gật đầu chấp nhận.
Cuộc “đổi chác” xong, cầm hợp đồng trong tay, nhưng Hương cảm thấy ghê tởm gã sếp của mình. Gã không chỉ yêu cầu Hương "đáp ứng" một lần, mà mỗi lần có "nhu cầu" lại gọi Hương vào phòng và "hành xử" ngay trên ghế sofa, thậm chí cả trong nhà vệ sinh. Vì cố bám trụ lại ở Hà Nội, Hương vẫn bấm môi chịu đựng đi làm hàng ngày. 
Hương nói: "Tôi ghê tởm lão sếp, nhưng tôi vẫn phải phục tùng. Ông ấy chỉ xem tôi như nô lệ của tình dục khi ông ta cần, ông ta hành xử với tôi như thú dữ. Tôi khinh thường ông ta vì mặc dù giàu có nhưng chưa bao giờ ông ta đưa tôi vào nhà nghỉ hay khách sạn. Địa điểm ông ta tận dụng quay đi quẩn lại là phòng vệ sinh và chiếc sofa trong phòng làm việc".
Trở thành "hàng" phục vụ đối tác
Trớ trêu hơn có những cô gái còn nghĩa cách “gạ” sếp để đổi lấy công việc. Trịnh Thị Vân, quê Quảng Bình đã phải nghĩ cách để "dâng hiến" nhằm kiếm hợp đồng. Do học ngành truyền thông nên năm 4 ĐH, Vân đã xin thực tập ở một tập đoàn truyền thông lớn. Sau khi tốt nghiệp ĐH, Vân đã quay lại để nộp hồ sơ xin việc. Sếp của Vân thuộc thế hệ 8X đời đầu, điển trai. Anh ta cũng thường tỏ ra thân thiện và quý mến Vân trong thời gian cô thực tập. 
Mặc dù biết sếp đã có vợ, nhưng Vân vẫn say đắm như điếu đổ. Vân cố gắng lấy lòng sếp bất cứ lúc nào. Mặc dù thời gian đầu làm việc không lương, nhưng Vân vẫn diễn váy vóc, trang điểm xinh đẹp đến cơ quan để gây sự chú ý với sếp.
Với lợi thế chân dài, xinh xắn nên trong một lần đi đàm phán với khách hàng ở Hạ Long, sếp đã rủ Vân đi cùng. Lần đấy, Vân đã có cơ hội để "dâng" mình cho sếp. Cũng sau chuyến đi đó, Vân được ký hợp đồng 6 tháng. Tưởng chừng như có được một công việc ổn định, lại được ở bên người đàn ông bấy lâu Vân "thầm yêu, trộm nhớ". Cho đến khi chính vị sếp của Vân đã yêu cầu cô "phục vụ" một vị khách là đối tác của công ty ở một khách sạn 5 sao, lúc đó Vân mới hiểu được cái giá mà cô phải trả quá đắt.
Giờ nghĩ lại Vân vẫn xót xa, khóc trong tủi nhục. Vân tâm sự trong nước mắt: "Tôi cứ tưởng anh ta có cảm tình với tôi nên mới tốt với tôi. Nhưng hóa ra tôi lại là "hàng" của anh ta dùng để đổi lấy hợp đồng từ các đối tác. Anh ta không chỉ bắt tôi "phục vụ" một đối tác mà có đến cả chục người đã hành hạ thể xác của tôi...".