Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: “Gặt hái“ sau 1 năm triển khai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thông tin tại cuộc họp Tổ Thường trực giúp việc lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Quốc gia về Tài chính toàn diện ngày hôm nay - 14/4, bà Nguyễn Thị Hòa - Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) - cho biết, sau hơn 1 năm chiến lược tài chính toàn diện quốc gia ban hành đã được tích cực triển khai và bước đầu đạt một số kết quả.
Quang cảnh cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp.

Theo đó, khung khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện được tiếp tục hoàn thiện như ban hành nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương; quyết định cho phép triển khai thí điểm Mobile Money; quy định cho phép mở tài khoản bằng phương thức điện tử (e-KYC), không cần gặp mặt trực tiếp; hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc nhà nước (KBNN); điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; ban hành các thông tư tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; Quyết định kéo dài chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đến ngày 31/12/2021. Bên cạnh đó, nhiều dự thảo nghị định cũng đang được các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng.

Theo bà Hòa, đến cuối tháng 12/2020, có 30 ngân hàng thương mại và 6 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai dịch vụ QR Code với hơn 90.000 điểm chấp nhận trên toàn quốc. Độ bao phủ mạng lưới điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đến năm 2020 đã tăng lên 98,4% tổng số xã cả nước; trên 92% tổng giá trị giao dịch của Ngân hàng Chính sách Xã hội với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được thực hiện tại điểm giao dịch xã. Mạng lưới bưu chính công cộng của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cũng được sử dụng để cung ứng dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ thu hộ, dịch vụ chi hộ với ước tính có 20 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ hàng tháng đến cuối năm 2020.

Hệ thống mạng lưới tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính tiếp tục được phát triển (nâng số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của NHTM/100.000 người dân trưởng thành từ 12,4 CN/PGD năm 2015 lên 17 CN/PGD vào năm 2020). Tính đến cuối tháng 12/2020, mạng lưới ATM, POS phủ sóng đến tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước với 19.636 ATM và 276.273 POS, tăng 2,34% đối với ATM và giảm 0,53% đối với POS so với cuối tháng 12/2019 (số lượng POS giảm nhẹ do các TCTD có xu hướng phát triển thanh toán qua QR Code).

Các sản phẩm, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được phát triển, tăng trưởng cao cả về số lượng và giá trị giao dịch, chất lượng dịch vụ không ngừng được cải thiện. So với năm 2019, năm 2020 số lượng tài khoản thanh toán (của cá nhân và tổ chức) tăng khoảng 11%, đạt 104,2 triệu tài khoản, số lượng thẻ đang lưu hành tăng khoảng 13,9%; thanh toán qua thẻ, Internet, điện thoại di động cũng tăng tương ứng 43%, 8,3%, 123,9% về số lượng và 29,2%, 25,5%, 125,4% về giá trị giao dịch; thanh toán bằng QR Code đã được các ngân hàng triển khai và đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh.

Cũng theo Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã được kết nối với toàn bộ 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh trong cả nước, đáp ứng được nhu cầu thu, chi ngân sách một cách nhanh chóng, kịp thời. Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH) được đưa vào vận hành từ tháng 6/2020 và sẽ tiếp tục được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch kinh tế, thương mại gắn với sự chuyển đổi nền kinh tế số.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN, Tổ trưởng Tổ Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Tài chính toàn diện -  cho biết, chiến lược tài chính toàn diện đã trải qua năm đầu tiên triển khai và đạt được một số thành tựu, kết quả bước đầu đáng ghi nhận nhờ sự nỗ lực của các cơ quan tham gia. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cần sớm được nhìn nhận, khắc phục và cải thiện. Bên cạnh đó, qua theo dõi, NHNN nhận thấy nhận thức và tiến độ triển khai kế hoạch hành động Chiến lược của một số bộ, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ và khá chậm, sự phối hợp giữa các bộ, ngành với địa phương vẫn chưa được chặt chẽ.

“NHNN tổ chức cuộc họp của Tổ Thường trực là cơ hội để cùng nhau phối hợp rà soát, đánh giá và thảo luận phương hướng triển khai Chiến lược trong thời gian tiếp theo một cách thuận lợi và hiệu quả hơn; đồng thời cũng là bước chuẩn bị cần thiết và quan trọng để Tổ Thường trực báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo để có được định hướng hoạt động và chỉ đạo kịp thời ở cấp cao”, Phó Thống đốc nhấn mạnh

Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây có thể xem là một dấu mốc quan trọng đối với hệ thống tài chính Việt Nam, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống kinh tế - xã hội, và sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng bao trùm và bền vững.

Nhận thấy tầm quan trọng của tài chính toàn diện và để chỉ đạo, điều phối, đôn đốc các hoạt động liên quan tới tài chính toàn diện ở cấp độ quốc gia, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả và đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương trong việc thực hiện các hoạt động về tài chính toàn diện, trong đó bao gồm việc triển khai Chiến lược, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện do Thủ tướng làm Trưởng ban, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm Phó trưởng Ban, với sự tham gia của 16 bộ ngành, cơ quan và giao NHNN thành lập Tổ thường trực giúp việc cho Ban chỉ đạo.

Đọc thêm