Làm sao để ngân hàng không từ chối giải quyết khiếu nại?

(PLO) - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cảnh báo để tránh việc ngân hàng có thể từ chối các khiếu nại từ người tiêu dùng, bên cạnh việc sử dụng các phương thức liên hệ chính thức, người tiêu dùng nên kết hợp hoặc ưu tiên sử dụng các phương thức có khả năng lưu giữ, sao lưu để chứng minh về thời điểm và nội dung gửi khiếu nại.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng một số khiếu nại của người tiêu dùng đã bị ngân hàng “ngó lơ” khi gửi qua email
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng một số khiếu nại của người tiêu dùng đã bị ngân hàng “ngó lơ” khi gửi qua email

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) trong thời gian qua, cơ quan này đã tiếp nhận một số khiếu nại của người tiêu dùng về việc chậm trễ trong quá trình tiếp nhận, xử lý các yêu cầu, khiếu nại về dịch vụ của ngân hàng. Theo đó, người tiêu dùng gửi khiếu nại thông qua địa chỉ thư điện tử (email) của bộ phận chăm sóc khách hàng của ngân hàng. Mặc dù hệ thống thư điện tử của ngân hàng đã gửi xác nhận tiếp nhận thành công email của người tiêu dùng, tuy nhiên, sau đó người tiêu dùng không nhận được liên hệ phản hồi của ngân hàng để giải quyết các vấn đề phản ánh.

Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong quá trình giải quyết các tranh chấp phát sinh với ngân hàng, Cục CT&BVNTD lưu ý người tiêu dùng khi sử dụng các phương thức gửi thông tin khiếu nại tới ngân hàng. Một là, sử dụng các phương thức liên hệ chính thức hoặc theo thỏa thuận để gửi khiếu nại tới ngân hàng. Theo đó, người tiêu dùng cần tìm hiểu trong các tài liệu giao dịch với ngân hàng để xác định xem các phương thức liên hệ nào được coi là phương thức chính thức, do ngân hàng công bố và vận hành. Ví dụ, trong các hợp đồng phát hành thẻ tín dụng, một số ngân hàng chỉ chấp nhận phương thức liên hệ qua tổng đài điện thoại hoặc đến trực tiếp các điểm kinh doanh của ngân hàng. Trong trường hợp đó, nếu người tiêu dùng gửi khiếu nại qua email thì ngân hàng sẽ không bị ràng buộc trách nhiệm về việc tiếp nhận và giải quyết nội dung khiếu nại.

Hai là, người tiêu dùng cần lưu giữ các chứng cứ về việc gửi thông tin cho ngân hàng. Để tránh việc ngân hàng có thể từ chối các khiếu nại từ người tiêu dùng, bên cạnh việc sử dụng các phương thức liên hệ chính thức, người tiêu dùng nên kết hợp hoặc ưu tiên sử dụng các phương thức có khả năng lưu giữ, sao lưu để chứng minh về thời điểm và nội dung gửi khiếu nại. Ví dụ: Nếu ngân hàng chấp nhận sử dụng email trong quá trình liên hệ thì người tiêu dùng sử dụng cách thức gửi thông tin qua email; nếu không, người tiêu dùng nên đến trực tiếp các chi nhánh, điểm kinh doanh của ngân hàng để lập biên bản/phiếu phản ánh thông tin. Trường hợp khiếu nại qua tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng, người tiêu dùng có thể ghi âm cuộc gọi để có bằng chứng sử dụng trong trường hợp cần thiết.

Ba là, quy định về thời gian tiến hành thương lượng. Cục CT&BVNTD cho hay, theo khoản 2 Điều 31 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người tiêu dùng. Do vậy, theo Cục CT&BVNTD, trong trường hợp đã gửi khiếu nại thành công, trong vòng 7 ngày làm việc kể từ thời điểm xác định ngân hàng đã nhận được khiếu nại, nếu không nhận được liên hệ, thương lượng từ phía ngân hàng, người tiêu dùng có cơ sở để khiếu nại ngân hàng về việc không thực hiện đúng quy định pháp luật nêu trên./.

Đọc thêm