Ngành Công Thương: Bám sát thực tiễn, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thẳng thắn thừa nhận những hạn chế của ngành Công Thương trong năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp để ngành có thể đạt được kết quả tốt hơn trong năm 2023, trong đó cần bám sát thực tiễn, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận Hội nghị.

Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 732 tỷ USD

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Công Thương năm 2022, triển khai công tác năm 2023 diễn ra hôm qua (26/12), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, dự kiến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD dự kiến đạt 39 mặt hàng (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (tăng 1 mặt hàng so với năm 2021).

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Đối với thị trường xăng dầu, theo Thứ trưởng Khánh, 2022 là một năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trong nước, khi giá xăng dầu tăng cao theo giá xăng dầu thế giới, nguồn cung hạn chế, một số thời điểm đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Đến nay, sau khi thực hiện các giải pháp nêu trên, nguồn cung xăng dầu trong nước cơ bản được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, không xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, năm 2022, ngành nông nghiệp thặng dư 10 tỷ USD. Đây là nỗ lực lớn của các tham tán, thương vụ trên toàn thế giới cũng như sự phối hợp giữa 2 Bộ. Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự phối hợp giữa 2 Bộ trong các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như tìm đầu ra cho nông sản.

Nhiều hạn chế cần giải quyết

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, 2022 là năm có nhiều thách thức bởi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, các yếu tố rủi ro gia tăng trên phạm vi toàn cầu nhưng trên cơ sở chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc đồng lòng của bộ, ngành, hiệp hội nên kết quả năm 2022 khả quan, kinh tế ổn định. Đóng góp vào thành tích chung của cả nước, ngành Công Thương đã chủ động triển khai nhiều hoạt động.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những điểm sáng, ngành Công Thương còn có những hạn chế cần giải quyết như sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm, năng lực sản xuất doanh nghiệp trong nước tăng chậm, việc điều chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch không có nhiều sự chuyển biến; Có thời điểm để xảy ra việc thiếu xăng dầu cục bộ, công tác cải cách hành chính còn chậm;

Nguyên nhân, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương là do kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của một số đơn vị, bộ phận, cá nhân chưa tốt; Năng lực, trình độ, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao; Sự phối hợp trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giữa các đơn vị, bộ phận với nhau và với bộ, ngành, địa phương có lúc, có việc còn chưa tốt; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với cấp dưới ở một số đơn vị chưa sâu sát, kịp thời.

Ngoài ra, việc đánh giá, dự báo tình hình, nghiên cứu, đề xuất chính sách trong một số trường hợp còn bị động, chưa theo kịp thực tiễn. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, kịp thời với các vấn đề mới với các thay đổi nhanh chóng từ bên ngoài.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, trong năm 2023, ngành Công Thương cần bám sát thực tiễn, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành; Theo dõi nắm chắc tình hình, chủ động dự báo để kịp thời ứng phó với những biến động bất ngờ của tình hình thế giới và khu vực nhằm có các giải pháp điều hành phù hợp; Làm tốt công tác tổng kết, đánh giá để rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách; Kịp thời điều chỉnh, đề xuất chính sách khả thi để ngành có kết quả tốt hơn trong năm 2023.

Đọc thêm