Từ phủ nhận, im lặng, cuối cùng thì chính Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (NH Habubank-HBB) chính thức thừa nhận việc sáp nhập với NH TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) ngay trước ngày tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) - 28/4. Rất nhiều lợi ích cuả việc sáp nhập được HĐQT NH này đưa ra, chỉ trừ một điều: “khai tử” thương hiệu Habubank.
"Gánh nặng" từ Vinashin
Theo dự thảo Đề án sáp nhập đưa ra lấy ý kiến cổ đông, HĐQT Habubank nhìn nhận, trong bối cảnh hiện tại, các khoản vay từ nhóm khách hàng Vinashin đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh NH, nhất là với chi phí vốn ngày càng cao. Thực trạng này đã ảnh hưởng đến kết quả tài chính, khiến chất lượng tài sản có từ năm 2011 và đến nay bị suy giảm rất nhiều.
“Với tình hình như vậy thì NH cần có ngay các giải pháp tích cực để giải quyết tình trạng này một cách có hiệu quả. Một trong những giải pháp tích cực nhất là thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoạt động một cách toàn diện thông qua hoạt động sáp nhập với TCTD khác” - trích tóm tắt dự thảo.
Mặt khác, Habubank thừa nhận, một trong những vấn đề trọng yếu thời gian qua của mình là thiếu kế hoạch mở rộng hoạt động và phát triển kinh doanh đủ tham vọng nên đã phải gánh những hậu quả đáng tiếc cho NH: không có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ khi thị trường khủng hoảng; không có khả năng thích nghi tốt khi tình hình có những dấu hiệu bất lợi đối với thị trường/sản phẩm truyền thống của NH.
Trong khi, với những khó khăn đang đặt ra trước mắt thì HĐQT NH kỳ vọng rằng, việc xây dựng phương án sáp nhập phù hợp và tham gia tiến trình này một cách chủ động sẽ nâng cao được khả năng cạnh tranh của mình.
Tất nhiên, bên cạnh đó, lý do cần thực hiện sáp nhập cũng xuất phát từ việc NH phải chịu áp lực tái cơ cấu để nâng cao năng lực tài chính, cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng trưởng về quy mô và thị phần theo chủ trương chung của ngành NH.
Sáp nhập để mạnh hơn
Trong bản dự thảo Đề án sáp nhập, HĐQT Habubank đưa ra 6 cái lợi lớn mà Habubank cũng như SHB sẽ đạt được nếu như thương vụ thành công.
Thứ nhất, thỏa thuận này sẽ giúp 2 NH sáp nhập tiến tới trở thành một định chế tài chính vững mạnh và thương hiệu cũng mạnh hơn; Thứ hai, NH sáp nhập có cơ hội để cùng điều hành một doanh nghiệp có quy mô lớn hơn và có sức cạnh tranh tốt hơn sau giai đoạn sáp nhập; Thứ ba, mở rộng khả năng phát triển dịch vụ, đặc biệt là hoạt động bán lẻ do mạng lưới phân phối dịch vụ, thị phần lớn hơn;
Thứ tư, bổ sung lợi thế về quy mô trong phát triển kinh doanh, trong quản lý chi phí; Thứ năm, những điểm mạnh của SHB sẽ hỗ trợ cho HBB và ngược lại HBB có nhiều điểm mạnh để hỗ trợ SHB; Thứ sáu, còn nhận được sự hỗ trợ và quan tâm của NHNN trong quá trình sáp nhập do việc sáp nhập nằm trong chương trình tái cơ cấu hệ thống NH thương mại Việt Nam.
Dự kiến, sau khi sáp nhập, NH mới sẽ có số vốn gần 9.000 tỷ đồng, quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng và 5.000 nhân viên, hoạt động khắp các tỉnh thành lớn trong cả nước. Lượng khách hàng được nâng lên đến 500.000 khách hàng. Dự thảo đề án này cũng nói rõ NH mới sẽ tên NH TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), điều này có nghĩa là Habubank sẽ mất hoàn toàn tên tuổi khi sáp nhập vào SHB .
Habubank đưực NHNN cấp phép hoạt động từ năm 1992 và là 1 trong 3 NH TMCP thành lập sớm nhất (chỉ sau Maritimebank và Sacombank)
Thanh Thanh