Ngân sách cần ưu tiên trả nợ

Các đại biểu cho rằng, khi đạt được mục tiêu trả nợ rồi mới tính đến chuyện dự trữ tài chính quốc gia.

Đó là đề nghị của đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) trong buổi thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008 tại hội trường.

“Khi đạt mục tiêu trả nợ rồi mới tiến hành chuyển sang nguồn dự trữ tài chính quốc gia” - ĐB này sau khi phân tích các vấn đề về thu chi, sử dụng ngân sách đã nói thêm.

Năm 2008, theo báo cáo của Chính phủ, có hai nội dung đề nghị quyết toán vượt chi, theo đại biểu Nguyễn Văn Pha (Quảng Bình) thì một đáng mừng, còn một đáng lo. Mừng là khoản vượt chi (trên 3 ngàn 600 tỷ đồng) cho ngân hàng chính sách xã hội bù lãi suất.

Nhưng lo là khoản vượt chi đến 556,9% cho hoạt động bồi thường oan sai và hỗ trợ thi hành án. Điều này, theo ĐB Pha có thể xảy ra hai khả năng: một là Nhà nước đã thực hiện rất tốt việc bồi thường oan sai, bù đắp phần nào những tổn thất mà người dân phải chịu. Hai là chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử “có vấn đề”.

“Giá mà con số chi vượt tới 1 ngàn tỷ ấy, nếu không phải chi theo việc ấy mà dành cho việc chi cho đầu tư phát triển hoặc chi hỗ trợ cho người nghèo làm nhà ở, thì sẽ tốt biết bao”- ĐB Pha “ao ước”.

Gay gắt hơn, trên diễn đàn, ĐB Nguyễn Minh Thuyết đã không ngần ngại liệt kê hàng loạt “bệnh trầm kha” của nền kinh tế, đó là thu chưa vững chắc, còn chi thì dàn trải, chi không hiệu quả.

Đặc biệt, ĐB Thuyết nhấn mạnh một thứ bệnh khác là “bệnh hoành tráng”. Từ cái bánh trưng cũng muốn to nhất đến đường sắt cao tốc. Còn những nơi các cháu học sinh phải đu mình trên dây để vượt sông tới trường thì “sao không chi vào những chỗ đó”. Dẫn chứng ra hàng loạt những hiện tượng chi ngân sách không hợp lý khác, ĐB Thuyết kết luận: “Vấn đề không chỉ là chi sai mà phải chăng còn là tham nhũng, lãng phí”.

“Để ngoài quyết toán ngân sách rất nhiều khoản khiến Quốc hội không thể kiểm soát” - ĐB Lê Quốc Dung tiếp tục lên tiếng.

Ông Dung điểm mặt các khoản này bao gồm vốn vay ODA, trái phiếu Chính phủ, phần xổ số để lại cho địa phương; phần ghi thu ghi chi. “Chi một đồng Quốc hội cũng phải quyết vì tiền đó là tiền thuế của dân, là tiền đi vay của người khác” nhưng tình trạng để ngoài quyết toán cứ kéo dài mãi mà không biết “đi tới đâu”, “Phải có một bản thuyết trình để báo cáo Quốc hội cụ thể về cái này, nếu không sẽ tạo lỗ hổng rất lớn” - ĐB Dung đề nghị.

Liên quan đến quyết toán ngân sách, nhiều đại biểu còn cật vấn chuyện ứng chi, rồi hiệu quả kinh tế của đồng vốn…và mong muốn nói ra phải được xem xét, giải quyết chứ không “kỳ nào cũng nói mà không thấy chuyển biến gì”.

Thu Hằng

Đọc thêm