Đôi mắt đỏ hoe luôn hướng về di ảnh con trai, chị Hà kể, sáng 6/3, chị chở con đến trường THPT Tây Thạnh, nơi mà trường Trần Quang Khải bố trí cho học sinh học môn bơi. Đây là buổi học đầu tiên và chỉ trong một giờ nên chị vẫn ngồi ở cổng, đợi con về. "Đến hơn 9h, tôi thấy trong trường nhốn nháo, sau đó một học sinh được chở đi nhưng không biết đó là con mình", chị Hà nói.
Vẫn đứng ngóng con thì chị Hà được cô giáo bộ môn thể dục nói "Phú bị ngạt nước và đang cấp cứu ở bệnh viện". Tức tốc có mặt ở phòng khám đa khoa Thành Công ở gần trường, người mẹ trẻ đổ gục khi hay tin con trai đã chết.
"Thằng Phú nó ngoan hiền lắm, không hiếu động, quậy phá và chưa biết bơi. Có người mẹ nào nghĩ con mình đi học mà chết đâu. Vì thầy cô tắc trách mà con tôi phải chết", người mẹ bật khóc.
Người mẹ cho rằng cái chết của con trai mình do sự tắc trách của giáo viên trực tiếp giảng dạy. Ảnh: An Nhơn. |
Hồ bơi nơi Phú chết đuối nằm trong khuôn viên THPT Tây Thạnh. Hồ có 4 làn được ngăn cách bằng dây phao và dài 25 m, ngang 10 m với độ sâu từ 1,2 m đến 2 m. Vị trí Phú được phát hiện có độ sâu 1,6 m.
Theo các học sinh, lúc đó thầy cô giáo đang chỉ dẫn học sinh đu bám ở thành hồ và trên hồ. Một nhóm bạn biết bơi ở khu vực không ai quan sát, quản lý. "Thấy bạn ấy nằm dưới nước lâu quá không ngoi lên nên một bạn đã hô hoán, báo cho thầy cô", Nguyễn Đức Thuận Dương, nam sinh có mặt trong giờ học kể lại.
Hiệu trưởng THCS Trần Quang Khải Phạm Ngọc Trân cho biết, chương trình học bơi đã được tham khảo ý kiến của phụ huynh nên trường tổ chức vào đầu học kỳ 2 năm nay. Do trường không có hồ nên đã hợp đồng với Công ty phát triển thể thao cộng đồng và đơn vị này chọn địa điểm dạy là hồ bơi THPT Tây Thạnh (Tân Phú).
Buổi sáng xảy ra sự việc, hai thầy cô dẫn dắt 102 học sinh nam khối 6 của trường đi đến hồ và giao cho thầy giáo của phía công ty. "Hai bên đã ký hợp đồng phải đảm bảo an toàn cho học sinh lúc học", thầy hiệu trưởng cho biết.
Hơn trăm học sinh được chia làm 2 nhóm do thầy Phan Ngọc Thượng và cô Phan Thị Khánh Hòa trực tiếp giảng dạy. Trên bờ còn có một giáo viên khác quan sát. Theo thầy Thượng, trước khi xuống hồ, mỗi giáo viên sẽ phân loại những học sinh biết bơi và không biết bơi riêng. "Phú bảo mình biết bơi nên nằm trong nhóm 15-17 học sinh. Để biết chính xác các em biết bơi hay không, tôi đã kiểm tra dưới hồ", thầy Thượng nói.
Khi thực hành ở làn riêng, do biết bơi nên 17 học sinh không phải mặc áo phao. Theo thầy Thượng, sự việc xảy ra khi giờ học sắp kết thúc. "Thấy nhóm học sinh không biết bơi đang đu bám thành hồ, nghịch nước, tôi gọi lên bờ xếp hàng nên không để ý đến nhóm học sinh biết bơi. Nghe một học sinh báo có bạn lặn lâu quá không lên, tôi chạy tới. Khi vớt lên, mạch em ấy còn đập nên tôi sốc nước và chở đi bệnh viện", thầy Thượng kể.
Trước các chết thương tâm của cậu học trò, ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty phát triển thể thao cộng đồng thừa nhận trách nhiệm. "Với tư cách là người đứng đầu công ty đã hợp đồng với nhà trường, tôi nhận trách nhiệm về cái chết của học sinh này. Tôi sẽ lo toàn bộ chi phí theo yêu cầu của gia đình", ông Phong nói.
Vị giám đốc cho biết thêm, công ty thuê lại hồ bơi của trường Tây Thạnh để dạy bơi cho học sinh các trường được 6 tháng. Buổi học của trường Trần Quang Khải có 3 giáo viên được phân công phụ trách, trong đó có hai thầy và một cô. Hai người trực tiếp giảng dạy đều có bằng cử nhân chuyên ngành bơi lội và có chứng chỉ sơ cấp cứu.
Sau sự việc xảy ra, do ảnh hưởng tâm lý học sinh nên Ban giám hiệu trường THCS Trần Quang Khải quyết định tạm ngưng môn học này. "Mất một học sinh là nỗi đau quá lớn về tinh thần với gia đình và nhà trường. Nhà trường không chối bỏ trách nhiệm trong sự việc này, nhưng trách nhiệm cụ thể như thế nào hãy để cơ quan điều tra làm rõ", vị hiệu trưởng cho hay.