Cái mùi khói nồng nồng, cay cay mắt khiến tôi nhớ da diết bếp củi của bà nội ở quê. Kí ức Tết của tôi là mùi khói, mùi bánh chưng mới vớt và đặc biệt là mùi hương bài nồng ấm.
Hồi còn nhỏ, ông bà nội tôi có nghề làm hương bài. Cả mấy mảnh vườn trước nhà, sau nhà, cạnh nhà bạt ngàn cây hương bài. Hương bài nhà ông bà nội siêu chuẩn nên siêu thơm vì không hề có tạp chất như nhiều nơi làm bậy. Chính vì thế hương bài của ông nổi tiếng ở chợ Bến Đền và khắp vùng.
Những ngày giáp tết, sáng sớm bà nội đã sẵn sàng gánh hương bài thơm nức ra chợ. Chợ Bến Đền cách nhà ông bà khoảng 3km và chỉ họp vào buổi sáng. Và hầu như ngày nào lũ cháu cũng căn giờ tan chợ để đi bộ ra chợ đón bà. Một tập đoàn cháu chắt lít nhít do một bà cô trẻ con hay do tôi “cầm đầu” tung tăng đi bộ cả 3km mà không hề mỏi chân. Dù còi dí nhưng tôi lại là “đại ca” của một lũ em vì là con đầu cháu sớm của cả họ. Có lẽ cũng vì được rèn luyện từ bé nên đứa nào cũng đi bộ khá giỏi.
Chợ quê những ngày cận tết thật tấp nập. Gánh hương bài của bà nội lúc nào cũng thơm lừng một góc chợ dù chỉ đốt 1 nén cho bà con ngửi thử. Bà là người có khuôn mặt đẹp và rất phúc hậu, bà nói chuyện cũng đi vào lòng người lắm nên chả bao giờ ế hàng. Giữa cái chợ quê toàn gà, cá, thịt thà, gánh hương bài của bà nội bừng sáng cả góc chợ tranh tre, mái lá.
Chợ Tết. Minh họa: Nguồn internet. |
Và cái bè lũ cháu lít nhít kéo ra mục đích đón bà thì ít mà vòi vĩnh bà mua quà thì nhiều. Nào bánh rán, bánh chưng rán gạo nếp quê, đỗ xanh quê thơm lừng. Nào bánh đa, mía. Nào bóng bay tròn, bóng kim, bóng hình con mèo...
Và phiên chợ quê kết thúc với màn rồng rắn lên mây của bà nội cùng đôi quang gánh đầy quà Tết và “lũ tiểu yêu” tung tăng dọc con đường làng ven suối Bo xanh ngắt...
Bà có 13 đứa cháu, từ cháu nội đến cháu ngoại chẳng đứa nào không qua tay bà chăm sóc. Bà có tới 7 người con cho nên sự hy sinh thành một điều như có sẵn trong máu. Từ xưa bà chẳng bao giờ dám ăn miếng ngon. Thế mới có chuyện các con gắp đồ ăn ngon cho mẹ phải nửa đùa nửa thật: “Miếng này kinh lắm, bọn con không ăn đâu, bà ăn đi” thì bà mới chịu ăn.
Tôi gần như sống với ông bà từ nhỏ, tới khi vào lớp 1 mới lên thành phố đi học. Tuổi thơ của tôi cũng như những đứa em gắn với những câu chuyện cổ tích, lời ru của bà, với cái “quạt trần” tự chế từ cót và vải mà ông kẽo kẹt kéo chân cả đêm cho lũ cháu trải chiếu giữa căn nhà ba gian ngủ như lũ lợn con. Nông thôn thời ấy chưa có điện, thế hóa ra lại hay ho cho lũ trẻ vì được dịp hóng gió, ngắm trăng, được ông dậy xem thiên văn. Đôi khi tôi thấy mình thật may mắn vì có tuổi thơ đầy yêu thương và thú vị như vậy.
Họ nhà tôi có truyền thống, ngày 30 Tết nào con cháu cũng tề tựu đông đủ để làm cơm Tất niên cuối năm. Lũ trẻ con chúng tôi thì chỉ cần được nghỉ học là đã được về ông bà từ 27, 28 Tết. Ông bà nội chiều lũ cháu vô cùng, gói bánh chưng cũng ưu tiên mỗi đứa một chiếc bánh chưng con. Vì thế lũ trẻ con hào hứng canh nồi bánh chưng hơn để còn để tranh nhau những chiếc bánh chưng con được vớt sớm.
Minh họa nguồn internet. |
Trong khi ông chặt buồng chuối ở vườn sau nhà để bày mâm mũ quả thì chúng tôi cũng được “bon chen” một buồng chuối nhỏ xíu để làm mâm ngũ quả của riêng mình. Chiếc ghế đôn được trưng dụng làm nơi bầy mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả mini của bọn tôi cũng có đủ quất, táo, đu đủ hái ngoài vườn, bánh chưng con bày bên cạnh.
Để tăng thêm không khí tết, mấy đứa lớn như tôi lao vào mẹt làm hương bài của ông rồi trải giấy bản, rắc mùn hương, quết hồ nước, đặt que tre vào vê vê, cuốn cuốn. Thế là xong nén hương bài tự làm. Mấy đứa hì hụi thắp hương rồi cắm vào mâm ngũ quả cúng bái như thật. Trong nhà, ông nội cũng thắp một nén hương bài.
Trong cái không khí lành lạnh của miền Bắc, vị thơm nồng ấm của hương bài lan tỏa tạo cảm giác sum họp, ấm cúng vô cùng. Mùi hương bài, mùi bánh chưng vừa vớt, quện với mùi thơm của món giò lụa ông tự giã, tất cả tạo nên mùi Tết rất đặc trưng trong tôi.
Những năm đầu lấy chồng, ăn tết xa quê, mỗi chiều 30, tôi thèm tha thiết được ngửi mùi hương bài ấm nồng sum họp ấy. Chẳng đi đâu tôi gặp lại mùi hương bài như của nhà ông bà nội. Biết là “thuyền theo lái, gái theo chồng” nhưng cứ tết đến lại chảy nước mắt vì thèm, vì nhớ...